• Zalo

Biệt thự, siêu xe tính vào giá điện: EVN lên tiếng

Kinh tếThứ Tư, 09/10/2013 07:04:00 +07:00 Google News

(VTC News) – Tập đoàn điện lực Việt Nam vừa có văn bản khẳng định, không đưa chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis, hồ bơi... vào giá thành điện.

(VTC News) – Tập đoàn điện lực Việt Nam vừa có văn bản khẳng định, không đưa chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis, hồ bơi... vào giá thành điện.

Tối 8/10, EVN đã có văn bản giải trình báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại đơn vị này.

Biệt thự, siêu xe không tính vào giá điện

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ,  trong 6 dự án nguồn điện gồm nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1 đều có hạng mục khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa.

EVN
EVN giải trình sai phạm thiếu thuyết phục 
Thế nhưng trên thực tế, đất này được xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện.

EVN lý giải, do các nhà máy điện có công suất lớn hầu hết được xây dựng ở cách xa khu dân cư và thành phố nên cần có khu Quản lý vận hành sửa chữa, trong đó có hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân nhằm huy động kịp thời công nhân khi xảy ra sự cố. 
Đây là những nhà ở công vụ, do vậy khi công nhân không làm việc ở nhà máy sẽ phải trả lại nhà, còn biệt thự đơn lập, song lập cho các chuyên gia sinh sống khi không dùng nữa sẽ chuyển thành nhà khách.

Lý do xây dựng một số công trình thể thao, EVN cho rằng việc này giúp giảm độ căng thẳng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho nhân viên để duy trì ca trực tiếp theo.

"Hiện nay, trong các Nghị định về Quản lý đầu tư của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành không nêu cụ thể có danh mục Khu quản lý vận hành sửa chữa, nhà công vụ, nhưng vì những lý do trên nên việc xây dựng khu quản lý vận hành, sửa chữa, nhà công vụ cho cán bộ công nhân của các nhà máy điện là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế", văn bản của EVN nêu rõ.

Bên cạnh đó, EVN cũng khẳng định, nguồn vốn đầu tư khu chung cư, nhà công vụ phục vụ vận hành, công trình thể thao được trích từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng và hạch toán riêng không đưa vào giá thành bán điện.

Ngược lại, các đơn vị trong EVN thực hiện thu tiền thuê nhà và các dịch vụ theo quy định để hoàn vốn đầu tư, không hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Giao chỉ tiêu lỗ để giảm lỗ!

Đối với khoản đầu tư ngoài ngành 2.107 tỷ đồng, EVN cho biết, do trước đây khi thành lập Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn hoạt động đa ngành đa nghề, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản. 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương thực hiện thoái vốn ngoài ngành số tiền 2.107 tỉ đồng và hiện EVN đang tích cực triển khai để cố gắng đến năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn này.

Liên quan đến việc giao chỉ tiêu kinh doanh lỗ năm 2011 cho các Tổng công ty, EVN cho biết: “Do năm 2010, 2011 EVN gặp rất nhiều khó khăn như nhu cầu phụ tải tăng cao trong khi nắng hạn thiếu nước, ngành Điện phải huy động lượng dầu rất lớn để phát điện nên 2 năm liên tiếp EVN lỗ tổng cộng 12.000 tỷ đồng”.

Theo quy trình xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, hằng năm EVN giao các chỉ tiêu cho các Tổng công ty, các đơn vị trong Tập đoàn. Năm 2011 do khó khăn nên EVN đã giao chỉ tiêu lỗ cho các đơn vị để các đơn vị phấn đấu giảm lỗ so với lỗ kế hoạch.

“Việc hạch toán giá thành của EVN luôn tuân thủ các quy định của nhà nước và đã được các tổ chức thanh tra, kiểm toán xác nhận” - đại diện EVN nhấn mạnh.

Không hạch toán sai

Liên quan đến việc hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011, số tiền 223,9 tỷ đồng, EVN cũng khẳng định “không có việc này”.

EVN lý giải, do nhu cầu vốn đầu tư các công trình điện của EVN rất lớn, mỗi năm EVN đầu tư hơn 60.000 tỷđồng, năm 2013 kế hoạch đầu tư của EVN cho các công trình điện là 106.600 tỷ đồng, trong khi đó khả năng thu xếp vốn không đáp ứng được nhu cầu đầu tư nên lúc nào EVN cũng thiếu vốn đầu tư trầm trọng.

Nguồn vốn khấu hao cơ bản không đủ để trả nợ gốc và lãi vay. Vì vậy việc huy động thu xếp vốn cho các công trình điện chủ yếu từ các nguồn vốn vay.

Trong quá trình phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các công trình, do các thủ tục để phát hành trái phiếu chậm nên không kịp với tiến độ giải ngân công trình điện, nhưng để đảm bảo tiến độ công trình phục vụ điện cho phát triển kinh tế của đất nước nên khi có khối lượng phải thanh toán EVN đã phải ứng trước vốn sản xuất để thanh toán cho các nhà thầu, sau khi việc phát hành trái phiếu hoàn thành lúc đó EVN thực hiện việc hoàn trả lại số vốn sản xuất trước đây đã ứng.

Cụ thể, năm 2010 và năm 2011, EVN có hướng dẫn 8 đơn vị hạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án đã hoàn thành (từ nguồn vốn sản xuất EVN đã tạm ứng sang nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp) với tổng số tiền là hơn 1.619 tỷ đồng (tại 02 thời điểm là ngày 01/9/2010 và ngày 21/10/2010) là thực chất hoàn trả vốn sản xuất mà trước đây EVN đã ứng.

Chính vì vậy, việc điều chuyển nguồn vốn các dự án đã hoàn thành nên phần lãi trái phiếu số tiền 223,9 tỷ đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện ngay trong năm tài chính thay vì hạch toán vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản của các công trình điện (tăng vốn đầu tư của dự án và cũng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện thông qua khấu hao TSCĐ), về tổng thể việc hạch toán nêu trên không làm tăng chi phí sản xuất điện.

Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn chưa được EVN làm rõ như mua sắm xe ô tô vượt quy định, đầu tư hàng triệu USD cho đào tạo thạc sĩ nhưng bằng không được thừa nhận….

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn