• Zalo

Bị tố cử 'dân xã hội' đến đàm phán vụ sản phụ tử vong, BV Thanh Nhàn nói gì?

Tin tứcThứ Ba, 30/11/2021 18:38:55 +07:00Google News
(VTC News) -

Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) trả lời báo chí về việc gia đình sản phụ T.T.H. tố bệnh viện cử "dân xã hội" tới đàm phán vụ chị H. tử vong .

Ngày 30/11, liên quan tới vụ việc sản phụ T.T.H., mang thai 6 tháng tuổi tử vong tại Bệnh viện Thanh Nhàn, anh N.Q.V, (29 tuổi, ở xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), người nhà của sản phụ trên cho biết, ngày 27/11 vừa qua, có 2 thanh niên là “dân xã hội” xăm trổ kín người đến gặp gia đình để “đàm phán” vụ việc trên.

Hai người này tự xưng là đại diện của Bệnh viện Thanh Nhàn đến để “đàm phán” với gia đình và ngỏ ý muốn bồi thường số tiền 100 triệu đồng. “Họ nói là sẽ đưa 100 triệu nhưng không nói là đền bù hay gì mà chỉ nói đến chia sẻ với gia đình. Tuy nhiên, gia đình tôi không đồng ý”, anh V. nói.

Anh V. cũng cho biết thêm, anh và gia đình rất bức xúc vì cách hành xử như trên. Về cá nhân, anh V. cũng khẳng định, sau khi vụ việc được báo chí nêu, phía Bệnh viện Thanh Nhàn có đến xin để được chia buồn và thắp nén hương nhưng gia đình anh không đồng ý.

“Từ đó tới hôm qua, bệnh viện cũng chưa có một lời hỏi thăm hay thông tin rõ để gia đình biết nguyên nhân cái chết của người thân. Chính vì vậy mà tôi và gia đình đều rất bức xúc”, anh V. kể.

Liên quan tới vụ việc trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn khẳng định, bệnh viện không nắm được thông tin 2 người đàn ông xăm trổ tự xưng là người của viện đến gặp gỡ gia đình xin đàm phán.

Bà Hương cũng khẳng định sẽ báo cáo lại lãnh đạo bệnh viện về vụ việc này và sẽ sắp xếp một buổi để gặp gia đình sản phụ T.T.H.

Trước đó, tối 24/11, anh V. (ở Hà Nội) chia sẻ trên mạng xã hội về việc vợ anh là chị T.T.H. và đứa con 6 tháng tuổi trong bụng qua đời tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Chiều 15/11, do trong người không khoẻ nên chị H. vào thăm khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Tại đây, chị được lấy máu xét nghiệm và kết luận tiểu cầu, hồng cầu thấp, phải truyền máu. Chị H. sau đó được truyền 2 túi máu và 2 tủi tiểu cầu, sức khoẻ cải thiện hơn.

Do chưa có kết quả xét nghiệm máu, sau 2 ngày, anh V. định chuyển vợ lên tuyến trên. Nhưng tới tối 17/11, chị H. lại tiếp tục được truyền tiểu cầu. Lúc này, bệnh viện yêu cầu anh ký vào giấy cam kết "nếu có vấn đề, người nhà hoàn toàn chịu trách nhiệm". Sau đó, bệnh viện thông báo thai nhi đã mất. 

0h ngày 18/11, chị H. tiếp tục được truyền tiểu cầu, do bị sốc, chị được y tá tiêm một liều giảm sốc. Tuy nhiên, khoảng 5p sau, chị sùi bọt mép. "Tôi hét lên nhưng phải 40p sau mới có 2 bác sĩ đến. Lúc này, vợ tôi không qua khỏi, các y tá đùn đẩy trách nhiệm", anh V. kể.

Anh V. cho biết, đến nay dù vợ con anh mất, nhưng anh vẫn chưa nhận được lời hỏi thăm và câu trả lời thỏa đáng từ phía bệnh viện. Anh cũng khẳng định không muốn được đền bù và sẽ tìm hiểu vụ việc đến cùng để mong có được kết luận từ bệnh viện.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, ngày 15/11, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận sản phụ T.T.H., Người này nhập viện trong tình trạng thiếu máu rất nặng phải truyền 700 ml máu, 300 ml hồng cầu.

Dù sản phụ được các bác sĩ làm các xét nghiệm, nhưng diễn biến quá nhanh và nặng. Ngay từ lúc nhập viện tiểu cầu bệnh nhân có 9 tiểu cầu/μl máu (người bình thường từ 150.000 đến 200.000 tiểu cầu/μl máu), nguy cơ xuất huyết rất lớn, thiếu máu trầm trọng, chỉ còn 1/3 lượng máu trong cơ thể. Ngay lập tức, kíp trực bệnh viện thời điểm đó đã truyền máu, cấp cứu, nhưng khi truyền, tiểu cầu của bệnh nhân chỉ lên được 12.

Lúc này, các bác sĩ các chuyên khoa Huyết học, Sản, Hồi sức của bệnh viện họp, đánh giá về trường hợp của bệnh nhân và tham vấn chuyên môn một số bệnh viện lớn. Mặc dù các bác sĩ bệnh viện ra sức cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Cũng theo bà Hương, thời điểm nhập viện, sản phụ T.T.H. mang thai lần thứ 5, có tiền sử 2 lần gần nhất bị thai lưu nhưng không đi khám hay tầm soát ngay từ đầu.

"Qua họp hội đồng chuyên môn chúng tôi xác định bệnh nhân bị chứng rối loạn đông máu, hội chứng HELLP - rối loạn liên quan tới tiền sản giật, nếu không chữa trị kịp thời, có thể gây tử vong. HELLP là một dạng nhiễm độc thai nghén thường gặp ở 5 – 8% phụ nữ đang mang thai, phổ biến nhất là sau tuần 20 khi mang bầu….”, bà Hương nói.

Trước một số thông tin cho rằng thời điểm thai phụ nguy kịch thì phải tới 40 phút sau mới có bác sĩ đến kiểm tra, bà Hương khẳng định: "Trước tính mạng bệnh nhân, bác sĩ không bao giờ bỏ rơi". Ngay từ thời điểm bệnh nhân vào viện cấp cứu, các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa và làm rất nhiều xét nghiệm nước tiểu, máu… Ngoài ra, trong tình huống cấp bách, tiểu cầu quá thấp nên không thể chuyển viện được. Khi sang bệnh viện khác bệnh nhân sẽ lại phải làm lại toàn bộ xét nghiệm trong khi bệnh viện đã xin được hồng cầu, máu.

"Chuyển viện thời điểm đó sẽ mất thời gian, trong khi tính mạng bệnh nhân đang cấp bách, phải ưu tiên cấp cứu trước”, bà Hương nhấn mạnh.

Phạm Quý
Bình luận