Ngày 23/8, ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội.
Bí thư Thành ủy đánh giá cao đóng góp của người cao tuổi trong các lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch COVID-19. Ông Dũng nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục duy trì thực hiện tốt các chính sách đối với người cao tuổi, đồng thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát, báo cáo nhằm bổ sung, hoàn thiện để chăm sóc, bảo vệ cũng như phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của người cao tuổi trong xã hội.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP tiếp thu những ý kiến đóng góp, định hướng của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trong tổ chức các hoạt động, phong trào. Tranh thủ tối đa các nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ, phát huy vai trò người cao tuổi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng nghiên cứu tham mưu, đề xuất với thành phố về các cơ chế, chính sách nhằm ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy, tính đến tháng 6/2022, TP Hà Nội có 1.032.357 người cao tuổi, chiếm 11,76% dân số thành phố. Những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết về chế độ, chính sách chăm lo cho người cao tuổi, nhất là đối với người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ cận nghèo, người cô đơn…
Cụ thể, thành phố trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho trên 67.206 người cao tuổi có công với cách mạng; hơn 371.751 người cao tuổi đang hưởng lương hưu và hơn 63.374 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng; trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 93.747 người cao tuổi và trợ giúp khó khăn đột xuất cho hơn 16.388 người cao tuổi.
Hiện nay, Hà Nội có 2 cơ sở dưỡng lão của Nhà nước, 12 cơ sở dưỡng lão của các doanh nghiệp và người cao tuổi thành phố được đi xe buýt miễn phí.
Ngoài ra, thành phố tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, tạo thu nhập và hiện có 9.000 người cao tuổi vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Trong 5 năm (2016 - 2021) đã tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho trên 633.222 người cao tuổi với tổng số tiền trên 407,3 tỷ đồng; hỗ trợ trên 252.400 lượt người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 68,5 tỷ đồng; cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho trên 834.110 người cao tuổi (đạt tỷ lệ 81,01%).
Hiện nay, thành phố có trên 160.000 người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động sản xuất, trong đó 14.590 người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đặc biệt, trong phòng chống dịch COVID-19, nhiều người cao tuổi không quản ngại khó khăn, tham gia tổ COVID cộng đồng và các chốt kiểm soát dịch để góp phần cùng địa phương kiểm soát dịch bệnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Thành ủy Hà Nội và kết quả công tác người cao tuổi trên địa bàn thành phố trong những năm qua.
Theo ông Bình, để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác người cao tuổi trong thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường xây dựng tổ chức hội vững mạnh từ thành phố đến quận, huyện, xã phường, các tổ dân phố để cùng chung tiếng nói, cùng hành động với cấp ủy, chính quyền, với Nhân dân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam mong muốn Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ và các sở ban ngành, đoàn thể TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để công tác Hội và Hội Người cao tuổi thành phố làm tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Nhân dịp này, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trao tặng 100 triệu đồng cho ban đại diện Hội Người cao tuổi TP Hà Nội để hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Bình luận