Liên quan đến vụ việc trường mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị phụ huynh tố lạm thu, chi sai nhiều khoản với số tiền lớn, mới đây cô Hoàng Thị Thành (Hiệu trưởng nhà trường) phải đi vay “nóng” ngân hàng 80 triệu đồng để trả lại tiền thừa của năm học cũ cho học sinh.
Ngày 14/10, trao đổi với PV VTC News, một giáo viên công tác tại Trường mầm non Thụ Lộc cho biết, thời gian vừa qua, sau khi phát hiện tiền của năm học 2016-2017 còn dư thừa, nhiều phụ huynh có con theo học tại Trường mầm non Thụ Lộc đã kéo nhau đến trường để đòi lại tiền.
Trước áp lực từ phụ huynh, nhưng do không còn tiền trong quỹ để chi trả nên ngày 10/10, cô Hoàng Thị Thành (Hiệu trưởng trường mầm non Thụ Lộc) đã đến ngân hàng tại thành phố Hà Tĩnh để vay “nóng” tiền về trả nợ cho học sinh.
Thời điểm đi vay tiền ngoài cô Hoàng Thị Thành còn có cô Võ Thị Huệ (Phó hiệu trưởng), cô Phạm Thị Nga (giáo viên) và cô Lê Thị Xoan (tài vụ). Trong đó cô Thành đứng tên chủ vay và cô Huệ ký tên vào mục xác nhận của thủ trưởng cơ quan.
Sau khi vay được tiền, chiều 10/10, cô Thành đã bàn giao cho thủ quỹ 80 triệu đồng và thủ quỹ đã phát cho giáo viên chủ nhiệm để trả cho phụ huynh học sinh lớp 2,3,4 tuổi tổng số tiền là 58 triệu đồng, còn 22 triệu đồng trả cho cô Võ Thị Huệ.
Sau khi sự việc hiệu trưởng phải đi vay “nóng” tiền ngần hàng để trả nợ tiền thừa cho học sinh, nhiều giáo viên công tác tại Trường mầm non Thụ Lộc thắc mắc, sau khi kết thúc năm học 2016-2017 trên sổ sách vẫn còn dư 80 triệu nhưng tại sao trong quỹ lại không còn tiền.
“Số tiền đó nằm ở đâu, chẳng lẽ không có cánh mà bay. Khi chúng tôi muốn biết vì sao số tiền đó không còn thì cô hiệu trưởng không hề giải thích mà bắt giáo viên trong trường phải đi ký nợ để vay tiền trả cho học sinh. Chúng tôi yêu cầu phải làm rõ số tiền dư trên”, cô P.T.H (giáo viên Trường mầm non Thụ lộc) bức xúc nói.
Điều đáng nói là, số tiền 80 triệu vay ngân hàng với lãi suất 0,96%/tháng, người vay là cá nhân cô Hoàng Thị Thành nhưng nhiều giáo viên trong trường phải ký vào hồ sơ vay vốn. Đồng thời buộc nhà trường phải chi trả khoản tiền này.
Theo tìm hiểu được biết, hiện tại UBND huyện Lộc Hà đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra tài chính tại Trường mầm non Thụ lộc. Thời hạn thanh tra là 20 ngày.
Trước đó, phụ huynh xã Phù Lưu phản ánh, năm học 2016-2017, cô Hoàng Thị Thành (Hiệu trưởng Trường mầm non Thụ Lộc) tự mua những dụng cụ, vật dụng trong trường, và tự ý tăng giá thức ăn của học sinh.
Cụ thể, giá thịt lợn nhập vào là 90.000 đồng/kg nhưng cô Thành tự ý tăng giá lên 110.000 đồng/kg; giá thịt me 220.000 đồng/kg nhưng tăng giá lên 260.000 đồng/kg; 2 nồi điện hầm cháo mua với giá 8 triệu đồng nhưng hiệu trưởng đã làm phiếu khống nâng giá lên 40 triệu đồng.
Tiền mái che làm hết 13,7 triệu đồng nhưng hiệu trưởng lại báo giá 26 triệu đồng. Tiền làm chứng chỉ cho học sinh 5 tuổi năm học 2016-2017 còn dư 6 triệu đồng; tiền mua tài liệu cho các cháu còn dư 49 triệu đồng; tiền nước còn dư 14,5 triệu đồng.
Cuối năm học, cô Hoàng Thị Thành thông báo với phụ huynh không còn khoản dư.
Tuy nhiên, sau khi bị phụ huynh đấu tránh làm rõ số tiền sai phạm trên, vào tháng 8/2017, cô Thành đã chủ động họp phụ huynh toàn trường, công bố trả lại tiền dư của năm học 2016-2017 cho phụ huynh học sinh.
Tổng số tiền dư là 80 triệu đồng (trong đó bao gồm tiền mua tài liệu, vệ sinh, và nước uống) dư khoảng 54 triệu đồng và tiền ăn bán trú dư khoảng 26 triệu đồng.
Theo nguồn tin từ hội cha mẹ học sinh, hiện nhà trường mới chỉ trả được hơn 18 triệu đồng cho 94 học sinh lớp 5 tuổi (trong đó mỗi em được trả lại với số tiền 209.000 đồng). Còn lại các lớp học sinh 2, 3, 4 tuổi (hơn 200 học sinh) hiệu trưởng chưa thể trả.
Do áp lực từ phía phụ huynh, hiệu trưởng Trường mầm non Thụ Lộc đã nảy ra “sáng kiến” đề nghị phụ huynh lớp 2,3,4 tuổi chuyển số tiền dư từ năm học 2016-2017 để nộp vào tiền ăn bán trú cho con vào năm học 2017-2018. Thế nhưng, nhiều phụ huynh không đồng ý và yêu cầu hiệu trưởng phải trả lại toàn bộ số tiền trên cho học sinh.
Được biết, Phù Lưu là một xã thuần nông của huyện nghèo Lộc Hà, thu nhập chính của người dân chỉ nhờ vào vài sào ruộng bạc màu, để kiếm tiền nộp học cho con, nhiều phụ huynh đã phải vay mượn, bán trâu bò để con có tiền nhập học.
“Nếu như chúng tôi không điều tra và phanh phui ra dư luận số tiền thừa này thì tiền của học sinh đã nộp sẽ chui vào túi ai, ai là người trục lợi số tiền trên?”, một phụ huynh bức xúc.
Video: Đình chỉ nữ hiệu trưởng bị tố lạm thu
Bình luận