Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 85.800 tỷ đồng, đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Trong đó, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 35,3 km, đi qua địa bàn thành phố Bắc Ninh và các huyện: Thuận Thành, Gia Bình, Quế Võ. Tổng vốn đầu tư dự kiến 5.274 tỷ đồng (trong đó, dự án thành phần 1.3: GPMB toàn tuyến đối với tỉnh Bắc Ninh là 2.480 tỷ đồng; Dự án thành phần 2.3: Đầu tư hệ thống đường đô thị song hành thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh là 2.794 tỷ đồng).
Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã lựa chọn đơn vị tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường; hoàn thành công tác đo đạc bản đồ, thống kê quy chủ sử dụng đất, công khai bản đồ trích đo hiện trạng, đề xuất phương án tái định cư…
Quá trình triển khai dự án, tỉnh Bắc Ninh nhận thấy một số khó khăn: Các cơ quan Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.3; Chưa có văn bản thống nhất về hướng tuyến, giải pháp thiết kế nút giao, cầu vượt ngang, giải pháp kỹ thuật tại các vị trí tiếp giáp… để có đủ cơ sở pháp lý triển khai dự án thành phần.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương tập trung trao đổi, tháo gỡ những khó khăn mà tỉnh Bắc Ninh cũng như TP Hà Nội đang vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên cơ sơ đó, thống nhất đề xuất các Bộ, ngành Trung ương rút ngắn các thủ tục, thời gian thỏa thuận giao cắt tuyến đường sắt Lim - Phả Lại với tuyến Vành đai 4; Rút ngắn thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án thành phần; Sớm hướng dẫn chi tiết chủ đầu tư thực hiện các nội dung lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.3; Hướng dẫn, phân bổ, ứng vốn, chi giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 hoặc 2023 trước khi dự án thành phần 1.3 được quyết định đầu tư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn cảm ơn Bí thư Thành ủy Hà Nội với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo dự án có phương pháp làm việc sâu sát, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành và TP Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh giao các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án để có cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ, triển khai dự án thành phần 1.3 một cách tốt nhất.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị sớm họp Ban chỉ đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc trong quá trình triển khai. Đơn vị tư vấn và các cơ quan chức năng của TP Hà Nội quan tâm các nhánh lên xuống của Bắc Ninh để đảm bảo quá trình khai thác, vận hành, phát huy không gian, dư địa phát triển của Vành đai 4.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao công tác triển khai của tỉnh Bắc Ninh, rất cụ thể, nhanh chóng và đạt được những kết quả bước đầu.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu khó nhất và quyết định tiến độ của dự án. Vì vậy, tỉnh Bắc Ninh cần chỉ đạo quyết liệt, làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Trước mắt, thời điểm từ nay đến cuối năm, cần tập trung ưu tiên việc di chuyển các phần mộ.
Sau buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, Ban chỉ đạo sẽ họp để thống nhất những khó khăn, vướng mắc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các Bộ ngành song hành, đồng hành cùng với 3 địa phương, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc ngay trong quá trình thực hiện.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo tỉnh đi khảo sát thực địa tại một số vị trí đường Vành đai 4 đi qua địa phận huyện Thuận Thành và TP Bắc Ninh.
Bình luận