Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang đến rất gần. Thí sinh cần lưu ý những nội dung sau để có thể làm bài thi môn Ngữ văn một cách tốt nhất.
Đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2019 không có sự thay đổi về cấu trúc đề thi, mà chỉ thay đổi trong việc ra câu hỏi và nội dung của từng câu hỏi.
Theo đó, cấu trúc của đề thi THPT Quốc gia năm 2019 gồm có 2 phần: Phần Đọc hiểu (4 câu hỏi nhỏ ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp) và phần Làm văn (2 câu hỏi, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học, đều ở mức vận dụng cao).
Thứ nhất, phần Đọc hiểu, đề thường cho một đoạn thơ/bài thơ hoặc một đoạn văn xuôi không nằm trong chương trình Ngữ văn THPT hiện hành và yêu cầu thí sinh trả lời 4 câu hỏi.
Cụ thể, câu 1 và câu 2 không còn kiểm tra thí sinh về các kiến thức tiếng Việt như cơ bản như thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, biện pháp tu từ… như những năm trước. Thay vào đó, thí sinh chú ý đọc hiểu ngữ liệu và chỉ ra ngắn gọn một vấn đề có sẵn trong văn bản.
Câu 3 có câu hỏi thường có dạng như “Việc tác giả trích dẫn ý kiến (của ai đó) có tác dụng gì?”. Với câu hỏi này, thí sinh cần cần ghi ra ý kiến được đề cập đến, sau đó dựa vào nội dung của ý kiến đó để trả lời từ 5-7 dòng ngắn gọn, có trọng tâm.
Câu 4 kiểm tra khả năng vận dụng thấp của thí sinh thông qua một số câu hỏi kiểu như: “Anh/chị có đồng tình với ý kiến…không”? Vì sao? Hoặc là: “Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh/chị”?
Với những câu hỏi dạng này, thí sinh cần trình bày qua một đoạn văn ngắn từ 5-7 dòng, lập luận chặt chẽ, có chính kiến rõ ràng. Thí sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc kết hợp cả hai, miễn sao hợp lí và không vi phạm pháp luật và thuần phong mĩ tục của người Việt.
Thứ hai, phần Làm văn có 2 câu, gồm phần Nghị luận xã hội và phần Nghị luận văn học. Phần Nghị luận xã hội, đề thi yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bày tỏ suy nghĩ của bản thân về một vấn đề được nêu ra từ phần Đọc hiểu. Thí sinh cần chú ý những yêu cầu sau:
Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Có thể trình bày đoạn văn (không xống dòng) theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tập trung bàn luận duy nhất vào vấn đề đó, hay nói cách khác, không viết sa đà, lan man,... có thể dẫn đến lạc đề.
Triển khai vấn đề nghị luận: Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ yêu cầu đề ra. Tuyệt đối không viết đoạn văn nghị luận xã hội thành bài văn thu nhỏ (có bố cục 3 phần). Cần viết chân thực, tránh sáo rỗng theo khuôn mẫu, cần thể hiện quan niệm, suy nghĩ độc lập của chính mình.
Phần Nghị luận văn học, thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài, giới thiệu được vấn đề; Thân bài, triển khai được vấn đề; Kết bài, khái quát được vấn đề.
Thí sinh cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận (tránh lạc đề). Câu Nghị luận văn học có thể yêu cầu phân tích các chi tiết nhỏ của tác phẩm để làm rõ một vấn đề của nội dung tác phẩm.
Thí sinh lưu ý, cần tránh phân tích toàn bộ chi tiết trong tác phẩm hoặc chỉ phân tích những chi tiết được yêu cầu. Thí sinh cần đặt các chi tiết trong mối quan hệ với những chi tiết, sự việc khác trong tác phẩm để phát triển được ý. (Thời gian ít ỏi còn lại, thí sinh nên ôn tác phẩm văn học theo sơ đồ tư duy để hệ thống hóa các chi tiết, sự việc...)
Ngoài ra, thí sinh cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Thí sinh nên làm phần Đọc hiểu trong khoảng 20 phút, câu Nghị luận xã hội cần khoảng 20 phút, dành nhiều thời gian nhất cho câu Nghị luận văn học khoảng 70 phút và dành 10 phút cuối để đọc lại toàn bộ bài viết.
Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt.
Bình luận