Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng từng nhận xét, chỉ số hạnh phúc là một nét đặc sắc của Yên Bái và biểu dương việc lần đầu tiên chỉ số hạnh phúc của người dân được quan tâm, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng.
Tân Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái nhiệm kỳ 2020 – 2025 Đỗ Đức Duy có những chia sẻ về ý tưởng xây dựng chỉ số hạnh phúc và những việc làm để hạnh phúc thực sự đến với người dân.
Không phải cố tạo khác biệt
- Yên Bái là tỉnh tiên phong đưa “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng. Ý tưởng được đánh giá rất cao này xuất phát từ đâu, thưa ông?
Ý tưởng đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh xuất phát từ việc địa phương chọn hướng đi “làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc”.
Bắt nguồn từ nhận định: Nếu đặt nặng vấn đề tăng trưởng và thu ngân sách thì Yên Bái mãi là tỉnh khó khăn, mãi là tỉnh nghèo, có trình độ phát triển thấp, lãnh đạo tỉnh cùng suy nghĩ và bàn bạc phải có gì đưa Yên Bái đổi mới, chứ không đi theo cách làm truyền thống bấy lâu nay. Ở đây không phải cố tạo ra sự khác biệt, mà mục tiêu rõ ràng là cần có triết lý phát triển cho riêng mình.
- Khái niệm chỉ số hạnh phúc khá trừu tượng, với mỗi người lại có một định nghĩa về hạnh phúc khác nhau. Làm sao để xác định được tiêu chí chung, thưa ông?
Đây là vấn đề mới, cho đến thời điểm này, Yên Bái là địa phương đầu tiên thực hiện. Khi chúng tôi báo cáo vấn đề, có nhiều ý kiến khác nhau, song Bộ Chính trị đa số ủng hộ và đánh giá cao, định hướng Yên Bái vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Nói về chỉ số hạnh phúc, mỗi người dân ở mỗi vùng có định nghĩa khác nhau. Ở Yên Bái, bà con vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu chi tiêu không lớn. Họ chỉ cần cuộc sống an toàn trước thiên tai, bão lũ.
Hay trong giáo dục, trước đây, trẻ em đi học rất khó khăn, việc vận động cho trẻ đến trường không dễ dàng gì. Nhưng, giờ tỉnh có trường nội trú, trường bán trú, trẻ em vừa được đi học, vừa được vui chơi, vừa được chăm sóc dinh dưỡng nên thích đến trường. Cha mẹ các em rất hài lòng. Đó là cuộc sống hạnh phúc. Tỉnh rất quan tâm đến đội ngũ này vì xác định đây là nguồn cán bộ dân tộc thiểu số kế cận.
Ở góc độ khác, hạnh phúc là người dân được chăm sóc sức khỏe, hay có con đường mới để đi. Bà con nói đường đi tới đâu thì Chủ nghĩa Xã hội tới đó, tức là, với bà con, có được con đường đi xe máy là đã rất hạnh phúc.
Hạnh phúc là sự hài lòng của người dân
- Những tiêu chí về hạnh phúc của người dân được lượng hoá và đo lường cụ thể thế nào?
Chỉ số hạnh phúc được đo lường dựa trên 3 chỉ số chính gồm sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình, số năm sống khoẻ của người dân
Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy
Chỉ số hạnh phúc được đo lường dựa trên 3 chỉ số chính gồm sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình, số năm sống khoẻ của người dân.
Ba chỉ số chính được cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu cụ thể nằm trong bộ 3 tiêu chí đó. Tất cả những chỉ số, chỉ tiêu trong 19 chỉ tiêu chủ yếu đều bổ trợ cho việc nâng cao các chỉ số thành phần để quyết định chỉ số hạnh phúc.
Việc thực hiện được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và cả nhiệm kỳ cũng chính là góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Hiện nay, Yên Bái đặt mục tiêu chỉ số hạnh phúc tăng khoảng 15% trong 5 năm. Hàng năm, chúng tôi sẽ có đo lường, khảo sát, đánh giá, trên cơ sở đó có thể điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để thiết thực nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Chúng ta không nên đặt vấn đề quá phức tạp, vì từ các chỉ tiêu thực tế, qua khảo sát, người dân thấy dịch vụ hành chính công được cung cấp nhanh chóng, thuận lợi. Hiện nay, chúng tôi triển khai mô hình trung tâm hành chính công 3 cấp. Rất vui mừng là trên 99% người dân sau khi hưởng dịch vụ đều đánh giá hài lòng và rất hài lòng.
Như vậy, chính quyền làm thế nào để người dân cảm thấy hài lòng với mức thu nhập, hài lòng với các quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, hài lòng trong quan hệ với chính quyền thông qua dịch vụ công và dịch vụ thiết yếu thì sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Để định lượng, hằng năm chúng tôi sẽ cung cấp bộ chỉ tiêu, tổ chức khảo sát. Cơ quan chủ trì hiện nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để khảo sát.
Chúng ta chưa có bộ chỉ tiêu quốc gia, vì vậy, chúng tôi xác định quan điểm vừa làm vừa hoàn thiện, kể cả phương pháp đo lường, bộ chỉ tiêu đánh giá.
- Với vai trò tân Bí thư Tỉnh uỷ, ông sẽ bắt tay vào những nhiệm vụ cụ thể gì đầu tiên?
Chúng tôi phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ của các Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để bắt tay vào công việc. Chúng tôi xác định rõ việc gì phải làm trong toàn khoá, ai là người làm, ai chịu trách nhiệm chính.
Bản thân tôi, ngày bình thường có thể điều hành công việc ở cơ quan, còn lại sẽ đi theo chương trình. Những ngày cuối tuần, những ngày nghỉ, tôi dành thời gian để đi cơ sở nắm bắt tình hình, như thế mới có thể hiểu biết được.
Với những vấn đề của Yên Bái, chúng tôi lăn lộn với thực tế, và hiện nay, chúng tôi thực hiện “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, giao nhiệm vụ từ Bí thư Tỉnh uỷ trở xuống.
Trong các chương trình hành động, chúng tôi đều ghi rõ Bí thư Tỉnh uỷ làm việc gì, bao giờ xong; Chủ tịch UBND tỉnh làm việc gì, bao giờ xong?
Và như vậy, chúng tôi có thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Điều này đòi hỏi cán bộ phải hết sức nỗ lực, phải gắn bó với cơ sở, phải lăn lộn vào công việc thì mới hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được. Còn nếu cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ phải kiểm điểm trước cấp uỷ, trước chính quyền.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận