• Zalo

BIDV tiên phong thúc đẩy thanh toán song phương Việt - Nga

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Năm, 19/05/2016 01:10:00 +07:00Google News

Ngày 18/5/2016, tại Trung tâm thương mại Hà Nội – Mát-xcơ-va, TP. Mát-xcơ-va, Liên bang Nga đã diễn ra chương trình “Tọa đàm phát triển kinh tế thương mại"

(VTC News) - Ngày 18/5/2016, tại Trung tâm thương mại Hà Nội – Mát-xcơ-va, TP. Mát-xcơ-va, Liên bang Nga đã diễn ra chương trình “Tọa đàm phát triển kinh tế thương mại và thúc đẩy hợp tác du lịch Việt Nam - Liên bang Nga”.

Tọa đàm đã vinh dự đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự và chỉ đạo. Trong chương trình Tọa đàm, BIDV đã có báo cáo về kết quả triển khai kênh thanh toán song phương Việt Nam - Liên bang Nga. Những kết quả tích cực bước đầu của hoạt động này đã góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - thương mại – du lịch 2 nước; qua đó cũng khẳng định vai trò tiên phong và những đóng góp tích cực của BIDV.
Sứ mệnh tiên phong của BIDV trong thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại Việt – Nga

Việt Nam và Liên bang Nga là 2 nước có quan hệ hợp tác đặc biệt, toàn diện. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, kết quả hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa 2 bên chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân của hiện trạng này là do việc thanh toán bằng đồng tiền nội tệ hai nước không phát triển, gần như 100% doanh số thanh toán xuất nhập khẩu - đầu tư giữa hai nước chỉ được thực hiện bằng các ngoại tệ mạnh... Bởi vậy, các doanh nghiệp 2 nước mong muốn có một kênh thanh toán để “thông cầu” cho việc hợp tác.

Trong chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11/2014) và trước đó là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7/2012), Việt Nam và Liên bang Nga đã đưa ra những định hướng phát triển đối với các nội dung quan trọng.

Trong đó, về lĩnh vực thương mại đã xác định: “Nỗ lực nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2020”; về hợp tác tài chính ngân hàng cũng xác định: “Tăng cường và đa dạng hóa hợp tác trong lĩnh vực tài chính tín dụng, bao gồm việc sử dụng các thẻ thanh toán và đồng nội tệ trong các thanh toán kinh tế đối ngoại, tăng cường sự tham gia của Ngân hàng liên doanh Việt – Nga (VRB) trong việc thực hiện các dự án song phương trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng”.
Tiếp đó, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nga Medvedev (tháng 04/2015), căn cứ kết quả hội đàm của Thủ tướng Chính phủ hai nước, BIDV được chọn là ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Ngoại thương Nga - VTB (một trong những ngân hàng lớn nhất tại Nga) để nghiên cứu và xây dựng kênh thanh toán riêng giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hai nước, BIDV và VTB đã ký MOU về triển khai kênh thanh toán song phương, thể hiện rõ quyết tâm cao của hai ngân hàng.

Việc xây dựng kênh thanh toán song phương Việt - Nga góp phần khơi thông khó khăn trong thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai nước đã tồn tại trong suốt gần 30 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn Mỹ và Phương Tây đang áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga.

Theo tính toán sơ bộ, sau khi FTA có hiệu lực, kim ngạch hai chiều của hai bên sẽ tăng bình quân 18-20%/năm, đạt khoảng 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020. Ước tính, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể tăng 63%. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi kích thích thương mại hai nước phát triển, là cơ sở để thiết lập kênh thanh toán song phương phù hợp nhằm hỗ trợ thanh toán xuất nhập khẩu, giải quyết được điểm nghẽn trong giao thương giữa hai nước.


Tính ưu việt của kênh thanh toán song phương BIDV - VTB

Với nhiều năm kinh nghiệm triển khai hoạt động thanh toán quốc tế, thanh toán song phương, BIDV đã phối hợp với VTB để xây dựng kênh thanh toán song phương và kết nối hệ thống thẻ bằng đồng nội tệ. BIDV và VTB đã chính thức cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán song phương từ tháng 11/2015.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của công dân hai nước, Công ty chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknet) và Công ty kết nối hệ thống thanh toán thẻ Liên bang Nga (NSPK) cũng đang trong quá trình thống nhất những nguyên tắc cơ bản về kết nối, dự kiến từ quý IV/2016 sẽ chính thức chấp nhận thanh toán thẻ tại các ATM, POS, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam và Nga khi đi du lịch và làm ăn giữa hai nước, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán thẻ bên ngoài.

Kênh thanh toán song phương BIDV và VTB có nhiều ưu điểm vượt trội:

- Thời gian xử lý nhanh: 2 giờ là khoảng thời gian tối đa kể từ khi ngân hàng nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ từ người chuyển đến khi tiền được ghi có vào tài khoản của người nhận (tại BIDV), và tương tự với chiều ngược lại, chuyển từ BIDV sang VTB.

- Đảm bảo tỷ giá, với chi phí thấp: BIDV đã cùng một số khách hàng tính toán lợi ích kinh tế của kênh thanh toán song phương, theo đó mặc dù tỷ giá RUB/VNĐ cao và biến động mạnh nhưng kết hợp với các sản phẩm mua bán kỳ hạn, bảo hiểm tỷ giá, việc chuyển tiền nhanh, cộng với phí chuyển RUB thấp (miễn phí chuyển tiền quốc tế phía BIDV) có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể (khoảng 40USD/lần chuyển so với lựa chọn chuyển USD qua kênh thông thường).

- Cơ chế chính sách ưu đãi: BIDV cung cấp gói tín dụng với qui mô 200 triệu USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp XNK với thị trường Nga với chính sách lãi suất ưu đãi, giá mua bán ngoại tệ cạnh tranh và ưu đãi tối đã phí dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại…

- Các sản phẩm trọn gói: BIDV đã ký kết với Ngân hàng VTB các hợp đồng nguyên tắc để cung cấp các dịch vụ về mua bán ngoại tệ (RUB), chiết khấu hối phiếu, bao thanh toán… tới các khách hàng.

Kết quả tích cực tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ

Kênh thanh toán Việt Nga được triển khai từ tháng 11/2015 trên cơ sở thiết lập hệ thống tài khoản song phương giữa BIDV và VTB. Sau hơn nửa năm triển khai, dù còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động thanh toán qua kênh thanh toán song phương bước đầu đã có những kết quả tích cực.

Về doanh số, sau khi kênh thanh toán song phương chính thức đi vào hoạt động, đã có hơn 30 khách hàng sử dụng kênh thanh toán song phương, chủ yếu là đồng USD. Đến quý I/2016, số lượng giao dịch đạt 115 giao dịch, với doanh số thanh toán đạt hơn 3 triệu USD. Kết quả trên dù còn khá khiêm tốn nhưng cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu và thử nghiệm thực hiện qua kênh thanh toán song phương.

Bên cạnh các giao dịch USD, BIDV đã triển khai thành công 6 giao dịch đồng RUB (3 chuyển tiền đi và 3 chuyển tiền đến) với doanh số đến hết quý 1-2016 là hơn 1 triệu RUB, trong tháng 4/2016 là hơn 8 triệu RUB.

Đặc biệt, mới đây, Công ty nhập khẩu Auto One Service Trading thực hiện thành công giao dịch RUB đầu tiên trị giá hơn 8 triệu RUB, mở đầu cho chuỗi thanh toán định kỳ hàng tháng của một hợp đồng khung nhập khẩu trị giá hơn 1 tỷ RUB đã được ký kết và thực hiện trong giai đoạn tiếp theo...


Về khách hàng: Số lượng khách hàng hiện tại sử dụng dịch vụ của BIDV thanh toán với thị trường Nga là hơn 50 khách hàng xuất nhập khẩu, trong đó có hơn 30 khách hàng đã thử nghiệm và lựa chọn kênh thanh toán song phương.

Một số khách hàng sau khi thực hiện thử nghiệm đã lựa chọn kênh thanh toán song phương là kênh thanh toán chính cho các giao dịch với thị trường Nga, ví dụ như An phat-Yen bai Mineral and Plastics Co., European Plastics JSC, Hikosen Cara Co., ltd, Thanh Nga commerce and construction Co., Rosviet Co…


Một số khách hàng khác chưa sử dụng kênh thanh toán song phương do một số vướng mắc như ngân hàng phục vụ doanh nghiệp Nga là một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Nga, không có quan hệ bù trừ đồng USD với VTB, thông lệ giao dịch qua ngân hàng Mỹ và chưa thuyết phục được khách hàng Nga thay đổi…

Bên cạnh các khách hàng là doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Nga, một số khách hàng cá nhân, công ty du lịch, tổ chức chính trị, xã hội có nhu cầu thanh toán RUB với thị trường Nga đã bước đầu thử nghiệm sử dụng kênh thanh toán song phương.


Nguồn: BIDV

Bình luận
vtcnews.vn