Bình Định: Khẩn trương hỗ trợ 100 tàu ra khỏi vùng nguy hiểm
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, bão Noru được dự báo nguy hiểm và đang đi rất nhanh nên công việc trước mắt của Bình Định là hỗ trợ, phát thông tin liên tục để 100 tàu thuyền đánh bắt xa bờ khẩn trương di chuyển khỏi vùng nguy hiểm, vào tránh trú tại những khu vực an toàn, đồng thời triển khai những phương án đối phó với bão trên đất liền để tránh thiệt hại về người và tài sản.
Theo báo cáo nhanh về công tác chuẩn bị, ứng phó với bão gần Biển Đông (bão Noru) của Ban Chỉ huy phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định (Ban Chỉ huy PCTT và TKCN) chiều 25/9, toàn tỉnh có 163 hồ chứa có dung tích từ 50 ngàn m3 trở lên, đến thời điểm ngày 25/9, dung tích là 177/592 triệu m3 đạt khoảng 30% dung tích thiết kế.
Hiện có 24 hồ chứa cạn nước, các hồ còn lại đang được điều tiết đưa về mực nước thấp nhất để bảo đảm phòng chống thiên tai và an toàn đập, hồ chứa mùa mưa lũ năm 2022. Các hồ chứa đã sẵn sàng đón lũ.
100 tàu nằm trong vùng nguy hiểm đã nhận thông báo. Các tàu đang di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Bình Định liên tục cập nhật số liệu này để thông báo cho ngư dân.
UBND các huyện đã thông báo đến các xã, phường và ngư dân có lồng bè nuôi biển biết để ứng phó với bão Noru.
Về công tác bảo đảm an toàn tàu hàng, tại Cảng Quy Nhơn có 24 chiếc (có 02 tàu nước ngoài) đang làm hàng, 14 chiếc tàu thi công cầu cảng và nạo vét, 08 chiếc tàu thi công khu đô thị Hưng Thịnh, 10 chiếc tàu lai dắt, 02 chiếc tàu công vụ của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn.
Tổng số các tàu lai dắt hỗ trợ trong khu vực cảng Quy Nhơn có khả năng tham gia công tác ứng phó thiên tai: 08 tàu lai.
Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đã điều động tất cả các tàu vận tải và phương tiện thi công di chuyển tránh bão tại khu vực vịnh Xuân Đài tỉnh Phú Yên khi có bão.
Sáng nay, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức kiểm tra hiện trường công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru tại các địa phương ven biển.
Lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ huy đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh.
Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tránh va đập làm chìm, hư hỏng tại ba khu neo đậu, tránh trú. Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, chằng buộc, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn cho người và thu hoạch sớm nhằm giảm thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.
Rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển, nhất là thành phố Quy Nhơn, các xã ven biển và đảo.
Tùy theo tình hình, diễn biến của bão, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành lệnh cấm biển kịp thời.
Đối với khu vực đất liền, tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các đoạn nước tràn qua đường, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn xảy ra; lực lượng xung kích phải có mặt tại các nơi xung yếu, bố trí phương tiện, vật tư để ứng phó các sự cố.
Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng. Kích hoạt phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và các khu vực người dân sống ven núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để sẵn sàng triển khai thực hiện. Tổ chức vận hành điều tiết liên hồ chứa, các hồ chứa theo quy trình đã được phê duyệt. Thông thoáng dòng chảy trên sông, bảo đảm an toàn đê kè sông, đê kè biển.
Triển khai lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân đặc biệt là tại những khu vực nhân dân sơ tán đến và đi, khu vực neo đậu tàu thuyền.
Hiệu trưởng các trường học tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
Các lực lượng vũ trang: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai phương án hiệp đồng với các đơn vị của Bộ, Quân khu đóng quân trên địa bàn về ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN năm 2022.
Điện lực Bình Định bảo đảm an toàn hệ thống điện, Viễn thông Bình Định bảo đảm an toàn thông tin liên lạc, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phú Yên
Ông Phạm Chí Toàn - Chi cục trưởng - Chi cục thủy lợi, Sở NN và PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, cơn mưa lớn vào tối 25/9 gây ngập cho một số nơi ở TX Sông Cầu nhưng chưa có thiệt hại gì đáng kể. Hiện còn 8 tàu thuyền ở Phú Yên đang hoạt động ở vùng biển có cơn bão đi qua nhưng đã nắm được hướng đi của bão và đang ra khỏi vùng biển nguy hiểm
Theo báo cáo sáng ngày 25/9 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, tổng phương tiện nghề cá của tỉnh Phú Yên là 4.107 tàu cá/24.600 lao động.
Hiện có 387 tàu cá/2.250 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển. Hoạt động xa bờ có 294 tàu cá/1.799 lao động, nằm ngoài khu vực nguy hiểm. Hoạt động gần bờ đi về trong ngày: 93 tàu cá/451 lao động.
Số phương tiện còn lại đang neo đậu tại các bến địa phương.
Hiện tất cả chủ các phương tiện trên đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão Noru, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc được về gia đình và Bộ đội Biên phòng.
Các hồ chứa đang tích nước, vận hành theo quy trình trong mùa cạn; điều tiết chạy máy phát điện và cấp nước sản xuất, dân sinh vùng hạ du, hoạt động bình thường ổn định.
Vụ lúa vụ Hè Thu năm 2022 đã thu hoạch được 24.400 ha/24.822 ha; số còn lại do sạ muộn chưa thu hoạch được, dự kiến cuối tháng 9/2022 thu hoạch. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh: 1.633 ha, gồm: Tôm, cua, cá các loại…
Tổng số ô lồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên là: 102.523 ô lồng/2.516 bè/5.605 người. Các địa phương đã tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp chằng néo, chống bừa neo, trôi dạt và tổ chứa hướng dẫn người dân nuôi lồng, bè thả trệt xuống sát đáy để đảm bảo an toàn.
Khánh Hòa
Thông tin từ tỉnh Khánh Hòa, 6h hôm nay (25/9), trên địa bàn tỉnh có 6 hồ chứa nước đang tiến hành xả điều tiết nhằm hạ thấp mực nước để chủ động ứng phó với khả năng mưa lớn trong những ngày tới.
Ngoài ra, trên 2 con sông lớn của tỉnh, sông Cái Nha Trang có mực nước 3,67m, dưới báo động I là 4,36m và sông Dinh Ninh Hòa là 3,97m, dưới báo động I là 0,23m.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, hồi 5h có 729 phương tiện, 4.467 ngư dân của Khánh Hòa đang hoạt động trên biển.
Trong đó, khu vực biển Trường Sa: 70 phương tiện, 742 ngư dân; khu vực biển Khánh Hòa: 541 phương tiện, 2.584 ngư dân; khu vực biển Ninh Thuận: 56 phương tiện 501 ngư dân; khu vực biển Bình Thuận: 34 phương tiện 351 ngư dân; khu vực biển Vũng Tàu đến Kiên Giang: 28 phương tiện, 292 ngư dân. Không có phương tiện nào đang ở trong khu vực nguy hiểm.
Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về bão Noru để có kế hoạch chủ động phòng tránh.
Bình luận