Phòng khám này bị đình chỉ do không đáp ứng các điều kiện hoạt động phòng cháy chữa cháy tại Mục b Điểm 1 Điều 11, Chương V, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Sở Y tế yêu cầu Phòng khám Đa khoa Đại Tín và các cá nhân có liên quan không được hoạt động khám chữa bệnh từ 31/12/2023 dưới bất kỳ hình thức nào và chỉ được tiếp tục hành nghề khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Phòng khám Đa khoa Đại Tín hoạt động theo giấy phép số 00956/BD-GPHĐ ngày 5/5/2021 do Sở Y tế Bình Dương cấp. Người phụ trách chuyên môn kỹ thuật là Đinh Viết Chinh.
Liên quan đến Phòng khám Đa khoa Đại Tín, trước đó, VTC News đã có bài phản ánh về các dấu hiệu sai phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh tại phòng khám này.
Cụ thể, trong thời gian ngắn, VTC News nhận được 7 đơn cầu cứu của các nạn nhân, từng là bệnh nhân sử dụng dịch vụ tại cơ sở này. Một điểm chung, các bệnh nhân đều cho biết bị phòng khám "vẽ bệnh moi tiền" ngay trên bài phẫu thuật.
Đơn cử, theo đơn cầu cứu của anh N.V.D (31 tuổi; quê Quảng Bình, hiện đang làm công nhân ở Bình Dương), ngày 20/10, anh tới Phòng khám Đa khoa Đại Tín để xét nghiệm tinh dịch. Tuy nhiên, nhân viên tại đây cho biết, ngoài xét nghiệm, phải thực hiện siêu âm tổng quát mới nắm được tình hình sức khỏe.
Sau khi thăm khám, nhân viên báo anh D. bị tắc ống dẫn nước tiểu bàng quang và thừa da bao quy đầu, có thể là nguyên nhân dẫn đến việc khó có con, phải làm thủ thuật để xử lý.
Giá của thủ thuật dẫn lưu nước tiểu bàng quang và cắt bỏ da bao quy đầu lần lượt là 3 triệu đồng và 4,6 triệu đồng. Nuôi hy vọng có con, anh D. đồng ý bỏ ra 7,6 triệu đồng để bác sỹ làm thủ thuật.
Nằm lên bàn mổ, anh D. được bác sỹ Zhang Xuan Gou (người Trung Quốc, có người phiên dịch) đặt ống dẫn lưu bằng cao su vào bàng quang. Những tưởng thủ thuật diễn ra nhanh gọn, tuy nhiên bác sỹ dừng bất ngờ tay, thông báo có dịch và u mềm trong dương vật của anh D.
Theo bác sỹ Zhang Xuan Gou, với việc dịch và u mềm trong xuất hiện dương vật, nếu anh D. không nhanh chóng hút dịch và cắt bỏ u mềm thì không những không thể có con mà còn gây ung thư, nguy hiểm đến tính mạng.
Trong lúc ống cao su vẫn được đặt trong cơ thể, gây đau đớn, bác sỹ yêu cầu anh D. phải đóng số tiền 36,8 triệu đồng để làm phẫu thuật. Không có tiền, tuy nhiên lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng, anh D. phải gọi điện về cho vợ nhờ vay mượn khắp nơi để chuyển tiền cho phòng khám gấp.
"Khi tôi chưa có tiền để chuyển thì họ cứ để ống cao su trong người làm tôi đau đớn, họ liên tục hối thúc tôi gọi người nhà. Quá lo lắng, vợ tôi đã vay nóng để chuyển tiền cho họ. Sau khi nhận được tiền, họ làm rất nhanh gọn, chỉ khoảng 20 phút đã xong", anh D. cho hay.
Về nhà, bình tâm và thấy mọi việc diễn ra quá nhanh, bị hù dọa và đều nghe theo những yêu cầu vô lý của bác sỹ, anh D. mới phát hiện mình "trúng bẫy".
Tham khảo ở một cơ sở y tế khác, bác sỹ cho biết, ca phẫu thuật tốn hơn 44 triệu đồng vừa qua của anh thực chất chỉ là thủ thuật dẫn lưu nước tiểu bàng quang và cắt bỏ da bao quy đầu bình thường.
Tương tự trường hợp của anh D. là K.T (20 tuổi, ngụ Bình Dương). Mang thai 4 tuần nhưng vì lý do sức khỏe, ngày 25/11, T. tìm đến Phòng khám Đa khoa Đại Tín để làm thủ thuật loại bỏ phôi thai.
Được báo giá 2 triệu đồng, T. đồng ý lên bàn mổ.
"21h10 là em phòng khám, họ nói thai nằm gần ngoài tử cung. Vừa lên bàn mổ thì họ làm gì đó em rất đau, em la lên. Thấy em la, họ nói em chịu đau quá kém nên không làm được, muốn không đau thì phải đóng thêm 18 triệu đồng. Sợ quá, em vừa run vừa gọi điện người nhà chuyển tiền, tiền vừa được chuyển đến thì một nhân viên ở đó giật điện thoại em, nói để chuyển dùm cho. Vì đau quá nên em không phản kháng được", T. kể lại.
Sau khi chuyển tiền, T. được tiêm thuốc mê và thiếp đi.
"21h40 thuốc mê hết tác dụng và họ gọi em dậy, bảo về đi, xong rồi. Vì mê man nên em không biết họ làm gì mình cả, họ không trả sổ khám bệnh cho em luôn", T. nói.
Nhận thấy sự việc bất thường, sáng hôm sau, T. gọi điện đến Phòng khám Đa khoa Đại Tín yêu cầu trả sổ khám bệnh để xem tình trạng của mình thì nhận được câu trả lời: "Tuần sau mới trả sổ được, vì đang làm thủ tục mai táng thai nhi".
Cả hai trường hợp của anh D. và T. đều có nhiều điểm tương đồng: Cùng bị "vẽ" bệnh, bị bắt ký giấy cam kết sử dụng dịch vụ ngay trên bàn mổ; cùng bị bắt chuyển tiền trên bàn mổ; cùng không được trả sổ khám bệnh sau khi chữa bệnh...
Để làm rõ những phản ánh trên, PV VTC News đến Phòng khám Đa khoa Đại Tín để làm việc. Tuy nhiên, nhân viên phòng khám cho biết lãnh đạo đang đi công tác nên tiếp nhận thông tin và hẹn phản hồi sau.
Điều bất ngờ, ngay sau khi PV vừa rời khỏi Phòng khám Đa khoa Đại Tín, đơn vị này đã lập tức gọi điện cho hai khách hàng trên, hẹn gặp xử lý.
Ngày 29/11, làm việc với anh D., đại diện Phòng khám Đa khoa Đại Tín thừa nhận những hành vi trên và đã trả lại toàn bộ số tiền 36,8 triệu đồng từ việc "vẽ" bệnh của anh D.
Sau đó, thêm nhiều nạn nhân khác liên hệ tới VTC News. Những nạn nhân này đều được Phòng khám Đa khoa Đại Tín gấp rút trả lại tiền.
Xác nhận với PV VTC News, đại diện Phòng khám Đa khoa Đại Tín cho biết đã trả lại tiền cho các khách hàng phản ánh.
Ngày 4/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã nhận được một số đơn tố cáo riêng biệt của các bệnh nhân từng khám, chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa Đại Tín.
Nội dung đơn ghi: Phòng khám đa khoa Đại Tín thông qua việc khám, chữa bệnh đã đưa ra thông tin gian dối về bệnh mà bệnh nhân mắc phải để hù dọa, sử dụng các thủ thuật làm bệnh nhân đau đớn, hoang mang về tâm lý để tác động buộc bệnh nhân phải đóng tiền thực hiện gói chữa bệnh mà phòng khám đưa ra.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa cơ sở khám, chữa bệnh để đưa ra thông tin không đúng sự thật, nhằm chiếm đoạt tiền của nhiều công dân gây hoang mang, lo lắng cho công dân, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã có phiếu chuyển nguồn tin tội tạm tới Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bình Dương xử lý.
Bình luận