Sáng 1/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Xây dựng về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.
Về kết quả công tác năm 2018, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết trong năm, các đội quản lý trật tự xây dựng đã kiểm tra 17.000 công trình.
Qua đó, cơ quan này phát hiện và lập hồ sơ vi phạm gần 900 trường hợp. UBND cấp huyện, xã đã xử lý vi phạm 713 trường hợp và ban hành gần 1.100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của ngành, như vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp, một số vi phạm tồn tại từ nhiều năm trước chưa được xử lý dứt điểm.
Số công trình vi phạm tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, các trường hợp xây dựng trên đất rừng, đất nông nghiệp, đất công vẫn còn... Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp với các quận, huyện xử lý dứt điểm 120 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) tồn đọng cũ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội vui mừng vì số vi phạm trật tự xây dựng giảm dần. Ông yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục rà soát, giải quyết công trình tồn đọng từ những năm trước. Công tác xử lý trật tự xây dựng phải quyết liệt, không được chủ quan.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng khó nhất trong công tác quản lý trật tự xây dựng là xử lý công trình vi phạm. Thành phố, quận, huyện có xử lý cán bộ buông lỏng quản lý hay xử lý hành chính, thì chủ công trình vẫn tiếp tục vi phạm.
"Vừa rồi, ở Sóc Sơn cũng bị như thế. Huyện xử lý cán bộ, xử lý cả hành chính xong, công trình vẫn còn nguyên. Hôm sau, công trình lại nhúc nhắc làm tiếp", ông Hải nói.
Bí thư Hà Nội nhấn mạnh công tác quản lý trật tự xây dựng là vấn đề lớn, các cấp của TP cần phải rà soát các công trình vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. "Chúng ta không làm quyết liệt thì cứ xử lý hết năm này qua năm khác cũng không bao giờ hết", Bí thư thành ủy Hà Nội nói.
Cũng theo ông Hoàng Trung Hải, xu thế ở nhà chung cư là tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Dự báo đến năm 2030, khoảng 2,4-2,5 triệu dân sống ở chung cư trên tổng số 10 triệu dân của thành phố.
Do vậy, Sở Xây dựng cần xác định công tác quản lý chung cư có tính chất chiến lược để từ đó xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, không xảy ra tình trạng như vừa qua. Nhiều công trình chưa đủ điều kiện phòng cháy - chữa cháy, thiếu nước, thang máy không đủ… vẫn cho dân vào ở.
"Như vậy, các chủ đầu tư đẩy TP vào thế đã rồi. Cuối cùng mình lại phải đương đầu cùng với dân. Những vấn đề này, công tác quản lý phải chặt chẽ, không thì chúng ta phải chạy theo chủ đầu tư suốt như vừa rồi", ông Hoàng Trung Hải nói.
Bình luận