Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có nhiều động thái để siết chặt tín dụng đổ vào thị trường bất động sản, theo lộ trình từ Thông tư 36. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đồng nghĩa việc các nhà băng phải “siết hầu bao” cho vay lĩnh vực bất động sản.
Mới đây, cơ quan này cũng đã có công văn yêu cầu các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng hạn chế tập trung tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Song song đó là giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phải tìm nguồn vốn mới cho mình từ thị trường chứng khoán.
Theo ông Khâu Văn Long - Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Videc, trong chiến lược phát triển chung của công ty, công ty cũng sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán khi mà các mục tiêu ngắn hạn đã hoàn thành, để làm nền tảng cho phát triển trong tương lai.
Tương tự, ông Phạm Thành Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thế Kỷ (CENGROUP) cho biết, theo dự kiến, trong quý I/2018, một công ty thành viên của Tập đoàn là CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland) sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Video: Ưu đãi lớn chưa từng có cho bất động sản nghỉ dưỡng
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc các doanh nghiệp bất động sản chuyển sang huy động nguồn vốn từ thị trường chứng khoán là một bước đi phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay.
Năm 2017 đã có 60 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, dự kiến năm 2018, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng. Các mã cổ phiếu bất động sản cũng tăng trưởng rất tốt.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills cũng cho rằng, các công ty bất động sản niêm yết sẽ là các mục tiêu đầu tư hoặc hợp tác hàng đầu cho những nhà đầu tư chiến lược và những nhà phát triển bất động sản trong và ngoài nước.
Thời gian vừa qua, các quỹ đầu tư vốn nước ngoài, các ngân hàng đầu tư đã hiện diện trong cơ cấu sở hữu của những công ty bất động sản tốt niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam như Nam Long và Năm Bảy Bảy và ông Khương cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển vì các nhà đầu tư tìm đến các doanh nghiệp niêm yết tiếng tăm và uy tín để “chọn mặt gửi vàng”.
"Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các công ty niêm yết, các công ty tư nhân cũng sẽ giúp thị trường có các chuyển biến tích cực khi các doanh nghiệp không chỉ phải thể hiện khả năng của mình với các khách hàng mà còn cả với những đối tác, nhà đầu tư", ông Khương nhận định.
Bình luận