Người nhà cháu Phong bức xúc vì y tá tiêm không hết liều vắc xin.
- Lọ vắc xin sau khi tiêm cho cháu vẫn còn 0,2 ml tương đương 40% liều. Vậy theo bà, có khả năng y tá ở đây cố tình bớt lại để tiêm cho cháu khác không?
Không thể biết mục đích của y tá ở trung tâm này bớt lại vắc xin làm gì. Họ cố tình hay vô ý rất khó để biết. Nhưng theo tôi, vắc xin này thường không có chất bảo quản, nên phải dùng hết liều. Nếu bớt vắc xin lại để dùng cho trẻ khác sẽ có nguy cơ khiến trẻ bị sốt, nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
- Bà đánh giá sao về hành vi ăn cắp vắc xin của nhân viên y tế?
Các nhân viên y tế ở cơ sở tiêm phòng đều phải được tập huấn tiêm. Trên mỗi loại vắc xin đều có hướng dẫn sử dụng cũng như bảo quản cụ thể. Họ là người được tập huấn nhiều rồi. Còn cố tình làm sai và để xảy ra lỗi thì phải phê bình nghiêm túc, đình chỉ không cho tiêm, thuyên chuyển công tác khác.
Ngoài ra, khâu quản lý cần giám sát chặt chẽ hơn.
- Với trường hợp cháu Dương Kiều Phong, bố cháu phát hiện ra nhân viên y tế tiêm thiếu vắc xin thì có nên tiêm thêm cho đủ liều không?
Có thể tiêm bổ sung ngay chỗ vắc xin thiếu hoặc tiêm trong ngày với điều kiện vắc xin phải được bảo quản lạnh. Nhưng nếu vắc xin để qua ngày thì không được tiêm vì dễ gây nhiễm trùng huyết cho trẻ.
Còn nếu liều 1 đã thiếu thì nên tiếp tục tiêm đủ các liều tiếp theo theo khuyến cáo. Nếu cần, có thể tiêm thêm tiếp 1 mũi nhắc lại để củng cố.
- Vậy làm thế nào để biết cơ thể cháu đã có kháng thể, thưa giáo sư?Lọ vắc xin thừa.
Thông thường, 1 tháng sau khi tiêm mũi thứ nhất, cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ nhưng chưa ổn định. Vì vậy, mới phải tiêm tiếp 2 liều để củng cố.
Như vậy, sau 1 tháng, có thể xét nghiệm máu cháu bé để biết kháng thể đáp ứng sau tiêm phòng hay không. Tuy nhiên, trên thực tế có những trẻ tiêm 1 mũi chưa có đáp ứng, thậm chí tiêm 3 mũi mà đáp ứng ít.
Khi trẻ tiêm đủ 3 liều vắc xin, lấy máu xét nghiệm nếu đủ kháng thể bảo vệ rồi thì có thể yên tâm, nếu chưa đủ có thể tiêm nhắc lại tiếp 1 mũi cách sau đó 1 tháng.
- Vậy với các bậc phụ huynh, khi đưa con đi tiêm, bà có lời khuyên gì?
Bố mẹ cần phải tìm hiểu quy trình tiêm phòng và giám sát xem nhân viên có làm đúng quy trình hay không. Yêu cầu nhân viên tiêm phòng lấy thuốc đủ, đúng, xem lọ vắc xin có bị vỡ, nứt không, xem tên loại vắc xin trên nhãn, xem hạn sử dụng… Thông thường, trong hướng dẫn sử dụng mỗi loại vắc xin, nhà sản xuất ghi rất chi tiết về liều lượng.
Khi tiêm, cha mẹ nên giám sát lượng vắc xin trong xi lanh mới chính xác, chứ không phải lượng vắc xin còn trong lọ.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Nguyễn Tâm
Bình luận