Cuộc thi bình thường?
Robocon là sân chơi sáng tạo trí tuệ dành cho sinh viên. Tuy nhiên, sau 15 năm, cuộc chơi ngày càng vắng bóng những trường đại học tên tuổi lớn. Thay vào đó, cuộc thi xuất hiện ngày càng nhiều các tên tuổi mới, nhất là các trường dân lập, tư thục.
Nhiều người đặt câu hỏi, một cuộc thi tầm cỡ quốc tế tại sao các trường đại học lớn như ĐH Bách khoa TP.HCM. ĐH Bách Khoa TP.HCM cũng là trường từng 3 năm giành cúp vô địch châu Á - Thái Bình Dương lại không tiếp tục tham gia cuộc thi.
Trả lời PV VTC News, TS Trương Đình Châu (Bộ môn điều khiển tự động, Khoa Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết trường đã giành giải vô địch 3 năm tại cuộc thi này.
"Trường đã giành giải vô địch 3 năm, chừng đó là năm là đủ rồi. Sinh viên Bách khoa cần phải giành thời gian để nghiên cứu những đề tài chuyên sâu hơn, level của sinh viên Bách khoa không phải để tham gia những cuộc thi bình thường như thế", TS Châu nói.
Cũng theo thầy Châu, cuộc thi robocon chỉ là sân chơi phong trào của sinh viên, cách để sinh viên vui chơi, làm quen sáng tạo robot, rèn kỹ năng làm việc nhóm.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường lại đầu tư quá mạnh vào sân chơi này để lấy thành tích, vậy nên sinh viên không còn đam mê như trước.
Cuộc thi nào cũng vậy, luôn có người thắng, kẻ thua, robocon cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, cuộc chơi đã thiên về việc sử dụng công nghệ để giải quyết yêu cầu của đề thi.
Hơn nữa, trong nhiều năm liền, các đề tài không có tính đột phá khiến sức hút từ sân chơi này giảm đáng kể, thể hiện qua số đội tham dự và lượng khán giả đến sân.
"Một cuộc đấu mà chưa thi đã chắc thắng thì đâu còn thú vị gì nữa, cũng vì điều đó nên sinh viên Bách khoa không còn tham gia thi trong nhiều năm nay", TS Châu chia sẻ.
Chắc kinh tế - chắc thắng
Trả lời VTC News, thầy Huỳnh Văn Kiểm - người hướng dẫn cả ba đội Robocon của ĐH Bách khoa TP.HCM, đại diện Việt Nam vô địch cuộc thi Sáng tạo Robocon châu Á - Thái Bình Dương vào các năm 2002, 2004 và 2006 cho biết nếu hiện nay ĐH Bách khoa TP.HCM có thi thì cũng chưa chắc thắng.
Lý giải về điều này, thầy Kiểm cho biết: “Hiện nay, sự đầu tư của các trường làm tăng chất lượng thi đấu, sinh viên có điều kiện học hỏi và nghiên cứu nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc nhà trường can thiệp quá sâu, đầu tư kinh phí lớn kiểu bao trọn gói sẽ ảnh hưởng đến phong trào tham gia Robocon, kết quả thi đấu không còn phản ánh đúng trình độ của sinh viên tham gia”.
Thầy Kiểm thông tin thêm, trước đây tất cả các linh kiện đều là đồ cũ, được lấy từ các máy in, máy photo hư hỏng. Vì vậy, chuyện trục trặc trong thi đấu là hiển nhiên. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đó không còn.
Vào thời điểm năm 2004, ĐH Bách khoa TP.HCM là nơi đầu tiên nghiên cứu ra hệ thống dò đường bằng công nghệ chụp xử lý ảnh. Đó là kết quả sáng tạo của sinh viên.
Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại, đa phần các robot sử dụng các công nghệ cảm biến hay dò đường bằng hồng ngoại. Những sản phẩm này có bán sẵn trên thị trường với giá khoảng 20 triệu đồng.
"Khi cuộc chơi nghiêng về công nghệ thì trường nào đầu tư mạnh, trường nào có công nghệ tiên tiến nhất thì nắm phần thắng nhiều nhất", thầy Kiểm chia sẻ.
Mất dần tính cạnh tranh
Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) là ngôi trường 7 năm liên tiếp giành cúp vô địch Robocon toàn quốc, 2 năm giành cúp vô địch châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, ĐH Lạc Hồng đầu tư gần 2 tỷ đồng cho sân chơi này cho các cuộc thi khu vực, toàn quốc và quốc tế trong năm 2010.
Cụ thể, tại vòng chung kết Robocon toàn quốc năm 2011 ở Đà Nẵng, do ban tổ chức chỉ cho phép các đội thử sân thi đấu 15 phút nên ĐH Lạc Hồng đã thuê mặt bằng, làm nguyên một sân tập riêng với chi phí gần 90 triệu đồng cho 6 đội Robocon của trường tập luyện.
Năm 2012, cũng với sự đầu tư mạnh tay, vòng loại Robobon khu vực phía Nam khép lại với chiến thắng tuyệt đối thuộc về Trường ĐH Lạc Hồng.
Cả 12 suất của phía Nam tham dự vòng chung kết Robocon toàn quốc đều thuộc về các đội tuyển của trường này.
Video: Việt Nam vô địch Robocon châu Á - Thái Bình Dương 2017
Tuy nhiên, kết quả trên khiến nhiều người lo lắng liệu sân chơi Robocon có đang mất dần tính cạnh tranh và thu hẹp cơ hội cho những bạn trẻ đam mê robot, yêu thích sáng tạo tham gia.
Bên cạnh những đội được nhà trường đầu tư "hoành tráng" thì cũng có nhiều nhóm nhỏ do những sinh viên yêu thích Robocon tự họp nhau lại, chung tiền cùng tạo robot đi thi. Sự chênh lệch trong cách đầu tư dẫn đến tính công bằng trên sàn đấu và sức sáng tạo của sinh viên không còn khách quan.
“Nguyên nhân thực sự khiến các trường lớn ngày càng vắng bóng là do đề thi ít tính sáng tạo, nặng về kỹ thuật. Nhưng quan trọng nhất vẫn là do sự can thiệp, đầu tư tài chính từ phía các trường có sự chênh lệch quá lớn, nên cuộc thi không còn thật sự khách quan.
Cuộc thi ngày càng đòi hỏi sự đầu tư và tính chuyên nghiệp cao, các nhóm sinh viên không có điều kiện kinh tế không thể tham gia. Muốn chiến thắng thì phải có sự đầu tư rõ ràng. Vì thế trường nào đầu tư kinh phí lớn, robot có độ tinh xảo về cấu kiện, thiết bị ổn định thì cơ hội chiến thắng cao hơn”, thầy Kiểm chia sẻ.
Bình luận