Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc ngăn chặn những thông tin xấu, bôi nhọ, chống phá Nhà nước. Việc xử phạt với các vụ việc vu khống, nói xấu, bôi nhọ, chống phá Nhà nước… đã có những quy định rất cụ thể.
Những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/4/2017, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn cho hay, với các trang mạng xã hội được cấp phép xuyên biên giới vào Việt Nam đang được người sử dụng tại Việt Nam lựa chọn sử dụng, cho thấy, thông tin trên mạng của nước ngoài ngày càng có tác động lớn đến người sử dụng tại Việt Nam.
Các thông tin tiêu cực, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, chống phá nhà nước Việt Nam chủ yếu tồn tại trên các trang mạng nước ngoài và do người sử dụng có tâm lý cho rằng, đây là các trang tin có nguồn gốc từ nước ngoài là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn.
Bộ TTTT cho biết, đã có hơn 2.000 clip xấu, độc hại trên Youtube đã được gỡ bỏ. Ngoài ra, Facebook cũng gỡ bỏ hơn 200 tài khoản Facebook giả mạo, phản động, nói xấu lãnh đạo, 1 kênh phản động với 500 clip…
Trả lời trên Vietnamnet.vn mới đây, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm đã đánh giá khá cao việc hợp tác với các nền tảng cung cấp nội dung thông tin công cộng xuyên biên giới như Google, Youtube, Facebook... trong việc chặn thông tin xấu độc, có vi phạm...
Riêng với Facebook, Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, vẫn còn có sự khác biệt trong việc phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, như quan điểm cần phải ngăn chặn những thông tin gì, như thế nào... và “đối với Facebook, chúng tôi mất nhiều thời gian thuyết phục hơn, có những thông tin sai phạm, xấu độc..., Youtube đã hạ, đã chặn rồi nhưng Facebook lại không làm”.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, chúng ta cũng cần phải tiến hành các giải pháp đồng bộ khác như làm thế nào để các công ty cung cấp nền tảng mạng xã hội toàn cầu hiểu rằng, khi đến Việt Nam, một quốc gia có một bề dày lịch sử văn hóa, với chế độ chính trị khác với họ, họ phải có sự lựa chọn phù hợp, tôn trọng quyền tự quyết và chủ quyền của quốc gia trong không gian mạng, tôn trọng và tuân thủ những khuyến cáo của nhà chức trách ở Việt Nam.
Khẳng định việc quản lý ở đây không phải là Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết thêm, có một sự khác nhau rất lớn giữa việc biểu đạt chính kiến một cách hòa bình, có văn hóa, với việc biểu đạt theo kiểu suy diễn, suy đoán, đặc biệt là những sự chụp mũ vấn đề nào đó, làm rối loạn tình hình.
“Những vấn đề đó cho thấy, mạng xã hội có những tác động tiêu cực cần phải tỉnh táo nhận thức rõ. Chúng ta cũng thấy có những thông tin được phát tán nhân chuyện nọ, chuyện kia, chẳng hạn như chuyện lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để kêu gọi biểu tình trái pháp luật, xuyên tạc những chính sách chủ trương và những việc mà Đảng và Nhà nước đang làm ở vấn đề xử lý sự cố môi trường biển miền Trung chẳng hạn… Đó là những hành vi không chấp nhận được trên mạng xã hội, vi phạm pháp luật Việt Nam”- ông Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm.
Hoàn toàn có đầy đủ các cơ sở luật để xử phạt
Theo Luật sư Trần Viết Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Hà Nội, hệ thống pháp luật của chúng ta quy định khá đầy đủ và đồng bộ quy định về việc xử lý, xử phạt đối với các hành vi cung cấp, phát tán thông tin xấu độc, tin giả, tin thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc, xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân phát tán trên mạng internet.
Nếu cá nhân, tổ chức có vi phạm thì tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, với số tiền phạt lên đến hàng chục triệu đồng.
Nếu hành vi đó có dấu hiệu của tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015: Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với điều khoản này, người có hành vi phạm tội có thể bị phạt tù tới 20 năm.
Làm rõ hơn điều luật này, Luật sư Trần Viết Hưng cho hay, việc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chính là các hành vi như biên soạn, in, viết, vẽ, cất giữ, cất giấu, phát ra, truyền ra rộng rãi, truyền miệng, phao tin, thông qua hội giảng, bài viết… để xuyên tạc đánh vào tâm lý của người dân, tạo ra sự sợ hãi, tung tin thất thiệt gây hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân, xuyên tạc, kích động, đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý cán bộ, nói xấu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nói xấu lãnh tụ, cán bộ, công chức nhà nước, xuyên tạc lịch sử, kích động kêu gọi tiến hành các hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Ngoài ra, tội vu khống được quy định tại Điều 156 - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Theo Luật sư Trần Viết Hưng, hiện nay các cá nhân và tổ chức phản động đã lợi dụng các trang mạng xã hội để thực hiện các hành vi với mục đích là chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, xuyên tạc sự thật, tạo ra sự sợ hãi, tung tin thất thiệt gây hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân nói xấu lãnh tụ, cán bộ, công chức nhà nước, xuyên tạc lịch sử, kích động kêu gọi tiến hành các hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trước những thông tin xấu, độc này, không ít người sử dụng các trang mạng xã hội đã không kiểm chứng được những thông tin sai trái trên, do vậy đã phụ họa theo, chia sẻ những luận điểm phản động của các thế lực thù địch.
Video: Linh mục Đặng Hữu Nam lợi dụng trẻ em, bóp méo sự thật về ngày 30/4
“Đứng trước các sự việc trên tôi cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng cần thường xuyên cập nhật, tuyên truyền rộng rãi, để người sử dụng mạng xã hội hiểu biết về những lợi ích cũng như mặt trái của mạng xã hội, từ đó kêu gọi người sử dụng mạng xã hội cần cảnh giác hơn với những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, không để bản thân bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước” – Luật sư Trần Viết Hưng nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm về việc này, Luật sư cho rằng, chúng ta cần phát động phong trào ứng xử có văn hóa văn minh trên các trang mạng xã hội, không nên chạy theo và cổ súy những việc làm không đúng, hành vi thiếu văn hóa, hành vi vi phạm pháp luật. Khi người dùng mạng xã hội nhận biết được những thông tin xấu, độc trên mạng, bản thân người dùng mạng xã hội sẽ tự ý thức được mình cần phải làm gì để không mắc vào bẫy của các thế lực thù địch.
Bình luận