(VTC News) - Thường xuyên bị tài xế taxi dù 'chặt chém' tiền cước một cách vô tội vạ, hành khách nước ngoài và người dân Sài Gòn...kêu trời.
Thời gian gần đây, tình trạng taxi “dù”, “nhái” hoạt động rất biến tướng và tinh vi trên địa bàn TP.HCM. Chưa dừng lại, nhiều trường hợp khách hàng còn phản ánh tình trạng “chặt chém”, “hét” hay vòi vĩnh giá cước, thậm chí nhiều trường hợp khách hàng để quên đồ trên xe nhưng khi phản ánh với các hãng vận tải taxi thì vẫn không thể truy ra, kể cả các hãng taxi lớn thì khách hàng cũng rơi vào tình huống dở khóc dở cười.
Trước thực trạng này, cơ quan chức năng thành phố vừa cho triển khai thử nghiệm về việc in hóa đơn tính tiền trực tiếp trên đồng hồ điện tử trên một số hãng taxi lớn trên địa bàn nhằm tiến tới hạn chế và ngăn chặn vấn đề trên.
Lo lắng khi đi taxi
Ghi nhận của phóng viên tại một số hãng taxi lớn trên địa bàn thành phố cho thấy, việc đưa hóa đơn trực tiếp cho khách hàng rất được chính khách hàng ủng hộ.
Vừa bước xuống xe taxi của Hợp tác xã vận tải du lịch 27-7 (HTX 27-7) sau quãng đường đi gần 20 km (từ sân bay Tân Sơn Nhất), chị Nguyễn Thị Dung (ngụ quận 7) chia sẻ, cứ mỗi lần đi công tác thì xe taxi là lựa chọn tối ưu nhất để đi ra sân bay.
Một vụ lớn tiếng giữa hành khách nước ngoài và tài xế taxi sau khi bị 'chặt chém' tiền cước |
Thế nhưng, dù bắt các hãng lớn và có uy tín thì luôn có cảm giác không yên tâm trong cách tính cước nên cứ lên xe thì lập tức dán mắt vào đồng hồ để giám sát chặng đi và giá cước để không phải chịu thiệt thòi về mình.
Cùng chung quan điểm, chị Trần Thị Diễm Mai (ngụ quận 2) phản ánh, bản thân cũng trở thành nạn nhân khi đi taxi. Theo chị Mai, mới đây dù bắt taxi của một hãng lớn và có uy tín nhưng khi quên đồ trên taxi vẫn mất như thường, mặc dù bản thân có gọi điện trực tiếp lên tổng đài của hãng này ngay sau đó để phản ánh và cho biết về thời gian và quãng đường di chuyển cụ thể nhưng hãng này vẫn không thể truy ra...
Trao đổi với PV VTC News, ông Dương Tiến Thự, Giám đốc HTX 27-7 cho biết, HTX 27/7 hiện có khoảng 120 xe taxi đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng taxi “nhái” của hãng diễn ra ngày càng nhiều (đặc biệt tại khu vực chợ Bến Thành, quận 1) nên việc hoạt động rất khó khăn, đặc biệt nhiều khách hàng gọi lên tổng đài phản ánh về tình trạng chặt chém giá cước, chạy lòng vòng, chèo kéo, mất đồ đạc… nhưng khi xác nhận cụ thể lại là xe “nhái” thương hiệu, từ đó làm mất hình ảnh và uy tín của hãng.
Trước thực trạng trên, việc triển khai in hóa đơn cho taxi (trong đó có HTX 27-7) là điều cần thiết nhằm hạn chế và đẩy lùi tình trạng xe “dù”, xe “nhái”. Theo ông Thự, dù mới triển khai được vài ngày nay nhưng hiệu quả mang lại rõ rệt, bằng chứng là các khách hàng hài lòng khi đi taxi và tổng đài của hãng cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ khách hàng.
Việc in hóa đơn sẽ tăng cường sự cạnh tranh về giá cước giữa các doanh nghiệp, đem lại sự công bằng cho hành khách đi taxi, bởi khách sẽ biết giá cụ thể còn doanh nghiệp cũng không thể tăng giá một cách tùy tiện.
Mặt khác, hóa đơn cũng thể hiện rõ các thông tin như số tài, biển số xe, chặng đường đi… từ đây sẽ nắm bắt được chi tiết thông tin xe chạy và quản lý dễ dàng hơn. Nếu hóa đơn thể hiện không chính xác thì khách hàng có thể gọi trực tiếp lên tổng đài để hãng có hướng xử lý ngay sau đó.
“Mong cơ quan chức năng thành phố nhanh chóng đánh giá kết quả để cho triển khai nhanh chóng đồng loạt trên tất cả các xe của hãng”, ông Thự kiến nghị.
“Mong cơ quan chức năng thành phố nhanh chóng đánh giá kết quả để cho triển khai nhanh chóng đồng loạt trên tất cả các xe của hãng”, ông Thự kiến nghị.
Cơ quan chức năng băn khoăn
Cũng theo thông tin của Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM, đơn vị được UBND TP giao triển khai), hiện Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng mới thực hiện lắp đặt đồng hồ tính tiền có thiết bị in hóa đơn cho 4 hãng taxi gồm: Vận tải du lịch 27-7, Savico, Miền Đông và Mai Linh, mỗi hãng lắp đặt trên 1 đầu xe và chạy thử trong vòng 1 tháng.
TP.HCM chính thức triển khai thử nghiệm in hóa đớn tính cước tại các hãng taxi |
Sau khi quá trình trên, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ tổng hợp, phân tích và đánh giá lại kết quả hoạt động. Đồng thời, sẽ báo cáo cụ thể lên UBND TP cho ý kiến cuối cùng. Nếu thuận lợi thì có thể tiến hành lắp đặt đại trà trong thời gian tới. Cũng trong đợt này, một số hãng taxi còn tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe taxi. Dự kiến chi phí lắp đặt thiết bị này cộng với thiết bị giám sát hành trình khoảng hơn 6 triệu đồng.
Trái với những ý kiến trên, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM băn khoăn, liệu khi triển khai in hóa đơn tính cước có gây phiền hà cho người đi hay không?, trong khi, được biết, để in một hóa đơn cũng ít nhất mất thao tác vài phút, điều này đồng nghĩa khách hàng phải chờ đợi…
“Tại sao thành phố không thử triển khai dịch vụ quẹt thẻ trực tiếp và thanh toán tiền cước bằng online khi đi taxi, điều này vừa đem lại sự tiện lợi cho khách hàng, thao tác lại nhanh chóng mà vẫn thể hiện rõ các thông tin của chiếc taxi đang đưa đón hành khách ngày trên hóa đơn”, ông Hỷ gợi ý.
Cũng theo ông Hỷ, hiện trên địa bàn TP.HCM có hơn 12.000 xe taxi thuộc 12 hãng đăng ký hoạt động thuộc phạm vi quản lý của Hiệp hội taxi thành phố (chiếm khoảng 90% tổng số taxi toàn thành phố), do đó, để triển khai lắp đặt thiết bị in hóa đơn cho khách hàng thì cần phải được cân nhắc, tính toán cụ thể và có lộ trình lắp đặt rõ ràng, bởi nhiều doanh nghiệp taxi hiện vẫn than phiền về giá cả lắp đặt còn quá cao.
Theo dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Bộ GTVT xây dựng, dự kiến từ ngày 1/7/2016, tất cả các hãng xe taxi trên toàn quốc phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, tài xế phải in hóa đơn tính tiền cho hành khách. Cũng từ 1/7/2016, xe taxi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Sỹ Hưng - Tuấn Hưng
Bình luận