Đó là chia sẻ của ông Trương Quang Nghĩa (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) tại buổi gặp mặt các nguyên lãnh đạo trung, cao cấp đang sinh hoạt trong câu lạc bộ Thái Phiên hôm nay (24/7).
Trước sự quan tâm của đông đảo thành viên câu lạc bộ Thái Phiên về việc lấy lại SVĐ Chi Lăng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã bày tỏ sự lo ngại.
Theo ông Nghĩa, thời gian vừa qua, chính quyền thành phố đang có chủ trương và quyết tâm lấy lại ‘chảo lửa’ Chi Lăng.
“Đây là việc không hề đơn giản, nếu không muốn nói là cực kỳ khó khăn. Muốn thu hồi dự án, lãnh đạo thành phố cũng phải thông qua quá trình đàm phán với doanh nghiệp. Điều này phải tuân theo quá trình pháp lí nhất định và còn rất nhiều vấn đề. Muốn lấy lại, Ban Thường vụ cũng phải quyết tâm", ông Nghĩa nói.
Liên quan việc lấy lại SVĐ Chi Lăng, trước đó, tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Quang Vinh (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng) cho biết, cùng với "đất vàng" SVĐ Chi Lăng, khu đất số 209 Trường Chinh cũng liên quan vụ án của ông Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh).
“Qua quá trình điều tra, xét xử, tổng giá trị thi hành án của 2 địa điểm này là trên 3.000 tỷ đồng. Với SVĐ Chi Lăng, đây là công trình nằm trong danh sách các dự án của Thanh tra Chính phủ kết luận. Việc bàn giao khu đất này cho doanh nghiệp với thời gian dài hạn là hoàn toàn sai”, ông Vinh thông tin thêm.
Cách đây không lâu, tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) từng bày tỏ quyết tâm lấy lại khu "đất vàng" SVĐ Chi Lăng.
“Thành phố không chấp nhận việc SVĐ Chi Lăng bị chia ra thành 14 lô đất, từ đó hình thành 14 dự án. Chúng tôi sẽ thương lượng với các cơ quan liên quan để lấy lại SVĐ Chi Lăng”, ông Thơ quả quyết.
Theo hồ sơ bán đất, tháng 10/2010, UBND TP Đà Nẵng đồng ý chuyển nhượng tổng diện tích 45.861 m2 đất tại SVĐ Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh xây dựng khu phức hợp thương mại.
Đến tháng 1/2011, Tập đoàn Thiên Thanh hoàn tất mọi thủ tục mua SVĐ Chi Lăng với giá gần 1.400 tỷ đồng. Vài tháng sau, chính quyền Đà Nẵng đồng ý tách khu đất này thành 14 lô và giao quyền sử dụng đất cho 10 công ty của Tập đoàn Thiên Thanh.
3 năm sau, ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) bị cơ quan chức năng bắt giữ để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Lúc này, toàn bộ hàng chục sổ đỏ về khu đất Chi Lăng đã được cầm cố ngân hàng.
Bình luận