Qua tìm hiểu, ông bố Trần Thanh Sơn (có tài khoản facebook Thanh Sơn, Bắc Kạn) lập biên bản này với mục đích vui vẻ.
Biên bản căn cứ vào Luật trẻ em được Quốc hội thông qua ngày 5/4 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực từ ngày 1/6, đồng thời làm cơ sở để cha mẹ yên tâm đăng hình ảnh con mà không sợ sai luật hay đi tù.
Biên bản nhanh chóng thu hút gần 8.000 like (thích) và hàng trăm bình luận trên mạng xã hội. Có ý kiến thích thú, đồng tình vì sự hài hước của ông bố, có ý kiến cho rằng phụ huynh này không thực hiện đúng luật.
Anh Thanh Sơn - người lập biên bản - đã có những chia sẻ với PV xoay quanh câu chuyện này.
- Anh có thể chia sẻ về nguồn gốc của biên bản thỏa thuận được đăng lên facebook?
- Bản thoả thuận chia sẻ trên facebook là do tôi lập, với mục đích hài hước, mang lại niềm vui. Ý tưởng bắt nguồn từ ngày 1/6, sau khi tôi xem chương trình truyền hình có nói đến việc áp dụng Luật trẻ em, nội dung có việc cấm tiết lộ thông tin cá nhân như địa chỉ, hình ảnh… lên mạng xã hội. Nếu muốn chia sẻ phải xin ý kiến người giám hộ hoặc bản thân đứa trẻ.
Những ngày qua trên các trang mạng xã hội cũng đã xảy ra tranh luận về vấn đề đăng ảnh con lên facebook hoặc Zalo, có rất nhiều ý kiến đồng tình và cũng không ít ý kiến phản đối.
Video: Từ 1/6, đăng ảnh con trên facebook có nguy cơ bị phạt
Nhưng đa số, phụ huynh đều hiểu từ 1/6 muốn đăng ảnh con lên facebook thì phải xin phép người giám hộ hoặc bản thân đứa trẻ.
- Có ý kiến cho rằng làm biên bản thỏa thuận này, anh đang chế giễu luật hoặc có thể gây nguy hiểm cho trẻ trong trường hợp không mong muốn. Anh nghĩ sao về điều này?
- Bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ Luật trẻ em. Tuy nhiên là phụ huynh của hai con nhỏ, lại thường xuyên chia sẻ ảnh gia đình trên trang cá nhân (không đăng hình ảnh nhạy cảm và xấu xí) nên nếu từ giờ tôi phải xin phép thì rất bất tiện.
Nhìn vào biên bản, ai cũng có thể thấy nó không có tính pháp lý. Tôi cũng không ngờ biên bản lại được cộng đồng mạng quan tâm như vậy.
- Quan điểm của anh thế nào về Luật trẻ em?
- Có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc thực hiện Luật trẻ em, riêng tôi có một số ý kiến.
Thứ nhất, tôi và gia đình hoàn toàn ủng hộ Luật trẻ em. Thứ hai, việc ban hành áp dụng luật vào đời sống cần phù hợp và có tính khả thi.
Vì vậy, tôi kiến nghị với các cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật (như Nghị định, Thông tư…) xem xét hướng dẫn cụ thể để luật đi vào cuộc sống.
Tôi xin lấy ví dụ trường hợp chụp ảnh lưu niệm trong những lần đoàn thể đi tặng quà cho trẻ em ở các trường, có cần phải xin ý kiến phụ huynh (hoặc bản thân) các cháu hay không? Bằng chứng nào cho thấy các cháu đã đồng ý? Nếu phụ huynh (người giám hộ hợp pháp) của các cháu kiện thì làm thế nào?
Ví dụ thứ hai, khi con tôi đi chơi cùng các bạn và có chụp ảnh. Nếu tôi muốn chia sẻ ảnh này lên trang cá nhân kỷ niệm dịp nào đó của con, giả dụ con tôi (hơn 7 tuổi) đồng ý thì tôi có phải xin phép các bạn của con không?
Tất cả điều khoản khác của luật tôi hoàn toàn nhất trí. Chỉ riêng có vấn đề chia sẻ ảnh con cái trên mạng là thấy chưa rõ ràng.
Người Việt chúng ta có thuần phong mỹ tục, tập quán riêng. Các mối quan hệ trong cuộc sống rất quan trọng (ông, bà, cha, mẹ, anh, em, bạn bè…). Khi vui cũng như lúc buồn mọi người muốn chia sẻ cho nhau đó cũng là nét đẹp trong đời sống.
Tôi cũng được biết rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng Luật trẻ em và đó là sự tiến bộ cần thực hiện.
Theo ông Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Đoàn Luật sư Hà Nội), mục tiêu chính của đạo luật này là bảo vệ trẻ em chứ không nhằm hướng tới việc xử phạt.
Do vậy, cha mẹ phải tự nhận thức việc làm của mình có nguy hiểm cho con không kể cả khi trẻ đồng ý. Nếu có thể nguy hiểm, phụ huynh nhất quyết không làm.
Từ ngày 1/6, Luật trẻ em có hiệu lực. Theo đó, cha mẹ đăng hình ảnh cá nhân, bảng điểm học tập của con lên mạng xã hội có thể bị xử phạt.
>>> Đọc thêm: Từ 1/6, ai sẽ xử phạt phụ huynh đăng ảnh con trên facebook?
Bình luận