Cùng điểm lại 6 gương mặt đại gia làm giàu từ khốn khó của Hồng Kông:
Li Ka-Shing
Năm 2010, công ty Cheung Kong của tỷ phú Li Ka-Shing đã mua lại chi nhánh ở Anh của Tập đoàn Điện lực Pháp (Electricité de France) với mức giá 9 tỷ đô. Đây là vụ mua lại và sáp nhập quốc tế lớn nhất mà Cheung Kong từng thực hiện.
Tỷ phú Li cũng là người nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn nhất của Cheung Kong, Huchison Whampoa và Husky Energy, Petro-Canada. Ông còn nổi tiếng trong lĩnh vực điều hành cảng biển khi sở hữu tới 14% lượng container trên toàn cầu. Được biết tới như là doanh nhân rộng lượng nhất châu Á, tỷ phú Li Ka-Shing từng quyên góp 1,56 tỷ đô cho các lĩnh vực giáo dục và chăm sóc y tế.
Vào 6/3/2007, tạp chí Forbes đã xếp ông vào vị trí thứ chín trong danh sách những người giàu nhất thế giới, với tài sản khoảng 23 tỉ đô.
Và để có được thành công huy hoàng như ngày hôm nay, tỷ phú Li Ka-Shing từng trải qua khoảng thời gian đầy thử thách của một người nhập cư nghèo khổ.
Vào tháng 8/1945, ông bắt đầu làm việc tại một tiệm đồng hồ, nơi ông tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về lắp ráp và sửa chữa đồng hồ. Không cam chịu thân phận người làm, Li Ka-Shing chuyển sang làm nhân viên kinh doanh tại một xưởng sản xuất đồ nhựa năm 1947. Luôn làm việc chăm chỉ, thật thà và thông minh, ông Li nhanh chóng được giao vị trí giám đốc xưởng sản xuất đồ nhựa vào năm 1948, khi ông chưa đầy 20 tuổi.
Năm 1950, ông Li bắt đầu mở xưởng sản xuất nhựa của riêng mình với số vốn 7.000 đô và đặt tên là Cheung Kong. Năm 1958, Li Ka-Shing đầu tư xây dựng tòa nhà cao 12 tầng, đánh dấu lần đầu tiên đặt chân vào lĩnh vực bất động sản. Những năm tiếp theo, ông không ngừng mở rộng quy mô để Cheung Kong từng bước trở thành một trong 10 tập đoàn hùng mạnh nhất Hồng Kông và có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường chứng khoán thế giới. Cũng trong giai đoạn này, ông đã gây dựng nên Tập đoàn Huchison Whampoa, chuyên đầu tư vào các lĩnh vực tàu biển, bất động sản, năng lượng, xây dựng…
Lee Shau Kee
Tỷ phú Lee Shau-kee là ông trùm bất động sản và là người nắm quyền sở hữu chính của Henderson Land Development. Năm ngoái, công ty này chứng kiến sự sụt giảm thê thảm về giá trị cổ phiếu. Nhưng bù lại, Hong Kong & China Gas, một chi nhánh của Henderson, lại liên tục tăng trưởng. Hiện tại, tỷ phú Lee vẫn giữ chức Phó chủ tịch Sun Hung Kai Properties Limited. Với khoản tài sản ước đạt 19 tỷ đô, Lee Shau-kee là người giàu thứ hai Hong Kong, sau tỷ phú Li Ka-Shing.
Lee Shau-kee sinh năm 1928 tại tỉnh Quảng Đông. Thời điểm đó, cha ông đang điều hành một tiệm vàng bạc, đá quý. Vào những năm 1930, thêm một tiệm bạc nữa của gia đình được mở tại quảng Châu.
Năm 1948, ông Lee chuyển tới Hồng Kông một mình với tư cách người tị nạn chiến tranh, trong túi có vỏn vẹn 1.000 tệ. Tận dụng kinh nghiệm gia đình trong lĩnh vực trao đổi tiền tệ, ông bắt đầu kiếm lời lớn từ việc mua bán vàng bạc.
Vào đầu những năm 1950, Lee Shau-kee là doanh nhân có tiếng trong ngành sản xuất đồ nhựa và xuất - nhập khẩu. Công việc làm ăn tiến triển thuận lợi, năm 1958, Lee Shau-kee trở thành cổ đông Tập đoàn Yong Ye và bắt đầu kinh doanh bất động sản.
Cheng Yu-tung
Khối tài sản khổng lồ của tỷ phú Cheng Yu-tung bắt nguồn từ việc kinh doanh trang sức. Tập đoàn kim hoàn số 1 thế giới Chow Tai Fook của ông đã khai trương chuỗi cửa hiệu thứ 1.000 tại Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái. Do việc tăng thuế giao dịch bất động sản ở Hồng Kông, tập đoàn địa ốc New World Development do ông làm chủ gặp khá nhiều khó khăn. Đầu năm nay, tỷ phú Cheng đã mua lại 1,6% cổ phiếu tập đoàn New World Development trên thị trường tự do. Đây được xem là động thái tích cực giúp cổ phiếu tập đoàn tăng cao nhất sau thời gian 2 tháng ảm đạm cuối năm 2011.
Cheng Yu-tung, đã phải trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn và vất vả. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại tỉnh Quảng Đông, ngay từ khi còn rất nhỏ, Cheng Yu-tung đã được gửi đến nhà một người bạn của cha mình - chủ tiệm trang sức Chow Tai Fook đầu tiên. Cậu bé Cheng thời điểm đó phải làm những công việc nặng nhọc như lau dọn cửa hàng, toilet… nhưng với tính chăm chỉ, ham học hỏi và rất sáng dạ, cậu đã được nhận làm thợ kim hoàn học việc chính thức.
Cùng với thời gian, Cheng Yu-tung ngày càng chứng tỏ được năng lực của mình trong lĩnh vực kim hoàn và được chủ tiệm tin tưởng giao nhiệm vụ cố vấn. Cuối cùng, Cheng Yu-tung kết hôn với con gái ông chủ và ít lâu sau, chính thức điều hành kinh doanh tại Chow Tai Fook. Năm 1946, ông chuyển tới Hong Kong để mở chi nhánh mới.
Cheng Yu-tung bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản năm 1952. Năm 1968, ngành kinh doanh này của ông đạt tới đỉnh cao.
Năm 1970, cùng với một số ông trùm địa ốc khác, Cheng Yu-tung thành lập Tập đoàn New World Development. Nắm giữ 57% cổ phần, tỷ phú Cheng Yu-tung đã khẳng định được vị thế vững mạnh của một đại gia ngành bất động sản ở Hong Kong.
Tang Yiu
Tỷ phú Tang Yiu điều hành công ty bán lẻ thời trang nữ (giầy dép, tất…) lớn nhất Trung Quốc, Belle International. Với mức độ tăng trưởng mạnh mẽ trong giá trị cổ phiếu mà ông sở hữu, tài sản của tỷ phú này cũng tăng gấp đôi trong năm qua. Doanh thu của các nhãn hiệu nổi tiếng do Tang Yiu làm chủ như Belle, Teenmix, Staccato và Joy&Peace chiếm 55% thị phần hiện tại, cao hơn năm ngoái là 52%.
Tang Yiu bắt đầu sự nghiệp của mình vào những năm 1950 với vai trò thợ học việc. Những năm 1960, ông mở công ty nhỏ của riêng mình và vào đầu thập niên 70, ông khai trương một tiệm giày. Sau 20 năm phát triển, tỷ phú Tang Yiu đã mở rộng kinh doanh trên khắp Trung Quốc.
Thương hiệu Belle bắt đầu xâm nhập thị trường Hong Kong năm 1979. Năm 2011, tài sản của tỷ phú Yang ước đạt 4 tỷ đô, biến ông trở thành người giàu thứ 28 thế giới trong danh sách của tạp chí Forbes và giàu thứ 9 tại Hong Kong, Đài Loan.
D.H. Chen
Sau khi tỷ phú Chen được chẩn đoàn mắc bệnh Alzheimer, quyền điều hành Tập đoàn Nan Fung đã được giao cho con gái ông, Vivien Chen.
Ông qua đời vào 17/6 vừa qua. Trước khi từ giã cuộc đời, ông được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu thứ 14 ở Hong Kong với tài sản ước đạt 2,6 tỷ đô. Những năm đầu sự nghiệp, tỷ phú Chen chưa bao giờ rời khỏi vị trí Top 10 doanh nhân giàu nhất Hong Kong.
Người sáng lập Tập đoàn Nan Fung sinh năm 1923 tại Ninh Ba - Chiết Giang. Gia đình rất nghèo và ông phải nghỉ học từ năm 12 tuổi để làm thợ học việc tại một cửa hiệu bán lụa.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực dệt may, D.H. Chen chuyển từ Thượng Hải tới Hồng Kông năm 1949 và thành lập Nan Fung Textiles năm 1954. Tập đoàn này nhanh chóng dẫn đầu ngành công nghiệp dệt may Hong Kong trong suốt hơn 1 thập kỷ và D.H. Chen được mệnh danh là “Ông vua Dệt may”.
Năm 1976, tỷ phú Chen đầu tư vào bất động sản và liên tiếp gặt hái thành công.
Yue-Kong Pao
Tỷ phú Pao sinh năm 1918 tại Ninh Ba - Chiết Giang. Là ông trùm ngành vận tải biển, Yue-Kong Pao có mặt trong danh sách 12 tỷ phú Trung Quốc với mức tài sản trên 1 tỷ đô. Năm 1978, ở thời kỳ hoàng kim của sự nghiệp, tỷ phú Pao trở thành 1 trong 10 trùm tàu biển thế giới.
Ông là người sáng lập Tập đoàn World-Wide Shipping; là thành viên Trung Quốc đầu tiên trong hội đồng quản trị Ngân hàng HSBC.
Năm 1976, ông được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ. Tỷ phú Pao qua đời năm 1991.
Vào đầu năm 1949, Yue-Kong Pao và cha chuyển tới Hong Kong, khởi nghiệp kinh doanh. Năm 1955, ông thành lập World-Wide Shipping Group. Đạt được thỏa thuận với một công ty vận tải biển của Nhật, ông cho thuê lại con tàu để vận chuyển than từ Ấn Độ qua Nhật.
Sau đó, ông duy trì hợp đồng cho thuê dài hạn. Đầu những năm 1960, Yue-Kong Pao mở rộng việc cho thuê tàu biển sang các đối tác là công ty dầu lửa của Anh và Mỹ. Đây chính là nguồn lợi nhuận khổng lồ và lâu dài cho World-Wide Shipping Group.
Thập niên 70, tỷ phú Pao dần chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản. Ông rót vốn đầu tư vào ngành công nghiệp địa ốc, bao gồm xây dựng khách sạn và giao thông vận tải.
Khoảng giữa những năm 1970, tỷ phú Pao mua lại 10% cổ phần công ty Wharf Holdings của tỷ phú Li Ka-Shing và cho tới trước năm 1980, ông đã tăng khoản này lên 30%. Thời gian sau đó, tỷ phú Pao đầu tư nhiều cho lĩnh vực ngân hàng và cũng thành công không kém.
Khánh Huyền
Bình luận