• Zalo

Bí thư Hậu Giang: MDEC 2016 mang lại hiệu quả lớn cho địa phương

Thời sựThứ Hai, 04/07/2016 16:14:00 +07:00Google News

Theo ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, việc địa phương này tổ chức MDEC 2016 sẽ mang lại hiệu quả lớn về cả kinh tế, xã hội và chính trị.

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

Trước thềm Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016 (MDEC năm 2016), Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM”.

Hội nghị mở ra cơ hội hợp tác đầu tư giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM trên các mặt kinh tế, du lịch.

Tại sự kiện trọng đại này, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM đã giới thiệu hơn 130 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Trong đó, TP.HCM kêu gọi đầu tư 69 dự án.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016 (MDEC năm 2016) là cơ hội hợp tác phát triển cho Hậu Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long 

Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết, mặc dù Hậu Giang là một tỉnh nghèo, rất cần nhà đầu tư như nắng hạn mong mưa rào, nhưng không vì khó khăn trước mắt mà bất chấp tất cả để ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân. 

“Với trường hợp của dự án Nhà máy Giấy Hậu Giang chưa đi vào hoạt động đang được dư luận quan tâm, chúng tôi cam kết sẽ làm việc cụ thể sau khi có kết luận của Bộ Tài nguyên môi trường, đồng thời yêu cầu phía đối tác phải xây dựng một hồ chứa lắng lọc trước khi thải ra môi trường thì hồ này phải đảm bảo nuôi cá sống được và giao cho Sở môi trường thường xuyên kiểm tra, nếu để cá chết, nghĩa là nước thải bị ô nhiễm.

Chúng tôi chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc đầu tư dự án để phát triển ở địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang trả lời phỏng vấn cơ quan báo chí. 

Đồng quan điểm với Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhiều lãnh đạo cũng đồng lòng cam kết sẽ không đặt lợi ích vùng, địa phương lên trên lợi ích, sức khỏe của nhân dân. Và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ tiên quyết hàng đầu.

MDEC-2016 mang hiệu quả lớn cho Hậu Giang

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức MDEC 2016, ông Trần Công Chánh cho hay, Hậu Giang đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để thu hút mạnh mẽ đội ngũ doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Trong đó, đáng chú ý là việc tổ chức hội chợ, triển lãm với quy mô khoảng 1.000 gian hàng.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo theo chương trình tổng thể của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và kế hoạch của Ban Tổ chức Diễn đàn. Xúc tiến đầu tư thương mại với thành phố Hà Nội, TP.HCM.

Trong thời gian diễn ra hội chợ theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, địa phương sẽ giới thiệu các đặc sản nông nghiệp như gạo, trái cây, thủy sản; Sản phẩm công nghiệp chế biến; đường, nước uống đóng chai, đồ hộp,... Thiết bị điện tử, cơ khí, trang trí nội thất, dệt may, thủ công mỹ nghệ,…

“Nói chung, sản phẩm trưng bày lần này đa dạng, phong phú từ nông nghiệp cho đến công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Vì ngoài những doanh nghiệp trong nước, còn có thêm sự tham gia trưng bày sản phẩm của các viện, trường, tổng lãnh sự quán một số nước”, ông Chánh nói.

Ngoài ra, trong khuôn khổ diễn ra MDEC Hậu Giang sẽ tổ chức một số hoạt động tăng cường liên kết như: Xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; Mở rộng quan hệ hợp tác phát triển; Giới thiệu quảng bá các sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu.

Việc tổ chức MDEC 2016 theo ông Trần Công Chánh, sẽ mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, chính trịxã hội cho Hậu Giang.

Thứ nhất về kinh tế, thông qua MDEC Hậu Giang sẽ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện những giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các mặt hàng chủ lực như: Lúa, gạo, trái cây, tôm cá, tạo sự thống nhất chuỗi ngành hàng từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông nghiệp; phối hợp giữa các địa phương xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giới thiệu công nghệ kỹ thuật cao sản xuất, chế biến nông sản.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của vùng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường hợp tác kinh tế, các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các địa phương trong cả nước, với các bộ, ngành Trung ương.

Thứ hai về chính trị, việc tổ chức MDEC sẽ tạo môi trường tốt để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Xây dựng được mối liên kết giữa các địa phươngtrong vùng đồng bằng sông Cửu Long; giữa vùng và các địa phương trong cả nước; giữa vùng với các tổ chức quốc tế… nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để phát huy tiềm năng của vùng trên nhiều lĩnh vực.

Thứ ba về xã hội, MDEC - Hậu Giang 2016 với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long - chủ động hội nhập và phát triển bền vững” còn có hoạt động công bố quỹ an sinh xã hội, vinh danh các đơn vị ủng hộ quỹ an sinh xã hội vùng Tây Nam Bộ và tỉnh Hậu Giang năm 2016 mang ý nghĩa tôn vinh, tri ân các mạnh thường quân đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho Nhân dân trong tỉnh. 

Hội thảo khoa học và ghi nhận công lao đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nông dân - những người đã cống hiến sức lao động và trí tuệ để làm ra hạt lúa - gạo trong nhiều thập niên qua, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp - nông dân và nông thôn Việt Nam bền vững, hiện đại.

Trước những hiệu quả mang lại từ MDEC Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định địa phương đã và chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức MDEC – 2016 chu đáo, thành công mang đậm dấu ấn Hậu Giang.

Nguồn: GDVN
Bình luận
vtcnews.vn