Cuối tháng 5/2016, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama được cả dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Vì vậy, khi ông Obama ăn bún chả và uống bia Hà Nội, những hình ảnh này xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.
Khi được “PR” miễn phí bởi một người quyền lực nhất thế giới, bia Hà Nội được tin là sẽ “cháy” hàng. Thế nhưng, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) lại bất ngờ sụt giảm.
Doanh thu giảm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, trong kỳ, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chỉ đạt 4.049 tỷ đồng, giảm 610 tỷ đồng, tương ứng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng nói doanh thu của Habeco giảm mạnh dù hoạt động quảng bá thương hiệu của công ty có rất nhiều thuận lợi. Bên cạnh việc được Tổng thống Obama “PR” miễn phí, các sản phẩm của Habeco có cơ hội đến gần khách hàng hơn khi Habeco dành ngân sách rất lớn cho quảng cáo và bán hàng.
6 tháng đầu năm, Habeco chi tới 110 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi, tăng 32,6 tỷ đồng, tương ứng 42% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ tiêu này là nguyên nhân chính khiến chi phí bán hàng của Habeco tăng đáng kể và đạt 464 tỷ đồng.
Hoạt động bán hàng được thúc đẩy nhưng doanh thu vẫn sụt giảm khiến lợi nhuận của Habeco đi lùi. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 320 tỷ đồng, giảm 220 tỷ đồng, tương ứng 41% so với 6 tháng đầu năm 2015.
Bên cạnh chi phí bán hàng tăng, chi phí quản lý doanh nghiệp bị đội lên cũng là yếu tố khiến lãi của Habeco sụt giảm. Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tại Habeco tăng từ mức 182 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2015 lên 226 tỷ đồng.
Thừa tiền vẫn đi vay
Habeco sở hữu khoản nợ khá lớn. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 576 tỷ đồng và 664 tỷ đồng. Như vậy tổng nợ tại Habeco đạt 1.240 tỷ đồng, chiếm tới 53,5% vốn góp chủ sở hữu.
Chủ nợ lớn nhất của Habeco là ngân hàng Quốc tế Việt Nam. Ngân hàng này cho Habeco vay 356,6 tỷ đồng. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đứng thứ hai với khoản vay lên tới 244 tỷ đồng. Đứng thứ ba là ngân hàng Standard Chartered với 179 tỷ đồng.
Những khoản nợ này khiến Habeco phải chi trả hơn 37 tỷ đồng tiền lãi vay trong 6 tháng đầu năm. 37 tỷ đồng phải con số quá lớn để gây áp lực lên Habeco nhưng rõ ràng 37 tỷ đồng không hề nhỏ. Và Habeco hoàn toàn có thể tiết kiệm được số tiền này vì Habeco sở hữu lượng tiền khá lớn.
Cụ thể, chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền của Habeco tại thời điểm cuối tháng 6 là 3.184 tỷ đồng. Trong đó, công ty mang hơn 813 tỷ đồng tiền mặt đi gửi ngân hàng, con số này cuối tháng 6/2015 là 1.156 tỷ đồng.
Thông thường, trên thị trường ngân hàng, lãi suất cho vay cao hơn lãi suất tiết kiệm nên khi có tiền mặt, công ty gửi tiền vào ngân hàng rồi lại đi vay, công ty sẽ không được lợi. Đây là điểm khá khó hiểu ở Habeco.
Nhưng có thể, Habeco được vay với lãi suất ưu đãi và gửi tiết kiệm với lãi suất thỏa thuận cao nên thực tế cho thấy một nghịch lý, chỉ gửi tiết kiệm 813 tỷ đồng, Habeco thu về tiền lãi 64,5 tỷ đồng nhưng công ty đi vay 1.240 tỷ đồng mà chỉ phải trả lãi 37 tỷ đồng.
Vì lượng tiền mặt dồi dào nên Habeco khá mạnh tay chi cho cổ tức. Cuối tháng 6, chỉ tiêu cổ tức phải trả cho cổ đông là 238 tỷ đồng.
Bình luận