• Zalo

Bị tay chân miệng độ nặng nhất, hai bé trai ở miền Nam phải lọc máu

Sức khỏeThứ Năm, 15/11/2018 08:30:00 +07:00Google News

Hai bệnh nhi nhập viện trong tình trạng trụy mạch, sốc nặng nề, nguy cơ tử vong rất cao vì mắc bệnh tay chân miệng ở mức nặng nhất.

Hai bé trai được chuyển từ tuyến tỉnh đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM trong tình trạng trụy mạch, sốc rất nặng nề, có nguy cơ tử vong rất cao vì mắc bệnh tay chân miệng độ 4 (độ nặng nhất).

Trường hợp đầu tiên là bé trai Đ.T.C (2 tuổi, quê Cà Mau) nhập viện địa phương vì phát hiện sốt ban hồng tay chân. Sau đó, bé C. được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau. Mặc dù được điều trị tích cực, diễn tiến bệnh của bé ngày càng nặng. Sau khi hội chẩn, bé C. được đặt nội khí quản và nhanh chóng chuyển khẩn cấp lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi C. trong tình trạng trụy mạch, huyết áp không ổn định, diễn tiến bệnh nguy kịch.

Bé được thở máy, truyền thuốc vận mạch. Sau 6 giờ, tình trạng mạch, huyết áp ổn định. Trải qua gần 2 ngày lọc máu, bé qua cơn nguy kịch. Hiện sức khỏe của bệnh nhi ổn định, cai máy thở.

1

Sau khi lọc máu, thở máy bé trai đã qua cơn nguy kịch. 

Trường hợp thứ hai là bé trai N.T.T. (2 tuổi, quê Cần Thơ), nhập bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ trong tình trạng nổi ban tay chân và có bệnh sử sốt. Do diễn tiến bệnh phức tạp, sau khi hội chẩn, bé T. được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng tổn thương huyết động học.

Sau khi thở máy, truyền thuốc vận mạch và lọc máu, bệnh nhi qua cơn nguy kịch, dần ổn định.

PGS.TS Phạm Văn Quang cho biết đây là hai trường hợp bệnh tay chân miệng rất nặng, diễn tiến độ 4, độ nặng nhất, cần phải lọc máu. Bác sĩ này khuyến cáo, mặc dù tình hình bệnh tay chân miệng giảm, nhưng người dân không nên chủ quan. Nếu cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu nặng như sốt cao, nôn nhiều, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, mạch nhanh không tương xứng với thân nhiệt cần đi khám ngay, tránh để bệnh diễn tiến nặng.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, có thể gây biến chứng nặng nề về thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, thậm chí có thể tử vong. Ở trẻ nhỏ (nhóm trẻ dưới 5 tuổi) bệnh chân tay miệng thường khó xác định. Dấu hiệu phát hiện tay chân miệng thường là các tổn thương da và niêm mạc như loét miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.

Hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ, như:

- Cho bé nghỉ ngơi ở nhà, không cho bé tiếp xúc với các trẻ khác cho đến khi bé khỏi bệnh.

- Rửa tay thường xuyên và duy trì việc vệ sinh cá nhân là cách bảo vệ tốt nhất.

-  Phải rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc làm vệ sinh cho trẻ, trước khi chuẩn bị thức ăn hoặc sau khi ăn.

- Rửa, khử trùng đồ chơi và các đồ vật khác mà bé tiếp xúc. Giặt quần áo, drap trải giường, chăn màn bằng xà phòng và nước nóng, phơi dưới ánh nắng mặt trời.

- Dạy trẻ cách rửa tay sạch sẽ.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn