Những thói quen xấu làm gián đoạn cuộc sống và ngăn cản bạn hoàn thành mục tiêu của mình. Chúng gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn - cả về tinh thần lẫn thể chất. Và chúng làm lãng phí thời gian cũng như năng lượng của bạn.
Vậy tại sao chúng ta vẫn làm? Và quan trọng nhất, chúng ta có thể làm gì với những thói quen xấu này? Có cách nào để loại bỏ chúng không?
Câu trả lời là: Bạn không loại bỏ một thói quen xấu, mà hãy tìm cách thay thế nó.
Tất cả những thói quen mà bạn có ngay bây giờ - dù tốt hay xấu - đều có lý do để xuất hiện trong cuộc sống của bạn. Theo một cách nào đó, những hành vi này mang lại lợi ích cho bạn, ngay cả khi chúng có hại cho bạn theo những cách khác.
Trong nhiều trường hợp, thói quen xấu của bạn là một cách đơn giản để đối phó với căng thẳng. Ví dụ, cắn móng tay, giật tóc, gõ vào chân hoặc siết chặt hàm. Điều này giúp bạn đỡ căng thẳng hơn, và cũng vì vậy mà việc loại bỏ chúng càng trở nên khó khăn hơn. Thay vì cố tình bắt ép bản thân không được làm điều đó nữa, bạn cần thay thế bằng một thói quen mới mang lại lợi ích tương tự.
Ví dụ, nếu bạn hút thuốc khi bị căng thẳng, thì đó là một kế hoạch tồi nếu bạn nghĩ rằng “chỉ cần ngừng hút thuốc” khi điều đó xảy ra. Thay vào đó, bạn nên nghĩ ra một cách khác để đối phó với căng thẳng và đưa vào hành vi mới thay vì hút thuốc.
Nói cách khác, những thói quen xấu giải quyết những nhu cầu nhất định trong cuộc sống của bạn. Và vì lý do đó, tốt hơn hết bạn nên thay thế những thói quen xấu của mình bằng một hành vi lành mạnh hơn để giải quyết nhu cầu tương tự.
Dưới đây là một số ý tưởng để thay thế dần thói quen xấu và suy nghĩ về quá trình này theo một cách mới.
Chọn một thói quen thay thế
Bạn cần phải có kế hoạch trước về cách bạn sẽ ứng phó khi đối mặt với sự căng thẳng hoặc buồn chán dẫn đến thói quen xấu. Bạn sẽ làm gì khi bạn muốn hút thuốc? Bạn sẽ làm gì khi Facebook khiến bạn xao lãng, trì hoãn công việc? Dù đó là gì và bạn đang giải quyết vấn đề thế nào, bạn cần phải có một kế hoạch cho những gì bạn sẽ làm thay vì thói quen xấu mình đang thực hiện.
Cắt bỏ càng nhiều yếu tố kích hoạt càng tốt
Nếu bạn hút thuốc khi uống rượu, thì đừng đi đến quán bar. Nếu bạn ăn bánh quy khi chúng ở trong nhà, thì hãy vứt chúng đi. Nếu điều đầu tiên bạn làm khi ngồi trên ghế là cầm điều khiển TV lên, thì hãy giấu điều khiển vào tủ trong một căn phòng khác. Giúp bản thân dễ dàng phá bỏ những thói quen xấu bằng cách tránh những điều kích hoạt chúng.
Bao quanh bạn với những người sống theo cách bạn muốn sống
Bạn không cần phải loại bỏ những người bạn cũ của mình, nhưng đừng đánh giá thấp sức mạnh của việc tìm kiếm những người bạn mới.
Hình dung bản thân bạn đang thành công
Hình ảnh bản thân đã cai được thuốc lá, thức dậy sớm, ăn uống thức ăn lành mạnh… Dù thói quen xấu mà bạn đang tìm cách phá bỏ là gì, hãy hình dung bạn đang nghiền nát nó, mỉm cười và tận hưởng thành công của mình. Hãy tưởng tượng bản thân khi thành công xây dựng bản sắc mới.
Bạn không cần phải là ai khác, bạn chỉ cần trở lại con người cũ của mình
Chúng ta thường nghĩ rằng để phá bỏ những thói quen xấu, mình cần trở thành một người hoàn toàn mới. Sự thật là bạn đã có sẵn điều đó trong mình. Nhớ kĩ xem, trước khi bạn hút thuốc, bạn cũng từng là người chưa từng đụng đến điếu thuốc nào.
Trên thực tế, rất ít người sở hữu những thói quen xấu từ khi mới sinh ra. Bạn không cần phải bỏ thuốc lá, bạn chỉ cần trở lại là một người không hút thuốc. Bạn không cần phải biến đổi thành một người khỏe mạnh, bạn chỉ cần trở lại khỏe mạnh. Nhiều năm trước, bạn đã sống mà không có thói quen xấu này, điều đó có nghĩa là bạn chắc chắn có thể làm lại.
Bình luận