"Bố mẹ nuôi con ăn học, đói khổ cũng vì con. Đến bây giờ lớn khôn rồi mà chưa giúp gì cho bố mẹ. Giờ con mắc lỗi không muốn gặp bố mẹ nữa, chào bố mẹ, con đi đây, kiếp sau con sẽ đền đáp công ơn! Con xin lỗi bố mẹ...”.
Đó là những dòng chữ cuối cùng mà Hồ Thị Lan (học sinh lớp 11 ở Nghệ An) viết trong bức thư tuyệt mệnh gửi đấng sinh thành ngay trước khi nhảy xuống ao tự tử hồi tháng 3 năm ngoái.
Sự ra đi đột ngột của đứa con gái ngoan hiền vượt quá sức chịu đựng của người làm cha mẹ. Thầy cô, bạn bè cũng bàng hoàng, đau xót khi nữ sinh học giỏi làm điều dại dột.
Nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng được xác định do clip ghi lại cảnh em và một bạn nam trong lớp hôn nhau bị tung lên mạng.
Những cái chết khi tuổi đời còn quá trẻ như Lan không hiếm.
Đó là kết cục đau lòng khi người bị phát tán hình ảnh, clip nhạy cảm trên mạng không chịu được sức ép từ lời chế giễu, mỉa mai, thậm chí xúc phạm từ những ai xem được, dù trước đó, nạn nhân van xin mọi người ngừng chia sẻ ảnh, clip trong tuyệt vọng.
Khi mạng ảo cướp đi mạng sống thật
Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão như hiện nay, thông tin được lan tỏa nhanh chóng, thức thời chỉ sau vài cú click chuột.
Nhiều người ví mạng xã hội như cái chợ khi ai đó cũng dễ dàng đưa lên đó những "mặt hàng" mà mình muốn. Từ hình ảnh đẹp, người tốt việc tốt đến clip "bóc phốt", đánh ghen dã man, ẩu đả sứt đầu mẻ trán, thậm chí cả hình ảnh, video nhạy cảm.
Chỉ trong thời gian ngắn, những nội dung này được phát tán với tốc độ chóng mặt.
Chiều 12/4, cộng đồng mạng xôn xao về clip nhạy cảm của một đôi nam nữ. Nhiều người cho rằng nữ chính trong đoạn video có nhiều nét tương đồng với hot girl khá nổi tiếng trong giới trẻ.
Chẳng cần biết clip được tung ra từ đâu hay chờ đợi cô gái này lên tiếng, dân mạng đã liên tục chia sẻ thông tin, hình ảnh, link video trên khắp các hội, nhóm. Thậm chí, một số người còn tràn vào trang cá nhân của hot girl để lại bình luận chế giễu, mỉa mai.
Đám đông nhao nhao thể hiện mình đã kịp "bắt trend", mà không quan tâm người trong cuộc đang phải đối diện với những gì khi ảnh nhạy cảm của mình bị thiên hạ mang ra bình phẩm, chế nhạo.
Rất có thể, đằng sau tiếng cười khoái trá của hàng nghìn người lạ là nỗi ấm ức, tuyệt vọng, thậm chí ý định tìm cái chết để giải thoát của nạn nhân. Mỗi cái like, share từ người lạ lại đẩy họ tới gần hơn với những hành động dại dột.
Trước đó, tháng 6/2015, một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai uống thuốc diệt cỏ khi phát hiện clip ân ái của mình bị bạn trai tung lên mạng.
Dân mạng tìm ra Facebook cô gái và tràn vào với những lời lẽ xúc phạm. Ngay cả khi nạn nhân van xin mọi người đừng ép mình vào đường cùng, clip, hình ảnh về cô vẫn không ngừng được chia sẻ trên mạng.
Dù được gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu, nữ sinh đã qua đời tại nhà riêng. Còn người tung clip bị công an bắt giữ để điều tra về hành vi của mình.
Vụ việc đau lòng tương tự xảy ra vào tháng 6/2013. Một cô gái ở Hà Nội bị bạn bè ghép ảnh chân dung vào hình quảng cáo hở hang rồi đưa lên Facebook.
Cô dọa uống thuốc diệt cỏ nếu các bạn không xóa ảnh, nhưng chỉ nhận lại càng nhiều lời thách thức. Ấm ức, bất lực, tuyệt vọng, nữ sinh đã làm đúng như lời mình nói và ra đi khi mới 18 tuổi.
Trên thế giới, nhiều cái chết cũng xuất phát từ lý do nạn nhân bị tung ảnh, clip nóng lên mạng.
Tháng 9/2016, trường hợp của Tiziana Cantone (31 tuổi) gây rúng động Italy. Sau khi bị rò rỉ clip sex, cô cố gắng thông qua tòa án, nộp một khoản phí lớn để gỡ bỏ nhưng chúng vẫn xuất hiện nhan nhản trên Facebook.
"Tôi rất suy sụp và chán nản. Đó là một trò chơi, nhưng đã vượt quá tầm tay khi video xuất hiện cả trên những trang web khiêu dâm", cô nói.
Thậm chí, nhiều người còn in áo phông với dòng chữ "Bạn có quay clip không? Bravo!" để nhạo báng cô.
Cantone cố tự tử 2 lần và được cứu sống. Nhưng sau cùng, cô vẫn không chịu được búa rìu dư luận và treo cổ tự vẫn.
Cái chết của Cantone đẩy mạnh cuộc tranh luận về quyền riêng tư trên mạng và quyền được lãng quên ở Italy. Các chủ đề được đưa ra trong dự thảo luật về phòng chống đe dọa trực tuyến được bàn trong quốc hội nước này ngay sau đó.
Tháng 8/2016, một phụ nữ Trung Quốc uống thuốc trừ sâu tại đồn cảnh sát mà người đàn ông tên Wang - kẻ quay lén và phát tán clip cô quan hệ tình dục với bạn trai trong ôtô - làm việc.
Trước tòa án, Wang khai nhận chỉ gửi đoạn video cho một số đồng nghiệp. Anh ta cũng không biết vì sao clip được tung lên mạng.
Năm 2014, Christina Fokona (19 tuổi, ở Nam Phi) quyết định kết thúc tất cả bằng thuốc an thần khi clip cô quan hệ tình dục với 2 người trên sân trường 4 năm trước lại bị "đào mộ" thêm lần nữa.
Sau khi đoạn video bị phát tán, Fokona đã chuyển trường 2 lần để cố quên đi tất cả. Nhưng khi sự việc lại xuất hiện lại tại ngôi trường mới, 9X hiểu rằng đó là vết nhơ mà thời gian không thể xóa nhòa.
Fokona lẽ ra có thể làm lại sau hành động bồng bột trong quá khứ. Thế nhưng sự tàn nhẫn của dân mạng đã khiến cô không thể vượt qua nỗi ám ảnh về sai lầm của bản thân.
Với những cô gái trong các câu chuyện kể trên, cái chết có thể là cách họ được giải thoát khỏi tất cả. Nhưng với người ở lại, là gia đình, người thân, bạn bè của nạn nhân, nỗi đau sẽ còn đeo đẳng họ mãi về sau.
Nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời
Theo nhiều chuyên gia, nạn nhân bị tung hình ảnh, clip nóng lên mạng phải hứng chịu lời đàm tiếu, cái nhìn kỳ thị từ xã hội. Đó là hành động "bắt nạt trực tuyến" mà nạn nhân sẽ ám ảnh cả đời.
Theo một khảo sát của Childnet International, hơn một nửa thanh thiếu niên ở Anh thấy bạn bè mình chia sẻ ảnh nhạy cảm của một người mà họ biết. Cứ 4 trong số 10 người nói rằng họ thấy đồng nghiệp lập các nhóm chat trên mạng xã hội để bàn tán về các tin đồn hoặc ảnh nóng.
Những câu chuyện về "bắt nạt trực tuyến" và tự tử khi bị rò rỉ ảnh, clip nóng được báo cáo thường xuyên. Nhưng đằng sau mỗi tiêu đề đó là một cô gái đang phải chịu sự đả kích lớn về tinh thần.
Trong bài viết "Những điều tôi học được khi ảnh khỏa thân bị tung trên mạng" đăng trên The Guardian, nữ tác giả Sophia Ankel đã kể lại trải nghiệm của chính mình.
"Thật khó để diễn tả cảm xúc của bản thân khi phát hiện những cậu bạn cùng trường đang rủ nhau xem các bức ảnh tôi khỏa thân. Tôi cảm thấy bị phơi bày và vô cùng chán ghét bản thân.
Những ngày sau đó, tôi bất lực đến mức không thể tự làm gì. Chị gái phải túc trực bên cạnh, nhắc ăn và ôm lấy tôi khi tôi bỗng òa lên khóc nức nở. Cảm giác như bạn vừa trải qua cú sốc thất tình, nhưng thay vì trái tim tan vỡ, bạn cảm thấy giá trị bản thân bị tổn hại nghiêm trọng", cô nhớ lại.
Những tháng tiếp theo, Sophia Ankel tiếp tục tự trách móc bản thân. Cô không muốn trở lại trường học, trốn tránh mọi cuộc gặp gỡ, thận trọng khi tiếp cận ai đó.
Khi tham dự lễ tốt nghiệp của em gái, Ankel lo lắng, sợ hãi trước sự xuất hiện của nhiều chàng trai. Cô tránh nhìn vào mắt họ và cứ quẩn quanh suy nghĩ liệu có từng xem ảnh nóng của mình chưa?
Sau khi biết tới phong trào #MeToo, Ankel dành hàng đêm tìm kiếm trên mạng xem hình ảnh của mình bị phát tán từ đâu, cũng chính là nguồn cơn cho nỗi ám ảnh đeo bám cô suốt 3 năm qua.
Rồi cô gái nhận ra nó chỉ là một trong số hơn 40 hình ảnh khỏa thân của các cô gái cùng trường được tập hợp lại trên một kho dữ liệu trực tuyến.
Ankel hiểu đã đến lúc ngừng đổ lỗi cho bản thân, học cách đối diện với sự thật và đấu tranh cho quyền được lãng quên của mình cùng nhiều cô gái khác.
Nhiều chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên với các nạn nhân khi bị tung clip lên mạng, nên bình tâm sẻ chia với người mình tin tưởng để ứng phó, thay vì hoảng hốt và im lặng để dẫn đến hành động sai lầm.
Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân từng chia sẻ với Zing.vn các bước giới trẻ nên làm khi bị khủng hoảng.
Đầu tiên, cần bình tĩnh, xác định rõ nguyên nhân, bị "ném đá" do hành động không đúng hay do có sự hiểu lầm.
Tiếp đó, cần nhận thức rõ hành động dù đúng hay sai cũng đã xảy ra và không thể làm lại; nên thẳng thắn nhận trách nhiệm nếu bản thân gây ra sự việc.
Cuối cùng, tìm người sẻ chia, giải tỏa áp lực. Có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý có uy tín, nhưng trước hết nên chia sẻ với người thân trong gia đình.
"Ngoài ra, các bạn cần ý thức rõ cộng đồng mạng là một thế giới có thật nhưng cũng mang nhiều tính ảo. Không nên lệ thuộc và bị chi phối bởi thế giới ảo đó vì cuộc sống thực mới là điều quan trọng. Nếu quá ám ảnh với những lời chỉ trích từ người xa lạ, bạn sẽ tự làm hại chính mình", ông Quân nói.
Bình luận