Trong một buổi tối cuối năm 2018, Hiệp hội gia đình Hàn – Việt tổ chức buổi tất niên chào mừng các cặp vợ chồng Hàn – Việt tại Hà Nội. Trong cái rét buốt của mùa đông Thủ đô, các cặp vợ chồng Hàn – Việt đều nắm chặt tay nhau để mùa đông ấm áp hơn.
Mỗi năm, Hiệp hội gia đình Hàn – Việt lựa chọn một gia đình tiêu biểu để biểu dương gia đình đa sắc tộc, nhưng đã vượt qua rào cản văn hóa, ngôn ngữ để chung sống hạnh phúc.
Năm nay, gia đình chị Phan Ngọc Ánh (SN 1982) và anh Jang Woo Yen (SN 1967) trở thành gia đình Hàn – Việt tiêu biểu nhất của năm 2018.
Chia sẻ với VTC News về tình yêu của hai người, chị Ánh cho biết, 9 năm trước, chị chỉ là một cô nhân viên phục vụ cho một nhà hàng tại TP.HCM nhưng may mắn được một vị khách quen thầm thương, trộm nhớ.
“Mình quê miền Tây, lên TP.HCM làm phục vụ thôi, nhưng may mắn được ông xã nhà mình để ý, sau đó ngỏ lời yêu. Lúc đầu mình cũng không ưng anh đâu, nhưng vì anh chân thành và kiên trì quá, mình là phụ nữ cũng thấy siêu lòng”, chị Ánh chia sẻ và nắm chặt lấy tay chồng.
Hồi tưởng lại quãng thời gian yêu nhau, chị Ánh tủm tỉm: “Lúc đầu hai người yêu nhau thông qua… phiên dịch. Nhưng rồi lâu dần tôi cũng học chút ít tiếng Hàn cộng thêm nhìn vào ánh mắt của nhau, cử chỉ của nhau mà chúng tôi hiểu đối phương muốn nói điều gì”.
Sau 1 năm yêu nhau, anh Jang Woo Yen và chị Ánh quyết định đi tới hôn nhân. Cuộc hôn nhân đa sắc tộc giữa chị và chồng đều được hai gia đình ủng hộ.
Chị Ánh chưa bao giờ xem phim Hàn Quốc, cũng không biết đàn ông Hàn Quốc có ga-lăng, lãng mạn như người ta hay kể hay không. Tuy nhiên, trước tấm lòng của anh, chị chấp nhận cùng anh đi hết quãng đời còn lại.
“Đám cưới của chúng tôi diễn ra trong sự chúc phúc của gia đình hai bên, lấy chồng Hàn Quốc nhưng chồng lại sinh sống tại Việt Nam nên bản thân tôi không có nhiều lo lắng lắm”, chị Ánh bộc bạch.
Nhiều người bày tỏ lo lắng mối quan hệ với nhà chồng hay mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, đặc biệt là đối với cô dâu ngoại quốc như chị Ánh sẽ càng khó khăn hơn trước những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa.
“Chồng tôi được bố mẹ tôi và anh em, họ hàng đều yêu mến. Anh hòa nhập cũng khá nhanh với gia đình tôi. Còn tôi thì một năm được chồng cho về Hàn Quốc 2 lần thăm bố mẹ chồng.
Ấn tượng của tôi lần đầu tiên đặt chân lên xứ sở kim chi đó là một đất nước rất đẹp, bố mẹ chồng cũng rất quý tôi, hỏi han và nấu cho tôi những món ăn đặc trưng của đất nước này. Tôi rất cảm động trước tình cảm mà bố mẹ chồng và người thân của chồng dành cho mình”.
Trong những năm bên nhau, chị và anh chia sẻ rằng kỷ niệm mà họ nhớ nhất và mỗi khi nghĩ đến họ hạnh phúc nhất đó chính là sự ra đời của 3 đứa con. Đó chính là “trái ngọt” sau mọi cố gắng của đôi vợ chồng Hàn – Việt này.
“Đến bây giờ, tôi cảm thấy may mắn khi lấy anh làm chồng”, chị Ánh nói.
Yêu và lấy chồng ngoại quốc, chắc chắn sẽ vấp phải những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa giữa hai quốc gia, nhưng chị Ánh cho rằng, rào cản lớn nhất không phải là ngôn ngữ hay văn hóa, mà tình cảm vợ chồng mới là điều thiêng liêng nhất, giúp chị và chồng vượt qua mọi sóng gió.
Chị trích dẫn một câu ca dao của người Việt để nói về bí quyết giữ lửa hôn nhân của mình: “Thuận vợ, thuận chồng tát nước Biển Đông cũng cạn”.
Chị Ánh chia sẻ thêm: “Trước khi lấy nhau, chúng tôi cũng tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của hai nước, tôi cũng học nấu món ăn Hàn cho chồng và ngược lại chồng cũng cố gắng học hỏi văn hóa của Việt Nam.
Dường như, cuộc sống của chúng tôi không có sự khác biệt về văn hóa quá nhiều. Tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận là hiện tại tiếng Hàn của tôi cũng chưa thật sự giỏi, chúng tôi hàng ngày giao tiếp với nhau chủ yếu bằng hành động, cử chỉ nhưng anh và tôi đều hiểu con tim muốn nói gì”.
Trong khi đó, anh Jang Woo Yen cho rằng, vợ anh là số 1. Anh Yen bật mí bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình chính là vợ chồng tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ cùng nhau. Từ đó, tình cảm vợ chồng mới khăng khít, bền chặt.
“Có lúc anh nhường chị một tý, có lúc chị nhường anh một tý để mọi người hiểu nhau hơn. Hoặc như việc học ngôn ngữ, chị sẽ cố gắng học tiếng Hàn một chút, anh cũng sẽ chăm chỉ học tiếng Việt một chút. Từ đó, giữa hai vợ chồng làm việc gì cũng có nhau, chị thổi cơm thì anh rửa bát. Hạnh phúc từ đó mà ra”, anh Yen nói.
Nói về dự định tương lai, anh Yen cho biết: “Tôi muốn dạy 3 con mình cả hai văn hóa Việt – Hàn, để các con có thể hiểu được quê cha, nhưng cũng không thể quên được tiếng mẹ đẻ. Chúng là sự kết tinh của văn hóa hai nước Việt – Hàn”.
Theo bà Jeong Hoe Jin, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, tại Hàn Quốc có hơn 60.000 gia đình đa sắc tộc, trong đó có vợ hoặc chồng là người Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc cũng tạo rất nhiều điều kiện để cộng đồng cô dâu Việt Nam có thể hòa nhập được cuộc sống tại Hàn Quốc.
“Chúng tôi cung cấp chi phí để các cô dâu Việt Nam có thể học tiếng Hàn, học văn hóa Hàn Quốc hay học nấu các món ăn truyền thống của người Hàn”, bà Jeong Hoe Jin thông tin.
Bà Jeong Hoe Jin nhấn mạnh, cũng giống như đôi vợ chồng bản địa, các cô dâu Việt Nam được đảm bảo mọi quyền lợi khi có chồng là người Hàn Quốc.
“Chúng tôi có một tổng đài để các cô dâu Việt phản ánh về hôn nhân, thậm chí, tổng đài này có hẳn tiếng Việt để mọi cô dâu Việt có thể chia sẻ khó khăn trong hôn nhân.
Ngoài ra, chúng tôi có rất nhiều trung tâm tư vấn cho các cô dâu ngoại quốc trên toàn quốc. Ở những vùng sâu, vùng xa, chúng tôi thành lập các đội tuyên truyền viên đến tận các gia đình có cô dâu ngoại quốc để hỏi thăm về cuộc sống, tư vấn chăm sóc con cái hay chỉ đơn giản là hỏi han cuộc sống thường ngày.
Chúng tôi mong muốn, mọi cô dâu Việt ở Hàn Quốc đều có cảm giác đây là nhà, là quê hương của mình”, bà Jeong Hoe Jin chia sẻ.
Bình luận