• Zalo

Bị yêu cầu đính chính trong tranh luận trên hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lên tiếng

Thời sựThứ Sáu, 02/11/2018 11:46:00 +07:00Google News

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã lên tiếng phản hồi khi đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhắc nhở, yêu cầu ông cần đính chính về phát biểu trên hội trường liên quan đến ngành công an.

Clip ghi lại cảnh tranh luận giữa ĐB Lưu Bình Nhưỡng và ĐB Nguyễn Hữu Cầu. (Nguồn: VTV1)

Trước phát biểu “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp” của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã đề nghị: “Đây là những thông tin mà lực lượng công an rất dậy sóng. Đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói lại vấn đề này để Nhân dân, cử tri cả nước, nhất là cử tri trong lực lượng công an được rõ”.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, trước Quốc hội, trước cử tri về những vấn đề đã phát biểu.

- Cuối buổi sáng 1/11, sau khi đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) tranh luận lại, ông có giơ biển nhưng chưa được phát biểu ngay. Chắc hẳn, ông cũng có điều muốn nói lại với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu?

Tôi không muốn tranh luận nhiều về nội dung, vì nội dung đã quá rõ. Tôi đã cầm báo cáo. Và về mặt nguyên tắc đó là báo cáo mật, gửi cho tất cả đại biểu Quốc hội. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu công bố số liệu đó tôi cho rằng như vậy là không nên.

Đó là phụ lục của báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Mà Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được giao nhiệm vụ thống kê các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tư pháp.

Báo cáo thể hiện rất rõ các số liệu là vi phạm trong lĩnh vực điều tra thế nào, vi phạm trong lĩnh vực thi hành án ra sao, vi phạm của luật sư và vi phạm trong giám định thế nào…

Đó là báo cáo mật, nên tôi chỉ chia ra để so sánh tỷ lệ vi phạm của các cơ quan với nhau. Vậy, cái tôi làm là hoàn toàn đúng, thể hiện rõ cơ quan nào vi phạm hơn để chú ý chấn chỉnh. Tôi không muốn nêu các số liệu đó ra, nhưng đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lại nêu ra, tôi cho rằng không nên.

Tôi tuân thủ ý kiến mà đồng chí chủ tọa - Chủ tịch Quốc hội phiên họp đã nêu: “Đã như thế thì các đại biểu hãy trao đổi với nhau”.

Tôi cho rằng không nên có những bức xúc vì anh hiểu theo một cách, tôi hiểu theo một cách, mà tôi hiểu theo cách riêng của tôi. Cách của tôi hiểu ở trong phạm vi nhất định thì tôi hoàn toàn đúng.

luu-binh-nhuong-nguyen-huu-cau

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tranh luận trên hội trường Quốc hội. 

- Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói là cách tính toán của ông có sai sót?

Tôi không bao giờ nhầm bất kỳ một số nào. Tôi chia đến hai con số. Tôi chia đằng sau dấu phẩy là hai con số. Và tôi chia bằng máy tính.

luu-binh-nhuong-2 3

 

Tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, trước Quốc hội, trước cử tri về tất cả những vấn đề tôi phát biểu và số phần trăm tôi chia.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Nên tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, trước Quốc hội, trước cử tri về tất cả những vấn đề tôi phát biểu và số phần trăm tôi chia.

- Nhiều ý kiến nhận xét ông là một đại biểu mà kỳ họp Quốc hội nào cũng có những phát biểu dậy sóng dư luận. Ông suy nghĩ thế nào về ý kiến này?

Tôi không nghĩ tôi là đại biểu gây dậy sóng. Việc con sóng nó từ đâu đến là việc của các con sóng. Tôi chỉ biết làm đúng trách nhiệm của một đại biểu.

Hơn nữa, tôi là một đại biểu chuyên trách, tôi không phải là đại biểu kiêm nhiệm. Đại biểu chuyên trách cần phải hoạt động có chất lượng.

Bởi cử tri, Nhân dân, Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ, mình phải hoạt động, phải tận dụng những thời gian, những tài liệu, những cái học hỏi được cả trên nghị trường để làm tròn nhiệm vụ.

Tôi không phải đến đây gây dậy sóng hay gây sự chú ý cho ai cả.

Tôi là người thẳng thắn, phát biểu phải đến nơi đến chốn, nói có sách, mách có chứng, nói theo đúng các số liệu mình có và không được bịa đặt.

- Tranh luận ở nghị trường nên chấp nhận những ý kiến trái chiều, thưa ông?

Tranh luận là để làm rõ vấn đề, để khẳng định chân lý. Đây là điều tốt.

Chúng ta đang chuyển từ Quốc hội tham luận sang một Quốc hội tranh luận. Đại biểu Quốc hội không phải đến đây để gây khó khăn, khó dễ cho tổ chức, cá nhân nào. Đại biểu không được quyền tạo ra những khó khăn cho người khác.

Ở đây, đại biểu Quốc hội đóng góp, phát biểu để tìm ra được giải pháp tốt để phục vụ cho nhu cầu phát triển.

- Sau phiên sáng 1/11, Chủ tịch Quốc hội có nhắc hai đại biểu trao đổi cụ thể với nhau để tìm được tiếng nói. Hai ông đã có trao đổi cụ thể thế nào, thưa ông?

Tôi đã trao đổi với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhưng sau đó đại biểu Cầu lại nói như vậy là không đúng với tinh thần chỉ đạo.

Tôi chỉ muốn giơ biển đứng lên để nói rằng tôi luôn luôn chấp hành kỷ luật đó. Đây là kỷ luật của nghị trường, mà đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lại cố tình đi phát biểu, như thế là không nên.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh - Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn