Đôi tai thay đôi mắt
'Bình luận chi tiết cao' (ADC) là dịch vụ đặc biệt dành riêng cho người khiếm thị tại các giải đấu bóng đá. Theo đó, người khiếm thị sẽ được trải nghiệm không khí và các diễn biến trên sân bằng âm thanh chân thật nhất có thể.
Bình luận viên dành riêng cho dịch vụ này không chỉ bình luận diễn biến trận đấu, mà còn chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, không khí sân vận động, màu sắc và tất cả những thông tin mà người khiếm thị cần biết. Để sử dụng dịch vụ, người hâm mộ chỉ cần tải về ứng dụng điện thoại và nghe qua tai nghe. Trước đây, dịch vụ được cung cấp qua sóng FM trong sân vận động nhưng cách này gây ra một số bất tiện.
Cách thức hoạt động của ADC tương đối đơn giản và đã được áp dụng ở một số giải đấu lớn. Tuy nhiên, ngôn ngữ của ADC là tiếng Anh và World Cup 2022 ở Qatar sẽ là giải đấu lớn đầu tiên cung cấp dịch vụ này bằng tiếng Ả Rập. Các chương trình đào tạo bình luận viên bằng tiếng Ả Rập được tổ chức tại Đại học Hamad Bin Khalifa của Qatar (HBKU) với sự hợp tác của Trung tâm Tiếp cận Bóng đá ở châu Âu (CAFE).
Những ứng viên sẽ vượt qua ba kỳ thi để được lựa chọn và thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng khi World Cup đến gần. Cho đến nay, các lớp này đã đào tạo 64 bình luận viên nói tiếng Ả Rập, trong đó có 21 bình luận viên tại World Cup 2022 sắp khai mạc.
Động lực đặc biệt của người cha
Alan March, một trong những người tham gia giảng dạy, tin rằng dịch vụ ADC sẽ giúp người khiếm thị theo dõi trận đấu dễ dàng hơn rất nhiều.
"Đây là một cuộc cách mạng mà chúng tôi đang làm. Các bình luận viên sẽ mô tả chi tiết nhất có thể, cả những điều mà khán giả truyền thống không bao giờ để ý. Ví dụ, chúng tôi không chỉ đọc tên cầu thủ mà còn chỉ rõ tư thế nhận bóng và vị trí cầu thủ trên sân. Kiểu tóc và hình xăm cũng được miêu tả chi tiết.
Tiếng Ả Rập cũng đặt ra những thách thức nhất định. Ngôn ngữ này có vốn từ vựng mang tính miêu tả nhiều hơn và cấu trúc đảo ngược so với tiếng Anh. Việc đặt các câu ngắn sẽ khó hơn khi trận đấu diễn ra với tốc độ cao", ông nói.
Mohammed Ghazal là một trong những bình luận viên đã tham gia chương trình đào tạo. Ghazal là một chuyên gia tài chính rất yêu bóng đá, từng theo đuổi sự nghiệp bình luận bóng đá chuyên nghiệp nhưng không thành.
Tuy nhiên, động lực chính đưa anh đến chương trình này là vì cậu con trai 8 tuổi mắc chứng tự kỷ. Theo Ghazal, con trai anh gặp rất nhiều khó khăn khi xem và anh muốn làm gì đó để giúp đỡ cho những phận người không may.
"Tôi khó có thể tìm thấy các hoạt động phù hợp với nhu cầu của con trai tôi. Vì vậy, tôi đã đăng ký ngay khi tôi nghe về chương trình này. Con trai tôi có thể nghe cha nó bình luận và biết đâu điều này sẽ giúp thằng bé vui hơn", anh nói.
Chặng đường dài phía trước
ADC là một bước tiến nhỏ nhưng quan trọng trong việc đưa bóng đá đến với người khuyết tật trên toàn thế giới. Michael Rice, đại diện CAFE cho biết: "Chương trình này đã có những tiến bộ trong 12 năm qua. Chúng tôi đã có những thành công bước đầu nhưng chặng đường phía trước còn rất dài".
Ở World Cup 2022, dịch vụ người khiếm thị xem bóng sẽ dễ tiếp cận hơn rất nhiều so với lần đầu nó được ra mắt vào năm 2012. Người hâm mộ cũng có thể nghe bình luận tại nhà thông qua một mã số đặc biệt.
Tuy nhiên, Rice cho biết, những thách thức vẫn còn đó, đặc biệt là hàng loạt khó khăn mà người khuyết tật gặp phải từ việc đến một quốc gia để xem một trận đấu, tìm chỗ ở và sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở một thành phố mới.
"Chúng tôi muốn sử dụng các giải đấu này để truyền cảm hứng đến mỗi quốc gia. Chúng tôi hy vọng thông điệp về khả năng tiếp cận cho người khuyết tật sẽ được lan rộng và để lại kết quả cụ thể. Hành trình đưa bóng đá đến với mọi người đòi hỏi nhiều sự chung tay", Michael Rice chia sẻ.
Bình luận