Tại làng Trúc Lâm, phường Hương Long, TP. Huế hiện có 5 cụ trên 100 tuổi và hàng chục cụ đã ngoài 80 đến 90 tuổi.
Không những sống thọ, các cụ ông cụ bà ở đây còn khá minh mẫn. Thường ngày, các cụ vẫn tham gia lao động đồng áng, chăm sóc vườn tược, cũng như có mặt tại các buổi sinh hoạt của thôn xóm, hội người cao tuổi...
Cụ ông Trần Lư, làng Trúc Lâm chia sẻ: “Tôi năm nay đã trên 80 tuổi, khỏe là nhờ lao động ở địa phương. Thành phố tổ chức các lớp dưỡng sinh cho người già, sáng 5h tôi đã dậy và tham gia tập luyện nên thấy rất khỏe mạnh. Hàng ngày cũng thường hay làm những việc nhẹ nhàng cho vui khỏe”. Vui tươi và lao động là bí quyết sống lâu của người dân làng Trúc Lâm.(Ảnh: ihue.org)
Cụ ông Nguyễn Kinh Khá tâm sự: “Người cao tuổi quan trong nhất là sức khỏe, nhưng muốn sức khỏe được bảo đảm thì cần sinh hoạt đều đặn, làm việc gì có ích cho xã hội”.
Đời sống của người dân Hương Long công việc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, vườn cây trái… Chính việc chăm chỉ với đồng ruộng, cộng với không khí trong lành của không gian miệt vườn bốn mùa xanh lá, cuộc sống đạm bạc... là một trong những yếu tố giúp người dân vùng quê này trở thành “làng trường thọ”.
Toàn phường Hương Long có 8 cụ đã trên 100 tuổi, đã chứng kiến sự đổi thay của quê hương qua 3 thế kỷ; 37 cụ trên 90 tuổi và gần 1.700 cụ từ 60 tuổi trở lên.
Cũng với sống lâu, sống khỏe, vui vầy với con cái, những người cao tuổi trong phường còn là tấm gương sáng trong việc giáo dục con cái, đưa ra những định hướng trong gia đình. Chính điều đó đã tạo nên phong trào khuyến học ngày càng phát triển mạnh ở Hương Long. Trung bình mỗi năm toàn Phường có gần 30 em đỗ vào các trường Đại học.
Ông Lê Văn Thê, hội viên hội người cao tuổi phường Hương Long cho biết: “Người cao tuổi đúng là “Tuổi cao gương sáng, ông bà mẫu mực con cháu noi theo. Trong phong trào xây dựng các khu dân cư các cụ là người tiên phong đi đầu, giáo dục con cái trong nhà cũng như họ tộc”.
Không cầu kỳ, cao sang, bí quyết của những người cao niên ở mảnh đất được mệnh danh là “làng Trường Thọ” đơn giản chỉ là cuộc sống thanh đạm, hài hòa giữa đời sống lao động và tinh thần.
Bình luận