• Zalo

"Bí thư tỉnh ủy" - Một nén tâm nhang, một tấm lòng

Bạn đọc viếtThứ Tư, 12/01/2011 06:57:00 +07:00Google News

(VTC News) – Hơn một bài cảm nhận phim, đây là nén tâm nhang dâng người đã khuất, là tấm lòng đau đáu kỳ vọng của một cựu chiến binh trước thềm ĐH Đảng.

(VTC News) – Hơn cả một bài cảm nhận phim, bài viết dưới đây là nén tâm nhang dâng người đã khuất, cũng là tấm lòng đau đáu niềm tin và kỳ vọng của một cựu chiến binh trước thềm Đại hội Đảng.

 

Bộ phim Bí thư Tỉnh ủy đã và đang thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả trong cả nước ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhất là lớp người từng trải qua thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội hết sức có cảm tình và quan tâm theo dõi bộ phim này, vì qua mỗi tập phim người xem lại được trở về với những kỷ niệm của một thời chiến tranh, một thời bao cấp đầy khó khăn gian khó nhưng nhiều ý nghĩa.

 

 Bộ phim "Bí thư tỉnh ủy" hấp dẫn không phải ở kịch tính.

Có thể nói, đây là một trong số it những bộ phim chính luận hay, có chất lượng đã được phát sóng từ trước đến nay. Phim Bí thư Tỉnh ủy để lại ấn tượng, đem lại nhiều cảm xúc cho người xem về một con người lãnh đạo một địa phương tỉnh mà tên tuổi của ông đã đi vào huyền thoại. Phim phản ánh về một giai đoạn lịch sử cách đây chưa xa, vào khoảng những năm 60 – 70 của thế kỷ 20 - khi đất nước ta bước vào xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, nhưng do do những quan điểm rập khuôn, giáo điều, duy ý chí và nóng vội trên con đường hợp tác hóa nông nghiệp nên đã có những sai lầm trong cung cách quản lý và tổ chức thực hiện, hậu quả là đã đẩy hàng triệu nông dân ở một nước có tới 80% là nông nghiệp lâm vào tình trạng thiếu đói nghiêm trọng, trình độ quản lý hợp tác xã nông nghiệp trì trệ, yếu kém, nhiều nơi người nông dân không thiết tha với con đường hợp tác hóa nông nghiệp.

 

Tình trạng của tỉnh Phước Vĩnh mà phim đã phản ánh cũng là tình trạng chung của nông nghiệp miền Bắc lúc bấy giờ. Tôi cũng là một cán bộ quân đội được Quân khu 3 điều động tăng cường cho tỉnh Thanh Hóa là địa phương có khó khăn về phong trào hợp tác xã, mặt khác cũng kết hợp xây dựng lực lượng vũ trang địa phương đối phó với âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tung biệt kích thám báo ra phá hoại miền Bắc. Qua hai năm trực tiếp xây dựng củng cố phong trào hợp tác xã ở địa phương chúng tôi cảm nhận thấy rất rõ những yếu kém và sự trì trệ của hơp tác xã, rất nhiều người đã qua thời kỳ đó cũng thống nhất đánh giá cao tính chân thực của bộ phim này.


Phim cuốn hút người xem còn bởi cốt truyện đã hay, con người thực, viêc thực, tất cả được thể hiện qua ngòi bút của nhà văn Vân Thảo, ông cũng là một con người tâm huyết với đề tài, có trải nghiệm. Được biết nhà văn đã xuống thực tế ở tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng để tìm hiểu tình hình và đã thành công một kịch bản phim thể loại chính luận này.

 

Đạo diễn Quốc Trọng cũng là một người trưởng thành từ một diễn viên (đến nay, nhiều khán giả vẫn nhớ đến và yêu mến anh qua vai diễn Xuân Tóc Đỏ). Anh cũng đã đạo diễn thành công nhiều bộ phim hay như Đường đời, Ngõ Lỗ Thủng, v.v… Và với Bí thư tỉnh ủy, anh đã để lại dấu ấn trong lòng người hâm mộ về dòng phim chính luận. Nhóm biên tập như nhà văn Thùy Linh, Phạm Ngọc Tiến, Trần Hoài Văn, cũng là những tên tuổi quen thuộc với khán giả ở nhiều bộ phim truyền hinh, với phim Bí thư Tỉnh ủy, người xem rất tâm đắc với lời thoại mà các nhà văn đã thể hiện, ngôn ngữ trong sáng, lý luận chính trị nhưng không rườm rà nhạt nhẽo, có tính triết lý, tính nhân văn cao đẹp, đem đến cho người xem nhiều điều suy ngẫm. Ví dụ như: cuộc đối thoại giữa Bí thư Kim với Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh Ủy, các phái viên nông nghiệp Trung ương với Chủ nhiệm UB kiểm tra Tỉnh ủy, với Thường vụ Huyện ủy và Ban quản trị HTX nông nghiệp Gia Đạo và Đạo Thắng…

 

Có những cảnh quay chân thực, cảm động đến rơi nước mắt.

 Trong phim còn có một số tập, một số cảnh khiến người xem rất cảm động như: cảnh bà Quê bỏ nhà đi ăn xin do người già không phải là lao động chính nên ít công điểm dẫn đến thiếu đói, cảnh truy điệu một Bí thư Huyện ủy bị tử hình oan trong cải cách ruộng đất bị lãng quên tới 10 năm không đươc minh oan… Hay điểm nhấn là cảnh Bí thư Kim tâm sự với phái viên nông nghiêp Trung ương do Quốc Trọng thể hiện, một con nguời cũng rất trăn trở, suy tư với việc làm của Bí thư Kim, đã cảnh báo để Bí thư Kim hiểu và lường trước việc làm của mình có thể bị coi là đi ngược lại đường lối của Trung ương. Bí thư Kim trả lời: “Dù có phải đánh đổi sinh mạng chính trị của tôi mà người nông dân quê tôi được no ấm thì tôi vẫn sẵn sàng.” Hai người lặng lẽ đi dưới bóng cây cổ thụ trong cơ quan Tỉnh ủy, trên trời xuất hiện đám mây đen bao phủ báo hiệu một sự chẳng lành… Những cảnh phim và trường đoạn như vậy khiến cho người xem nhiều suy tư trăn trở, nhiều cam xúc đến trào rơi nước mắt.

 

Do các nhà làm phim chịu tìm tòi khám phá nên người xem thấy nhiều điều mới lạ như cảnh làng quê, sân kho hợp tác xã, đồ dùng vật dụng của thời cũ. Bên cạnh một số ít nghệ sĩ đã thành danh thể hiện các vai chính như Dũng Nhi trong vai Bí thư Kim, NSƯT Minh Châu vai Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, NSƯT Lan Hương vai vợ Bí thư Kim, NSƯT Mai Hoa vai Bí thư Huyện ủy, NSƯT Đức Trung vai tổ trưởng phái viên nông nghiệp Trung ương…, còn lại hầu hết là diễn viên mới lạ lấy từ các đoàn nghệ thuật. Bộ phim cũng huy động một lượng đông đảo diễn viên quần chúng, họ đã thể hiện rất tốt nên người xem cũng rất có cảm tình.

 

Tất cả các yếu tố trên đã tạo nên một tác phẩm điện ảnh hay, đi vào lòng người.


Phim đề cập đến một giai đoạn quá khứ lịch sử nhưng vẫn đậm nét thời sự hôm nay, có tác dụng giáo dục tư tưởng trong lúc Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cũng có ý kiến cho rằng: Thời kỳ ấy, một Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy đâu dám chống lại Bí thư Tỉnh ủy? Nhưng suy nghĩ lại một chút thì ta dễ thấy giữa những con người lãnh đạo thời ấy ít ai nghĩ đến quyền lực, và cũng chẳng có lợi ích cá nhân nào ràng buộc nên họ rất trong sáng trong suy nghĩ trong hành động, dám nói lên những suy nghĩ, những quan điểm của mình cũng đều chung mục đích là bảo vệ đường lối của Đảng, họ chỉ khác nhau về nhận thức giữa tiên tiến và bảo thủ trì trệ và có chút gì đó hơi giáo điều, khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, điều ấy cũng dễ hiểu của giai đoạn lịch sử. Tính tiên phong gương mẫu, tính chiến đấu của đảng viên thời đó trong sáng, mạnh mẽ nhưng không vị kỷ, tình đồng chí chân tình đoàn kết.

 

 

 


Phim có độ dài 50 tập, hiện nay đã chiếu đến trên 40 tập, người xem cũng chưa dự đoán phim sẽ kết luận ra sao. Có lẽ lớp người cán bộ, đảng viên thòi đó cũng ít nhiều biết được những đánh đổi về cuộc đời chính trị của Bí thư Kim.

 

Nhưng dù phim có kết luận thế nào đi nữa, thì với góc độ người xem lại là thế hệ sống trong thời kỳ đó, tôi rất cảm động viết lên những dòng cảm xúc này như một nén nhang thành kính dâng lên linh hồn người đã khuất.

 

Và, chính nhờ có sự đi trước thời đại của ông, sự đánh đổi cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông nên đã có sự ra đời của chính sách khoán trong nông nghiệp cho đến hôm nay, nhờ đó mà cuộc sống người nông dân cả nước đã đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã bước sang một trang mới, lương thực không những đủ ăn, có dự trữ mà còn xuất khẩu gạo ra nước ngoài, đứng thứ 2 trên thế giới.

 

Thế Cường

Cựu chiến binh phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội

Bình luận
vtcnews.vn