Ngày 15/7, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 22, sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang... tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết hội nghị nhằm đánh giá, kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kì. Từ đó bàn giải pháp có tính đột phá, linh hoạt, sáng tạo để giải quyết cơ bản những vấn đề tồn đọng.
Theo ông Nên, TP đã đi qua nửa đoạn đường Đại hội XI trong bối cảnh phức tạp với nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Chúng ta còn nhớ TP.HCM đã đi qua nửa đoạn đường của Đại hội XI trong bối cảnh có nhiều tác động phức tạp. Đại dịch COVID-19 đã gây ra hậu quả chưa từng có tiền lệ với những khó khăn, vướng mắc tồn tại bên trong của thành phố; tạo ra một thử thách quá lớn, cũng có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc lại.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, qua cơn đại dịch COVID-19, TP càng thấy rõ tinh thần nội sinh, ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.
"Quan trọng hơn đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các cơ quan trung ương, sự chi viện của các địa phương, của đồng bào cả nước, của bạn bè quốc tế, cả nước vì thành phố", ông Nên nói.
Vì thế, ông Nên đề nghị hội nghị xem xét còn nguyên nhân nào nữa cần đánh giá, sâu sắc và toàn diện để có bài học kinh nghiệm quý giá thời gian tới.
Về lĩnh vực kinh tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6/2023. Tình hình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cơ cấu lại kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển doanh nghiệp.
Cùng đó, nghiên cứu chính sách phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ trọng yếu, chuyển đổi số và những thành tựu của cách mạng 4.0 trên địa bàn; tập trung đánh giá các đột phá chiến lược về xây dựng hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, kinh tế TP.HCM.
Đặc biệt là tập trung đánh giá việc thực hiện các đột phá chiến lược về xây dựng hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội TPHCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý cần tập trung đi sâu công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phòng chống dịch COVID-19 và chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Chú trọng công tác giáo dục đào tạo, xây dựng văn hóa con người TP, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với môi trường văn hóa, nếp sống văn minh đô thị, lao động việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đối khí hậu.
Riêng về lĩnh vực xây dựng Đảng, người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM lưu ý, trước hết đánh giá sự lãnh đạo chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, sự nỗ lực quyết tâm của toàn hệ thống chính trị trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước, cải cách hành chính, công tác kiểm tra giám sát, công tác dân vận, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát phản biện xã hội của mặt trânh tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.
Sơ kết giữa nhiệm kỳ, ngoài việc đánh giá các kết quả và hạn chế, TP cần rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện nghị quyết 24, 31 và kết luận 14 của Bộ Chính trị. Đặc biệt là trong việc triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Bình luận