• Zalo

Bị ‘tố’ sử dụng phần mềm từ năm 1998 và trả lãi thiếu, Vietcombank nói gì?

Kinh tếThứ Sáu, 03/02/2017 20:07:00 +07:00Google News

Sau khi bị Kiểm toán Nhà nước “tố” sử dụng phần mềm từ năm 1998, không nâng cấp, không bảo trì và trả lãi thiếu cho khách hàng, Vietcombank đã chính thức lên tiếng.

Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán Hệ thống công nghệ thông tin của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Kiểm toán Nhà nước cho biết Vietcombank sử dụng phần mềm từ năm 1998. Bên cạnh đó, Vietcombank còn bị tố trả lãi thiếu cho khách hàng.

Sử dụng phần mềm từ năm 1988

Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ hệ thống phần mềm của Vietcombank bao gồm hệ thống lõi mua của nước ngoài từ năm 1998 và một số phần mềm Vietcombank tự phát triển, do hầu hết hệ thống lõi mua của nhà thầu nước ngoài nên việc quản lý hồ sơ thiết kế phần mềm, đánh giá và nâng cấp phụ thuộc vào nước ngoài, không thực hiện được.

Về việc quản lý phân quyền và truy cập phần mềm ứng dụng, kiểm toán nhà nước phát hiện còn có trường hợp Vietcombank phân quyền không đúng chức danh tác nghiệp. Việc kiểm soát hoạt động cấp quyền truy cập đối với các hoạt động thử nghiệm phần mềm còn một số trường hợp chưa đúng quy định, chưa đảm bảo quy định an toàn.

vietcombank

 Vietcombank đã lên tiếng sau khi bị tố sử dụng phần mềm lạc hậu và trả lãi thiếu cho khách hàng

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, với hiện trạng công nghệ từ năm 1998 và khung quản trị rủi ro hiện tại của Vietcombank, để khắc phục các hạn chế trên là rất khó khăn do việc đánh giá rủi ro, thiết kế thay đổi, nâng cấp ứng dụng trên hệ thống phần mềm lõi cũ khó thích ứng, hạn chế về dung lượng.

Vietcombank đã có câu trả lời về vấn đề công nghệ thông tin, Vietcombank cho biết: “Thực tế, hàng năm hệ thống công nghệ thông tin của Vietcombank luôn được nâng cấp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng và yêu cầu hoạt động kinh doanh cũng như quản trị nội bộ của Vietcombank. Hiện tại, Vietcombank đang tập trung đầu tư nâng cấp và triển khai nhiều dự án công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai theo chiến lược của ngân hàng cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”.

Trả lãi thiếu cho khách hàng

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Vietcombank trả nốt tiền lãi cho khách hàng. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Vietcombank nên thực hiện hạch toán và chi trả lãi tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng phát sinh năm 2015 số tiền gần 9,8 tỷ đồng; tính và hạch toán đầy đủ số lãi phát sinh năm 2016 theo quy định.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Vietcombank rà soát, đối chiếu hồ sơ chứng từ gốc xác định đúng các thông tin số liệu tại các phần mềm nghiệp vụ báo cáo kiểm toán đã nêu, cụ thể gồm: thông tin xếp hạng tín dụng 88 khách hàng; thông tin hồ sơ định giá lại tài sản đảm bảo và thông tin đăng ký giao dịch đảm bảo chưa cập nhật kịp thời trên hệ thống; số liệu lãi và phải thu thẻ tín dụng.

Vietcombank cũng đã có câu trả lời về vấn đề trả thiếu lãi vay. Vietcombank cho biết trong hệ thống phần mềm Vietcombank mua của đối tác nước ngoài có cấu phần quản lý tài khoản tiền gửi không kỳ hạn,trong đó có cài đặt sẵn tham số để mặc định đối với các tài khoản không kỳ hạn có mức lãi tiền gửi cộng dồn trong 1 tháng có giá trị nhỏ hơn 0,1 USD hoặc tương đương thì hệ thống tự động làm tròn xuống.

Trên thực tế, đa phần các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn có mức lãi hàng tháng cộng dồn chỉ khoảng vài chục đồng/tháng.

Theo thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam, một số ngân hàng thực hiện thu phí quản lý tài khoản đối với những tài khoản có số dư thấp nhằm bù đắp những chi phí quản lý. Đối với Vietcombank, đến nay, ngân hàng vẫn chưa thực hiện việc thu phí quản lý tài khoản kể cả đối với các tài khoản có số dư thấp.  

Hiện nay, Vietcombank cho biết hiện ngân hàng đã thực hiện nâng cấp hệ thống và đã giải quyết được vấn đề liên quan đến tham số nêu trên đồng thời đã thực hiện đầy đủ các kiến nghị của kiểm toán nhà nước. Trong sự việc này, VCB khẳng định không có động cơ vụ lợi và Kiểm toán nhà nước đã xác nhận nội dung này.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn