Chiều 23/11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên có buổi tiếp xúc đầu tiên với cử tri thành phố từ khi nhận nhiệm vụ mới. Buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 4 với cử tri Quận 5, 10, 11 sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, diễn ra vào chiều 23/11.
9 cử tri đăng ký phát biểu về nhiều vấn đề như công tác chống tham nhũng vặt, công tác giám sát của đại biểu, kiểm soát quyền lực tại địa phương...
Bí thư Nguyễn Văn Nên lần đầu tiếp xúc cử tri TP.HCM
Đăng ký phát biểu đầu tiên, cử tri Nguyễn Kim Ngân (Quận 5) chia sẻ về sự bức xúc với tình trạng cán bộ, nhân viên trong cơ quan Nhà nước vẫn còn hành vi tham nhũng vặt. Ông nêu ví dụ có cán bộ đến tận nhà giải quyết công việc cho dân nhưng trong quá trình làm việc lại có thái độ đòi hỏi, muốn dân phải chi tiền để công việc thuận lợi hơn.
Trong khi đó, cử tri Đặng Văn Rành (Quận 11) đánh giá công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được hiệu quả cao và tạo được lòng tin của dân. Tuy nhiên, cử tri đặt câu hỏi sắp tới, khi chuyển giao chính quyền mới thì công tác phòng chống tham nhũng có bị đình trệ hay không.
Cử tri Rành còn đề xuất để tăng cơ chế giám sát, lãnh đạo Thành ủy nên có lịch tiếp công dân. Bên cạnh đó, ông cho rằng để phát huy hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, Ban Tổ chức Trung ương nên có văn phòng tại 3 miền để khi có sự việc bức xúc, người dân có thể trực tiếp đến làm việc mà không cần ra tận Hà Nội.
Tiếp thu các ý kiến của cử tri, đại biểu Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, chia sẻ sự xúc động trong lần đầu tiên tiếp xúc cử tri thành phố. Bí thư Nên đánh giá rất cao ý kiến phát biểu của các cử tri và cho rằng đây là những góp ý có tâm, có tầm, sâu sắc, trách nhiệm với thái độ xây dựng.
Nói riêng về vấn đề tham nhũng, ông Nên nhận định rằng "tham nhũng không có cái nào vặt hết".
"Giá trị của đồng tiền khó nói thế nào là lớn nhỏ. Với người giàu, 100 triệu đồng không phải lớn, nhưng với người khó khăn thì một triệu cũng lớn”, Bí thư Nên chia sẻ.
Về các kiến nghị, góp ý của cử tri, ông Nên cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu và truyền tải đến các cơ quan có trách nhiệm để xử lý.
Không lợi dụng quyền dân chủ để xúc phạm người khác
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Mai Thanh Hà (quận 5) gửi đến các đại biểu một bản kiến nghị dài 3 trang giấy, phản ánh rất nhiều vụ việc khác nhau. Trong đó, cử tri nêu tên đích danh nhiều cựu cán bộ và cán bộ đương nhiệm mà ông cho rằng có sai phạm trong quá trình làm nhiệm vụ. Qua đó, ông Hà đặt câu hỏi cho đại biểu Lê Minh Trí rằng tại sao không xử lý hình sự những trường hợp này.
Chia sẻ về ý kiến của cử tri Hà, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, bày tỏ sự không đồng tình với việc cử tri nêu tên hàng loạt cán bộ và đề nghị xử lý hình sự. Viện trưởng Trí khẳng định tất cả sai phạm đều sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật, không để oan sai, không bỏ sót.
"Trọng chứng hơn trọng cung. Án tại hồ sơ, chỉ tòa tuyên có tội mới có tội, còn ngay quá trình thụ lý điều tra thì cũng chưa có tội", đại biểu Trí khẳng định.
Ông cũng nhắc nhở cử tri rằng nếu muốn làm đơn tố cáo, khiếu nại ai vi phạm pháp luật thì phải ký tên và chịu trách nhiệm với lá đơn đó. Đại biểu Trí chia sẻ với bức xúc và tâm huyết của cử tri nhưng ông đề nghị cử tri khi muốn tố cáo một cá nhân cụ thể cần có chứng cứ và cẩn trọng trong phát biểu của mình
Thống nhất với ý kiến của đại biểu Trí, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng Việt Nam đang ở thời đại xã hội dân chủ. Tuy nhiên, ông nhắc nhở đừng để quyền tự do dân của mình ảnh hưởng đến quyền tự do dân chủ của người khác.
"Có giới hạn trong thực hiện quyền dân chủ, quyền tự do được pháp luật quy định. Điều này cần rút kinh nghiệm. Mình cứ đặt ngược lại là mình, khi ai đó nói mình mà chưa có đủ cơ sở chứng cứ, mình có chịu được không?", Bí thư Nên đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Văn Nên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển sinh hoạt của từ Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh về Đoàn ĐBQH TP.HCM. Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phân công ông Nguyễn Văn Nên về sinh hoạt tại tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 (gồm quận 5, quận 10 và quận 11).
Bình luận