Sinh ra và lớn lên ở thành phố hoa phượng đỏ, học xong cấp 3, Quang Thắng thi vào trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Hải Phòng. Sau khi ra trường, cuộc sống khó khăn, Quang Thắng từng có quãng thời gian phải đi làm thuê, phụ xe, bốc vác để kiếm sống.
Cơ duyên đưa Quang Thắng diễn xuất trong chương trình Gặp nhau cuối tuần, với nét duyên sẵn có, anh để lại được ấn tượng cho khán giả. Không có dáng vẻ của một ngôi sao, Quang Thắng ngoài đời cũng hệt như các nhân vật anh đóng trên sân khấu, thô mộc, chất phác, hồn nhiên, hài hước gây cười và gần gũi. Chính những phẩm chất đó, Quang Thắng trở thành diễn viên hài nổi tiếng, được đông đảo công chúng yêu mến.
- Nhiều năm hoạt động nghệ thuật ở Hải Phòng, quyết định “dứt áo ra đi” lên Hà Nội làm việc hẳn anh có nhiều trăn trở?
Tôi phải suy nghĩ mất 2 năm trời. Rời một nơi mà cả thanh xuân đam mê và nhiệt huyết với nghề diễn của mình ở đó, cũng nhiều thứ phải suy nghĩ chứ. Nhưng biết làm thế nào được, con người ta, mỗi một giai đoạn của cuộc sống đều có những dấu mốc và sự thay đổi buộc phải chấp nhận.
Có 3 việc lớn của đời người giờ tôi thấy đã làm xong, đó là làm nhà, cưới vợ và chuyển công tác. Nghề diễn viên rất khó, khi lên sân khấu là ông hoàng bà chúa, trở lại thực tế thì cũng cơm áo gạo tiền như ai thôi.
- Có thông tin anh vẫn phải để vợ con lại quê nhà vì lên Hà Nội, nhà ở Gia Lâm của anh bé quá, chưa đầy 30m2. Thực hư thế nào?
Chúng tôi phải bàn bạc kỹ lưỡng rồi mới đi tới thống nhất, tất nhiên, có ai muốn chồng đi làm vất vả rồi đêm hôm về nhà chỉ có một mình đâu. Gia đình ở Hải Phòng, làm việc nhiều ở Hà Nội đôi khi không hề dễ dàng, đơn cử như việc ăn uống đi lại thôi đã là cả một câu chuyện dài. Rồi quá trình di chuyển có biết bao hiểm nguy kề cận. Nhưng cuộc sống mà!
Vấn đề của gia đình tôi mà mỗi người một nơi như thế không nằm ở chỗ nhà tôi chật. Các con còn đang học dang dở, rồi anh em họ hàng nhà mình cũng ở Hải Phòng cả. Lên Hà Nội, tôi đi diễn triền miên, vẫn một mình cô ấy ở nhà trông con, đối nội đối ngoại. Trong khi nội ngoại lại ở Hải Phòng, như thế càng khiến vợ tôi thêm mệt mỏi vì di chuyển hơn. Thêm nữa, không gian Hà Nội đông đúc, mình có nhà ở Hải Phòng thoáng đãng, tại sao phải bó buộc lên đây làm gì cho mệt.
Tôi chưa từng kêu nhà bé, khoe nhà to, tôi không có thói quen khoe tài sản, nghệ sĩ thì nên để khán giả biết tới ở các vai diễn dù tài sản mình làm ra bằng mồ hôi công sức, khoe đâu có xấu.
- Anh còn trong “Hội sợ vợ” nữa không?
Nể nhau thôi chứ không phải tôi sợ. Vì lỗi của tôi là đi quá nhiều, cô ấy rất vất vả chăm 3 người con, ở nhà toàn những việc không tên. Thôi thì mỗi người một việc, tôi đi lo công việc ở ngoài, cũng mong cô ấy ở nhà chịu khó vất vả vẹn toàn mọi việc trong nhà.
Tôi không đề ra một lịch cụ thể nào đó nhưng mà cứ hết việc ở Hà Nội là tôi lại về. Có khi chiều muộn về sáng sớm lại lên Hà Nội luôn. Giờ giao thông thuận tiện nên cũng không khổ như trước. Tôi phải cảm ơn Nhà nước, làm đường thế nào mà đúng đầu Gia Lâm tôi ở tới đầu Hải Phòng vợ tôi ở, lên xe đầu này về tới đầu kia mà không phải di chuyển qua bất cứ xe nào khác, tiện thế cơ chứ.
- Về Nhà hát Kịch Hà Nội, không "mì chính cánh" như ở Hải Phòng bởi cạnh anh có quá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, anh có bị áp lực cạnh tranh?
Đúng vậy, về Kịch Hà Nội, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thật nhưng họ không phải là áp lực của tôi. Bởi, họ đã quá bận bịu với sự nổi tiếng của mình bằng việc nhiều đơn vị mời làm phim, quảng cáo,...và họ không có thời gian để ghen ghét đố kỵ, kèn cựa ai cả.
Giám đốc nhà hát NSND Trung Hiếu lại xuất thân từ diễn viên, quá hiểu công việc của một diễn viên nên tạo điều kiện hết mình cho anh em. Mọi diễn viên ở nhà hát, không chỉ riêng tôi đều có thể tự do làm việc bên ngoài, miễn là khi nhà hát có việc cần, kể cả phải huỷ show cũng phải về. Chính vì thế, anh em rất hồ hởi và khi đã về nhà hát là phải cống hiến hết mình.
Người ta thường nói “người quê chỉ có tấm lòng”, tôi làm việc đúng như thế, không vụ lợi, tất cả công việc làm cho Đài Truyền hình Việt Nam, từ Ở nhà chủ nhật, Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm, Chúng tôi là chiến sĩ, phim, tôi đặt vấn đề công việc lên hàng đầu, không đặt nặng cát xê.
- Nhưng về Nhà hát Kịch Hà Nội - cái nôi của những vở chính kịch nổi tiếng, Quang Thắng lại được biết tới ở những vai hài kịch, liệu anh có phải loay hoay để phù hợp?
NSND Công Lý ở đoàn khác, tôi ở đoàn khác, chung một mái nhà nhưng công việc khác nhau.
NSƯT Quang Thắng
Nhiều người cũng hỏi tôi với NSND Công Lý thân nhau, giờ cùng chung một "nhà" kiểu gì cũng có xích mích. Tôi chỉ cười thôi, xích mích chắc chả tới lượt tôi, NSND Công Lý ở đoàn khác, tôi ở đoàn khác, chung một mái nhà nhưng công việc khác nhau.
Nếu có chung sân khấu trong vở diễn thì cũng dưới sự điều phối của NSND Trung Hiếu. Chẳng hạn như vừa rồi, vở mở màn của tôi ở Nhà hát Kịch Hà Nội là Hà thành chính khí, tôi đóng cùng NSND Công Lý, 2 nhân vật đều là chính kịch, không hài hước gì. Bạn cũng đi xem và thấy khán giả ủng hộ như thế nào rồi chứ?
Tôi nói thật, nhiều người biết tới tôi là diễn viên hài nhưng thực sự, tôi được nhận danh hiệu NSƯT là do đóng những vai chính kịch. Người diễn viên, làm đúng sở trường của mình thì khán giả quý và yêu lắm. Nhưng trong ngành đòi hỏi một người diễn viên phải đa năng, muốn có giải thưởng này kia thì nhất định phải vượt qua chính mình, thế nên những vở mang đi thi, tôi đều làm khác tôi, đó là thử sức vào những vai chính kịch và đã được đàn anh đàn chị trong nghề ghi nhận, tôi có huy chương và được nhà nước phong tặng NSƯT.
Là nghệ sĩ phải biết chấp nhận, cả lúc khán giả yêu và khán giả ghét. Chứ cứ mãi là "hoa hậu thân thiện" thì không có được.
Nếu một gương mặt diễn viên bình thường, có thể vào vai bi và hài dễ dàng thì tôi – với gương mặt “không đi đám ma được" đã phải cố gắng gấp nhiều nhiều lần.
Bình luận