Tuy nhà có khách nhưng chị Phạm Thị Hương (SN 1991, ở xóm 16, thôn Quan Thượng, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) không thể gượng dậy mà vẫn phải nằm trên chiếc giường ở phòng khách. Chị Hương liên tục xin lỗi và tỏ ra ái ngại vì phải nằm tiếp chuyện với chúng tôi.
Nhà chị Hương nằm sâu trong một con ngõ nhỏ. Phòng khách không có vật gì khác ngoài chiếc giường mà chị đang nằm để chống chọi với căn bệnh ung thư.
Vừa ho, chị Hương vừa buồn: “Em bị ung thư sàng hàm ở giai đoạn cuối và đã di căn xuống phổi. Hiện, em chỉ đi lại bằng xe lăn”.
Chị Hương có 3 con gái. Đứa lớn nhất 10 tuổi, còn 2 đứa nhỏ 4 tuổi và 2 tuổi. Sợ phải rời xa vòng tay mẹ nên con gái lớn của chị là Bùi Bích Ngọc lúc nào cũng ngồi bên giường bệnh.
Nhưng Bích Ngọc cũng lại mắc bệnh bạch cầu trong máu cao. Trong khi đó, đứa út của chị Hương bị hở van tim. Vì vậy, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn đối với gia đình chị.
Cách đây hai năm, khi mang thai con gái út được khoảng 4 tháng, chị Hương bị chảy máu mũi. Sau đó, đến bệnh viện khám, các bác sĩ chỉ cầm máu vì đang mang thai.
Khối u bắt đầu phát triển khi thai nhi được 6 tháng. Khi đó, nhiều người khuyên chị Hương bỏ thai để mổ, nhưng chị nói: “Tôi không đành lòng bỏ con, lúc đó, tôi đợi sinh con xong sẽ mổ”.
Sinh con được 5 tháng, chị Hương cai sữa cho con và đến khám ở Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Ở đây, chị sững sờ khi bác sĩ kết luận bị ung thư ca sàng hàm và đã di căn xuống phổi.
“Sau đó, tôi được chuyển xuống Bệnh viện K để điều trị nhưng chi phí hàng chục triệu đồng, gia đình tôi không thể lo được”, chị Hương ngậm ngùi chia sẻ.
Thời gian trôi đi, hiện, đứa con gái út, Bùi Thị Ngọc Mai của vợ chồng chị Hương gần hai tuổi. Cách đây vài tháng, bác sĩ phát hiện Ngọc Mai bị hở van tim. Mỗi tháng, tiền mua thuốc điều trị cho 2 con khoảng vài triệu đồng.
Trong gia đình, chỉ có chồng chị Hương là lao động chính.
“Trước đây, chồng tôi làm thợ mộc nhưng bị máy chém đứt mấy ngón tay nên phải nghỉ ở nhà làm ruộng. Ngoài ra, ai thuê gì làm thêm nấy”, chị Hương thều thào tâm sự.
Nhìn các con nhỏ, chị Hương nói: “Giờ, sức khỏe tôi yếu nhiều, tôi cũng không mong gì hơn là hai con nhỏ bị bệnh có tiền điều trị”.
Chị Hương sinh ra và lớn lên ở vùng núi huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Thuở nhỏ, gia đình nghèo khó nên từ nhỏ, chị Hương đã bươn chải kiếm sống. Học hết lớp 3, chị Hương nghỉ ở nhà giúp đỡ bố.
Đến 10 tuổi, chị Hương xin làm giúp việc cho một gia đình ở Nghệ An. Năm 14 tuổi, chị Hương ra Hà Nội xin phụ bán quán cơm trên đường Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Tại đây, chị gặp anh Bùi Ngọc Thực (SN 1989) và nên nghĩa vợ chồng.
Ông Ngô Duy Dền, Chủ tịch UBND xã Văn Lý (Nhân Lý, Hà Nam) cho biết, gia đình chị Phạm Thị Hương rất khó khăn. Gia đình này rất nghèo lại có nhiều người ốm đau bệnh tật.
Bình luận