• Zalo

Bí quyết để dạy trẻ học bài tại nhà

Tổng hợp Thứ Ba, 06/03/2012 12:30:00 +07:00Google News

Hàng ngày, con cái của bạn vẫn ngồi vào góc học tập ở nhà đều đặn, hay đó là : “Con vẫn chăm chỉ và làm bài tập ở nhà rất tốt”.

Hàng ngày, con cái của bạn vẫn ngồi vào góc học tập ở nhà đều đặn, hay đó là : “Con vẫn chăm chỉ và làm bài tập ở nhà rất tốt”.


Thế nhưng, học lực của con vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa có dấu hiệu gì là tiến bộ khả quan. Để giúp con học tập ở nhà hiệu quả, các bậc phụ huynh nên áp dụng những biện pháp hữu ích dưới đây. Tuy nhiên, phụ huynh không nên ép buộc trẻ phải hoàn thành xuất sắc những gì theo như ý của mình. Trẻ chỉ có thể học tốt hơn khi có thời gian học tập, nghỉ ngơi một cách hợp lý thay vì phải thường xuyên sống trong tâm trạng căng thẳng, không thoải mái.

Bớt sử dụng máy tính:


Máy tính là trợ thủ đắc lực của trẻ khi phải thực hiện những bài toán phức tạp, nhưng không nên cho trẻ dùng tới chúng thường xuyên. Trẻ cần làm các bài toán đơn giản bằng sự tính toán trong đầu của mình, sự tự lực làm bằng khả năng riêng này còn giúp trẻ phát triển kỹ năng suy luận toán học, một kỹ năng rất cần cho sự phát triển học lực. Ngoài ra, trong các phần mềm máy tính cũng có rất nhiều trò chơi hấp dẫn khiến trẻ xao lãng việc học hành.


Học kiểu “cuốn chiếu”:


Trẻ thường gặp khó khăn bối rối khi phải học thuộc một bài dài, thí dụ như học nhớ tên thủ đô của các nước. Bạn hãy hướng dẫn trẻ cách học kiểu “cuốn chiếu”, có nghĩa là chia bài học ra thành nhiều phần và học thuộc từng phần một theo thứ tự, thí dụ như học thuộc tên của ba thủ đô mỗi lần. Khi trẻ học thuộc bài nhanh nhờ phương pháp này, trẻ sẽ cảm thấy hăng hái học tập hơn.


Cần có sổ tay:


Cuốn sổ tay nhỏ sẽ giúp trẻ ghi nhớ những gì cần thiết, có thể gọi cuốn sổ này là quyển “sách ước”, vừa để củng cố trí nhớ, vừa để có ngay những gì trẻ cần đến nhưng bị quên béng đi.


Ôn lại bài trước khi ngủ:


Ôn lại bài học thuộc lòng trước khi đi ngủ cũng là một bí quyết hay. Nhiều khi trẻ tưởng là đã thuộc bài rồi nhưng gấp vở lại đọc thì thấy còn nhiều “khoảng trống”. Ôn lại trước khi đi ngủ là phương pháp củng cố bộ nhớ cho ngày mai rất tốt.


Không ngồi hàng giờ ở bàn học:


Ngồi hết giờ này đến giờ khác ở bàn học không phải là điều tốt cho sức khỏe lẫn sức học của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh không nên “buộc” trẻ phải dính liền vào chiếc bàn học. Thời khóa biểu học bài ở nhà phải xen kẽ với giờ nghỉ và giờ ăn uống giải lao, có như vậy trẻ mới hăng hái trong việc học tập. Trẻ chỉ có thể học tốt khi có được những thói quen cơ bản về ăn uống, giấc ngủ và tập luyện tốt. Một chế độ ăn uống điều độ, thường xuyên tập luyện thể dục thật sự cần thiết cho trẻ trong học tập. Cần bảo đảm cho trẻ có giờ nghỉ ngơi vào buổi tối để trẻ có thể tự làm những việc mình muốn, thay vì trẻ phải học gạo môn học này đến môn học khác mỗi tối.


Đánh giá kết quả học tập:


Phụ huynh đặc biệt cần biết là phải khen ngợi kết quả học tập của trẻ. Kết quả này có liên quan đến việc trẻ biết thực hiện tốt thói quen học tập hằng ngày, cũng như sự học tập nghiêm túc của trẻ. Nếu trẻ không thể đạt được kết quả như mong muốn, bạn không nên tỏ ra giận dữ với trẻ. Hãy nói với trẻ bạn rất hài lòng về những cố gắng của trẻ để động viên cho trẻ học tốt hơn.


Theo Giaoduc

Bình luận
vtcnews.vn