• Zalo

Biển hiệu tuyến phố kiểu mẫu Hà Nội: Phát đại bác bắn vào tư duy bừa bãi, luộm thuộm

Bạn đọc viếtThứ Bảy, 14/05/2016 08:15:00 +07:00Google News

Xây dựng một tuyến phố kiểu mẫu như phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) là biểu hiện của tư duy kiểu mẫu, là “phát đại bác” bắn vào sự bừa bãi, nhếch nhác của đô thị.

(VTC News) – Xây dựng một tuyến phố kiểu mẫu như phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) là biểu hiện của tư duy kiểu mẫu, là “phát đại bác” bắn vào sự bừa bãi, nhếch nhác, luộm thuộm ở các đô thị nước ta hiện nay.

Mấy ngày nay, những hình ảnh về tuyến phố Lê Trọng Tấn – tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô Hà Nội – thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và dư luận. Đại đa số ý kiến phản đối, thậm chí với những lẽ chửi bới mạt sát nặng nề.

Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi tuyến phố kiểu mẫu này thực sự là mới, thực sự khác biệt so với sự nhếch nhác, luộm thuộm có thể thấy ở bất cứ thành phố nào trên đất nước ta.

Dường như người ta thích những dãy phố với kiểu biển báo này hơn tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn trong hinfh dưới đây

Tôi đã đọc nhiều tờ báo, hầu hết đều ghi nhận một phần của tuyến phố kiểu mẫu này, nhưng rồi sau đó lấy đủ lý do để chê, để phản bác, phản biện.

Người ta bảo, chê thì dễ, khen mới là khó! Vì sao khen lại khó? Là vì nhiều người quen tư duy đám đông, tư duy “bầy đàn”: Cứ thấy cái gì mới là “nhảy vào” chê đã, đến đâu thì đến. Chê mới thể hiện mình là có hiểu biết, có kiến thức, có đóng góp cho sự phát triển chung… Chê để thấy mình đang tồn tại!.

Dễ dàng nhận thấy sự thực đáng buồn này ở bất cứ đâu. Chẳng hạn, cơ quan A lấy ý kiến về dự luật mới, quy định mới là y như rằng, đám đông “nhảy bổ” vào chê tưng bừng, phân tích lên, phân tích xuống và kết luận là: Không nên làm như thế, dù chính những người này còn chưa biết là nó đúng hay sai! Đó là tư duy kiểu “chém gió cho oách”, hay “anh hùng bàn phím”… vốn dĩ đầy rẫy trên mạng.

Hay như trước đây, khi mới có đề xuất bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, hầu hết các ý kiến đều phản đổi, rồi đưa ra các tình huống nghe có vẻ hợp lý như: Các đôi yêu nhau khi chở nhau thì tỏ tình thế nào, rồi cụ già thì đội làm sao… Thế nhưng, đến nay, hầu hết mọi người đã chấp hành, nhiều người đã hình thành thói quen, hình thành ý thức đảm bảo an toàn tính mạng khi tham gia giao thông bằng xe máy…

Quay trở lại câu chuyện tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn. Nó thực sự là kiểu mẫu. Vâng, nó thực sự là kiểu mẫu. Tôi xin nhắc lại như thế, bởi, trên cả đất nước này, có tuyến phố nào được như thế chưa? Đã có tuyến phố nào gọn gàng, ngăn nắp như thế chưa?...

Hàng trăm cái biển hiệu ấy cần phải được đồng bộ như vậy! Nó không thể mỗi cái một kiểu, cái to cái nhỏ, cái ngược cái xuôi, cái trên cái dưới. Nó không thể là những cái biển to uỳnh, sặc sỡ, chói lóa… dựng khắp nơi trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống tận lòng đường.

Cứ hãy thử đi qua những tuyến phố từng được xem là “đẹp nhất Thủ đô” như đường Nguyễn Chí Thanh chẳng hạn. Nhà cửa nhuộm nhoạm, cái nhô ra cái thụt vào, cái cao cái thấp. Hàng cây trồng hai bên đường chỗ có chỗ không. Gạch lát vỉa hè mỗi đoạn một kiểu. Có đoạn gần như không có vỉa hè.

Biển hiệu hàng quán “bún miến phở bia” thì ôi thôi, giăng mắc khắp nơi. Để trên vỉa hè những tấm biển to bằng cả cái chiếu, màu sắc xanh đỏ tím vàng, chiếm hết lối đi vẫn chưa yên tâm, họ để hẳn xuống lòng đường để mọi người nhìn cho rõ. Rõ đến mức đâm vào thì càng tốt. Những tấm biển khiến phố phường bừa bãi, nhếch nhác, phản ánh đúng tư duy của họ.

Tuyến phố đạt danh hiệu “đẹp nhất Thủ đô” đấy! Còn các con đường khác thì không thể tả nổi về sự luộm thuộm, nhếch nhác, bẩn thỉu, bừa bãi, bệ rạc… đến mức mãi thành quen, thậm chí thành “nét văn hoá của người Hà Nội”.

 
Thói quen sinh sống cùng với sự bừa bãi, nhếch nhác, bệ rạc ở đô thị dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của đa số chúng ta.
 
Cái sự “quen” này thật đáng sợ. Người ta bảo, thói quen ban đầu như người qua đường, lâu dần thành bạn ta, rồi đến một lúc nào đó, nó chính là tư duy của ta. Thói quen sinh sống cùng với sự bừa bãi, nhếch nhác, bệ rạc ở đô thị dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của đa số chúng ta.

Chính vì thế, khi tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn được khánh thành, nhiều người tìm đủ mọi cách để chê, moi ra bằng được “cái gì đó chưa được” để mà chê, mà bác… Ô hay, tuyến phố gọn gàng thế, ngăn nắp thế, đồng bộ thế, thì chê cái gì? Hay chê chỉ để thỏa mãn sự hiếu thắng vô lối, sự bừa bãi, nhếch nhác vốn đã là một phần trong lối sống, trong tư duy?.

Tuyến phố kiểu mẫu khởi nguồn từ tư duy kiểu mẫu
Tuyến phố kiểu mẫu khởi nguồn từ tư duy kiểu mẫu 
Trước khi viết bài này, tôi cũng đã dành cả tiếng đồng hồ để đi ngắm tuyến phố này. Anh bạn từng nhiều năm học tập và làm việc ở các nước Âu châu khen rất đẹp, rất kiểu mẫu, dù còn nhiều điều đáng bàn, ví như màu sắc biển hiệu thì không nên chỉ có 2 màu đơn điệu.

Anh bạn cũng lý giải rằng, sở dĩ nhiều người còn chê là vì họ chưa thay đổi được tư duy bừa bãi. Hay nói cách khác, họ chưa có “tư duy kiểu mẫu”.

Anh bạn tôi cũng nói rằng, nên trao phần thưởng cao quý về sự sáng tạo cho những người dám nghĩ, dám làm tuyến phố kiểu mẫu này. Họ là những người thổi tư duy rất hiện đại, rất chuyên nghiệp, rất kiểu mẫu…, để mở đường cho sự gọn gàng, ngăn nắp, văn minh, trật tự của đô thị đang nhếch nhác đến kinh hoàng.

Anh bạn tôi cũng nói, những người cho rằng, việc quy định các biển hiệu kích cỡ, màu sắc giống nhau là “triệt tiêu sự sáng tạo” thì chính những người đó là đang “triệt tiêu sự sáng tạo”. Mà sự “triệt tiêu sự sáng tạo” đáng sợ nhất chính là bằng tư duy bừa bãi, nhếch nhác, luộm thuộm như chiếc váy đụp vá chằng vá chịt.

Tuyến phố đấy là biểu hiện của tư duy kiểu mẫu, như “phát đại bác” bắn vào sự nhếch nhác, bừa bãi của các đô thị trên cả nước ta.

Giờ là lúc có lẽ Hà Nội nên lên kế hoạch mở “những trận chiến” để xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu. Với những con đường đang mở, thiết nghĩ lãnh đạo Hà Nội nên chỉ đạo làm tuyến phố kiểu mẫu ngay. Có như thế, bộ mặt thành phố này, Thủ đô này mới đẹp, mới kiểu mẫu được.

Về lâu dài, nó là kiểu mẫu để các đô thị khác phải học theo…

Khánh Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn