Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua, TP đã ban hành quy trình giải quyết thông tin phản ánh các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật.
Theo đó, người đứng đầu các cơ quan có người bị phản ánh phải báo cáo cấp uỷ cùng cấp biết sự việc, báo cáo để thường vụ cấp uỷ chỉ đạo thực hiện.
Theo ông Nhân, sau khi cơ quan đảng, nhà nước có chế tài xử lý thì khâu giám sát các chế tài chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả chưa cao. Nhiều kết luận thanh tra, kiểm toán không được công bố, các tổ chức mặt trận không biết mà giám sát, vì vậy tác dụng răn đe, điều chỉnh hành vi còn hạn chế.
Để khắc phục tình trạng này, cần giám sát việc công bố việc thực thi các chế tài của Đảng, Nhà nước với các tổ chức, cá nhân có sai phạm. Hiện chưa có quy định các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận phối hợp thực hiện công bố và giám sát thực hiện chế tài.
Quy trình 8 bước phòng chống suy thoái, tham nhũng, còn hạn chế ở khâu rút kinh nghiệm. Định kỳ hàng năm đánh giá một cách toàn diện chưa được nên sai phạm cũ chưa được khắc phục đã xuất hiện sai phạm, suy thoái, tham nhũng mới.
“Đây là nguyên nhân của tình trạng ở cấp trên 'đốt lửa to', cấp dưới 'chậm đốt lửa' hoặc 'đốt lửa nhỏ' trong khi suy thoái, tham nhũng hàng ngày, hàng giờ huỷ hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của Nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước”, ông Nhân nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng này, Bí thư TP.HCM cho rằng việc kiểm tra, giám sát của cấp uỷ và chính quyền cấp trên đối với cấp dưới, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân, QH, HĐND có ý nghĩa quyết định, trong đó cần thực hiện quy trình 8 bước, phòng chống suy thoái tham nhũng, vi phạm pháp luật, của Đảng và Nhà nước.
“Ban Thường vụ thành uỷ TP.HCM trong năm 2018 sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện quyết định về quy trình giải quyết các thông tin phản ánh các tập thể, cá nhân suy thoái, trong đó phân công Phó bí thư thường trực thay mặt chỉ đạo trực tiếp, Ban Nội chính thường trực theo dõi thực hiện quyết định", ông Nhân cho hay.
Xử lý qua quýt thì lại “đâu đóng đó”
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải cho biết, chúng ta theo đuổi quan điểm đổi mới nhưng có tư duy đổi mới là phá cách nhiều, cho rằng thế mới là sáng tạo, tư duy đột phá, dẫn đến nhiều cái vượt ra khỏi khuôn khổ, quy định.
“Khi đó, ta lại xử lý lỏng lẻo, không nghiêm, dung túng, tha thứ nên dẫn đến tật xấu tác động đến cả cán bộ, công chức, thậm chí cả những công chức bên dưới. Đây là cái chúng ta còn để kéo dài nên phải tập trung chấn chỉnh”, ông Hải nói.
Ông cũng băn khoăn về vấn đề công khai minh bạch nói nhiều nhưng lại không công khai minh bạch được, có quy định nhưng không làm.
Vì vậy, phải thực hiện phải mạnh hơn, quyết liệt hơn chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát. "Vừa rồi TƯ làm rất mạnh nhưng mới chỉ dừng lại ở UB Kiểm tra TƯ còn dưới chưa mạnh lắm, các địa phương tới đây phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn việc kiểm tra, giám sát, thanh tra”, Bí thư Bắc Giang nhấn mạnh.
“Đi liền với kiểm tra phải xử lý nghiêm minh, chứ xử lý qua quýt thì lại đâu đóng đó, đóng mác an toàn cho việc kiểm tra”, ông Hải lưu ý.
Ông cho rằng, giám sát xã hội, báo chí, dư luận cũng là một kênh giám sát cán bộ.
“Tôi nghĩ kể cả kỷ luật Đảng cũng phải sử dụng kênh này. Không bắt được quả tang nhưng dư luận nói về anh rất xấu thì cũng phải kiểm tra. Về kiểm tra, minh bạch tài sản phải kiên quyết làm. Không kiểm tra quá trình thì phải kiểm tra kết quả, phải xác minh nghiêm túc, để cho người ta có tham nhũng, tham ô cũng không thể dùng được tài sản đó”, Bí thư Bắc Giang nói.
Do con người chứ không phải do quy trình
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng năm 2017 có lẽ là năm ban hành nhiều văn bản nhất, trong đó có nhiều văn bản quan trọng thúc đẩy cả hệ thống chính trị thực hiện. Việc xử lý những cá nhân vi phạm của Đảng đã làm hết sức nghiêm túc với trách nhiệm cao.
“Chúng tôi nhận nhiều văn bản chỉ đạo của TƯ, tạo niềm tin ở đội ngũ cơ sở rất lớn. Vì thế việc này cần làm tiếp. Về công tác cán bộ, chúng tôi công khai, minh bạch ở tất cả các khâu.
Về sự gương mẫu của người đứng đầu, của tổ chức Đảng và người làm công tác tổ chức, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tuyệt đối không thiên vị, sử dụng quan hệ người nhà, người thân”, Bí thư Hà Tĩnh cho hay.
Về xây dựng cơ chế quản lý quyền lực, ông Sơn cho hay, Hà Tĩnh đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ.
“Muốn phân tích phải nhận diện cho rõ là xảy ra chạy quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ là xảy ra ở cấp nào, ở đâu, cần nhận diện rõ xung quanh điểm yếu, lỗ hổng trong thời gian qua”, Bí thư Hà Tĩnh nói.
Theo ông, có nhiều nguyên nhân nhưng sâu xa nhất là cán bộ đã suy thoái, trong đó có cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ. Nói về giải pháp, ông Sơn nêu quan điểm “4 không” được đánh giá cao là “không muốn, không dám, không thể và không cần”.
Vì vậy, trước hết, cần xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực đã có nhưng quan trọng hơn là phải xây dựng kỹ, rõ và có cơ quan giám sát.
Thứ hai, quan trọng hơn là người vận hành quy chế, người thực hiện. “Nhiều lần ta nói trên diễn đàn là quy định đúng nhưng sản phẩm đầu ra không đúng, như vậy do con người chứ không phải do quy trình”, Bí thư Hà Tĩnh phân tích.
Video: Ông Nguyễn Thiện Nhân nói kỷ luật cán bộ cấp cao thể hiện trách nhiệm của Đảng
Bình luận