Video: Biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo mở cửa đón khách sau 2 năm trùng tu
Sáng 26/1, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức lễ khai mạc trưng bày giới thiệu quá trình trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm). Dự án trùng tu biệt thự mẫu được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, vùng Ile-de-France và cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX).
Căn biệt thự Pháp cổ có tổng diện tích 993m2, trong đó có 400m2 mặt sàn, còn lại là thảm cỏ, lối đi. Công trình nằm trong khuôn viên có diện tích gần 1.000m2, được xây dựng từ đầu thế kỷ XX.
Căn biệt thự 2 mặt tiền được quét vôi màu vàng và đỏ đậm. Tháng 4/2023, việc trùng tu công trình này gây chú ý khi nhiều người cho rằng màu sơn mới không phù hợp, làm mất đi sự cổ kính của căn biệt thự. Tuy nhiên, các chuyên gia Pháp khẳng định các gam màu cơ bản được dùng đúng như màu gốc của công trình ban đầu. Đến nay, màu sơn cuối cùng được sử dụng đã hài hòa hơn so với màu sơn thử nghiệm.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, công trình cổ 49 Trần Hưng Đạo thời gian dài không được trùng tu, bảo tồn nên xuống cấp trầm trọng. Công trình hoàn thành khẳng định cơ quan chức năng có những giải pháp phù hợp để trùng tu các công trình kiến trúc xây dựng bị xuống cấp. “Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm cùng với các sở ngành thành phố tiếp tục các dự án nghiên cứu, đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát huy các công trình kiến trúc Pháp trước năm 1954. Ngoài ra, chúng tôi sẽ làm tiếp một số dự án khác ở Hoàn Kiếm để phục vụ cộng đồng và người dân, khách du lịch tới tham quan”, ông Long thông tin.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các lãnh đạo quận Hoàn Kiếm tham quan không gian, kiến trúc bên trong căn biệt thự Pháp cổ.
Trong sáng 26/1, rất đông người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan tòa nhà. Tại đây, khách tham quan có thể thấy sự biến đổi của công trình thông qua những bức ảnh chụp trước và trong quá trình trùng tu của nhiếp ảnh gia François Carlet Soulages.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiêm (62 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, ông thấy diện mạo căn biệt thự rất khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ kính vốn có. "Tôi hy vọng trong thời gian tới, nơi đây sẽ trở thành không gian đón khách không chỉ cho người dân, du khách trong nước mà có cả khách quốc tế", ông Nghiêm cho hay.
Sau khi tu sửa, tầng 1 vẫn giữ nguyên những viên gạch tomette hình lục lăng nhập từ Pháp. Loại gạch này có kích thước nhỏ, ít nứt vỡ mặc dù mỏng, không tráng men.
Khác với tầng 1, tầng 2 được lát sàn gỗ. Điểm nhấn là các ô cửa sổ và ban công khiến không gian trở nên rộng rãi, thu hút nhiều ánh sáng tự nhiên. Không gian tầng 2 đang trưng bày nhiều bức tranh, ảnh về lịch sử một số tuyến phố, công trình nổi bật ở Hà Nội.
Cầu thang dẫn lên tầng 2 được lát nền gỗ, làm dạng xoắn ốc với 25 bậc. Tường bao quanh khu vực này không trát vữa hay sơn lại, mà giữ nguyên nền gạch để tạo cảm giác cổ kính.
Một số hiện vật được trưng bày tại tầng 1 như gạch, sứ cách điện, vật liệu trang trí bằng đất nung, các giá đỡ bằng sắt chôn trong tường, mảnh gỗ bị mối mọt...
Chốt chặn cánh cửa sổ "cô gái chăn cừu" được trưng bày tại phòng hiện vật. Để tránh cho các cánh cửa sổ bị đập vào tường khi mở ra, mỗi cánh cửa sẽ có một chốt chặn này. Đây là phụ kiện phổ biến ở Pháp từ thế kỷ XVIII. Ở thời điểm ngôi biệt thự được xây dựng, việc sử dụng loại chốt chặn này còn khá hiếm ở Hà Nội.
Du khách trong và ngoài nước chụp ảnh lưu niệm cùng với những hình ảnh trước và sau khi căn biệt thự Pháp cổ được trùng tu.
Việc mở cửa ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo nằm trong chuỗi chương trình "Tết Việt - Tết phố 2024" do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức.
Chương trình gồm nhiều hoạt động phong phú như: Dâng lễ cửa đình, dựng cây nêu, khai mạc sáng 28/1 tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc); giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa tại ngôi nhà di sản (87 Mã Mây); trang trí không gian Tết truyền thống tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc); trang trí không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ)…
Bình luận