• Zalo

Bị ông chủ ‘thổi bay’ ngàn tỷ, đại gia Nhật còn có cơ hội ‘lội ngược dòng’ ở VN?

Kinh tếThứ Sáu, 03/07/2015 08:15:00 +07:00Google News

Sốt ruột vì bị ông chủ “thổi bay” ngàn tỷ, cổ đông JVC như ngồi trên đống lửa và đặt ra câu hỏi liệu đại gia Nhật có cơ hội “lội ngược dòng” ở Việt Nam không.

(VTC News) – Sốt ruột vì bị ông chủ “thổi bay” ngàn tỷ, cổ đông JVC như ngồi trên đống lửa và đặt ra câu hỏi liệu đại gia Nhật có cơ hội “lội ngược dòng” ở Việt Nam không.

Ông chủ thổi bay ngàn tỷ

Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) là công ty liên doanh có vốn góp của doanh nghiệp Nhật. Thế nhưng với nhà đầu tư Việt Nam, JVC là đại gia Nhật. JVC được chú ý vì là công ty hiếm hoi trên sàn chứng khoán hoạt  động trong lĩnh vực y tế.

Kể từ tháng 6/2015, JVC bỗng nổi như cồn. JVC khiến giới chứng khoán lao đao vì bất ngờ tuột dốc. Từ 10/6, JVC liên tục giảm sàn. JVC bị nhà đầu tư bán tháo vì từ đầu tháng 6, thị trường có nhiều tin đồn xấu về JVC.

Mặc cho thị trường xôn xao với hàng loạt tin đồn, JVC không chịu lên tiếng phủ nhận hay khẳng định nên nhà đầu tư càng có tâm lý phải “tháo chạy” bằng mọi giá. Chính vì vậy, đà tuột dốc của JVC ngày càng nhanh và mạnh hơn. Có những phiên, dư bán sàn JVC lên tới hàng chục triệu đơn vị.

Lê Văn hướng
Nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng đã "thổi bay" ngàn tỷ của JVC 
Phải tới ngày 25/6, nghĩa là hơn nửa tháng sau khi tin đồn loang ra, JVC mới công bố ông Lê Văn Hướng đã có quyết định khởi tố vào ngày 17/06/2015 về tội lừa dối khách hàng, theo quy định tại điều 162 Bộ luật hình sự.

Trước đó, ông Lê Văn Hướng đã bị Hội đồng quản trị của JVC miễn nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc công ty kể từ ngày 21/6. Dù vậy, hiện tại ông Hướng vẫn là thành viên Hội đồng quản trị của công ty JVC.

Khi tin đồn ông Hướng bị bắt  chính thức được xác nhận, cổ phiếu JVC lao dốc mạnh mẽ hơn. Nếu không tính ngày 15/6, trong khoảng thời gian từ 10/6 tới 1/7, JVC đã có chuỗi 15 phiên giảm sàn liên tiếp. Sau 1 tháng giao dịch, JVC giảm 14.500 đồng/CP, tương ứng 65% xuống 7.600 đồng/CP.

JVC lao dốc khiến vốn hóa thị trường của Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật giảm tới 1.631 tỷ đồng xuống 855 tỷ đồng.

JVC khiến cổ đông hứng chịu mất mát lớn. Tài sản của ông Hướng và gia đình giảm nhiều nhất. Hơn 13,3 triệu cổ phiếu của ông Hướng mất  193,37 tỷ đồng. Bà Nguyễn Phương Hạnh, vợ ông Hướng cũng bị “thổi bay” nhiều tỷ đồng khỏi tài khoản.

Không chỉ có vậy, vợ chồng ông Hướng còn bị công ty chứng khoán bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu JVC.

Những câu hỏi lớn

Trong sự cố lớn lần này, JVC khiến cổ  đông đặt ra nhiều câu hỏi lớn. Đầu tiên, khi tin đồn về JVC lan ra từ đầu tháng 6, tới ngày 13/6, JVC vẫn công bố công ty vẫn hoạt động bình thường.

Ngày 17/6, ông Hướng đã có quyết định khởi tố vào ngày 17/06/2015 về tội lừa dối khách hàng. Tuy nhiên mãi đến ngày 23/06/2015, tức là 5 ngày sau quyết định khởi tố chính thức, JVC mới nhận được bản gốc quyết định khởi tố và thực hiện công bố thông tin.

Dù công bố chậm trễ nhưng JVC lại nhanh tay “đoạn tình” với ông Hướng. Chiều tối ngày chủ nhật, 21/6/2015, JVC đăng tải trên website thông tin miễn nhiệm chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc đối với ông Lê Văn Hướng mà không kèm theo bất cứ một lời giải thích.

JVC còn vi phạm công bố thông tin khi cổ phiếu của cổ đông nội bộ bị bán trong im lặng. Cụ thể, ngày 15/6/2015, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng đã bán giải chấp 1,8 triệu cổ phiếu JVC thuộc sở hữu của bà Nguyễn Phương Hạnh (thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Giám đốc JVC). Việc bán số cổ phiếu nêu trên đã không thực hiện công bố thông tin.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, tại ngày 31/3/2015, số dư tiền và các khoản tương đương tiền của JVC là 496,4 tỷ đồng, bao gồm 465,8 tỷ tiền mặt tại quỹ và 30,6 tỷ tiền gửi ngân hàng. Các khoản đầu tư ngắn hạn (tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng) là 285,6 tỷ đồng.

Tổng số dư này là 782 tỷ, chiếm 39% tài sản ngắn hạn và 31% tổng tài sản của JVC. Đây có thể là số tiền thu về từ đợt phát hành 50 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/CP để huy động 750 tỷ từ cuối năm trước. Khoản tiền này không có gì bất thường. Nhưng khoản tiền mặt tại quỹ lên đến 465,8 tỷ đồng lại khiến người khác không khỏi nghi ngờ.

Công ty chứng khoán HVS Việt Nam đã bày tỏ sự nghi ngờ khi cho rằng với số tiền lên đến 465 tỷ đồng thì JVC cần phải có một cái kho đủ lớn và an toàn chỉ để chứa tiền và việc kiểm kê tiền mặt vào ngày cuối năm có lẽ phải mất cả ngày. Ngay cả một chi nhánh ngân hàng cũng khó có thể tồn số tiền lớn này.

“Do đó, chúng tôi cho rằng khoản tiền mặt này là khá rủi ro về góc độ đầu tư. Liệu rằng khoản tiền này sẽ đi đâu và hiện đang ở đâu? Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi này nhưng rõ ràng là tài sản được cho là kém rủi ro nhất lại trở nên quá rủi ro.” – Công ty chứng khoán HVS nhận xét.

JVC
JVC vẫn còn cơ hội?

Chuỗi giảm sàn dài dằng dặc của JVC đã khiến JVC trở thành cổ phiếu “nổi bật” nhất thị trường chứng khoán thời gian qua. Nhà đầu tư tháo chạy, JVC rơi xuống dưới mệnh giá và không biết đâu là “đáy”. Kết thúc phiên giao dịch 1/7, JVC giảm sàn và đóng cửa ở mức 7.600 đồng/CP.

Sang ngày 2/7, JVC tiếp tục phá đáy và suýt có phiên giảm sàn thứ 16 khi rớt xuống 7.100 đồng/CP. Tuy nhiên, JVC một lần nữa khiến cổ đông ngạc nhiên khi có sự đảo chiều ngoạn mục. Chưa đầy nửa tiếng giao dịch ở mức giá sàn, JVC bất ngờ tăng trần lên 8.100 đồng/CP.

Ban đầu, dư mua trần xấp xỉ 2 triệu đơn vị. Nhưng càng về cuối phiên, lệnh đặt mua ngày càng nhiều, dư mua trần đạt tới hơn 5 triệu đơn vị. Điều đáng nói, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên của JVC đạt khoảng 1,2 triệu đơn vị.

Diễn biến này khiến nhiều người bất ngờ nhưng không nằm ngoài tính toán của nhà đầu tư. Anh Nguyễn Thành Hưng, nhà đầu tư trên sàn Tân Việt chia sẻ anh dự tính JVC sẽ đạt “đáy” trong muộn nhất trong tuần sau. Anh và một số nhà đầu tư đã trực chờ bắt đáy JVC từ đầu tuần.

“JVC phục hồi sớm hơn dự kiến của chúng tôi một chút. Nhưng dù sao chúng tôi cũng đã dự đoán đúng vùng đáy của cổ phiếu này. Hiện JVC đã giảm quá sâu do những tin xấu xung quanh vị Chủ tịch cũ. Còn về hoạt động, JVC vẫn rất ổn nên tôi không thấy thiếu an toàn khi đầu tư vào JVC tại thời điểm này” – Anh Hưng nhận định.

Phía JVC cũng khẳng định công ty đang hoạt động bình thường. Ông Kyohei Hosono – Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị JVC, đồng thời cũng là người đại diện phần vốn của quỹ đầu tư DI Asian Industrial Fund LP và Dream Incubator Inc (Công ty DI) đã gửi lời xin lỗi tới các cổ đông trong thư ngỏ, đồng thời khẳng định hai quỹ đầu tư Nhật Bản sẽ đồng hành với JVC trong dài hạn.

2015 là năm JVC hứa hẹn có nhiều thành công mới. Năm 2015, JVC đặt kế hoạch doanh thu 1.400 tỷ, tăng hơn 25% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế 306,76 tỷ đồng, tăng 39% và vốn chủ sở hữu là 2.200 tỷ đồng.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn