Cuộc thi Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 vừa kết thúc sau 8 tháng triển khai.
Được biết, trong cuộc thi này, không có đơn vị nào được giải nhất, chỉ có 1 đơn vị đoạt giải nhì trị giá 100.000 USD, 5 đơn vị lọt vào vào vòng chung khảo cũng được nhận số tiền hỗ trợ là 25.000 USD.
Theo tìm hiểu của PV, lễ công bố và trao giải cho các đơn vị đạt giải, cũng như thông tin về các phương án, ý tưởng của các đơn vị tham gia đã không được công khai rộng rãi. Khi các cơ quan báo chí đề cập đến vấn đề này thì các đơn vị tổ chức đều từ chối trả lời. Việc làm này đã khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu và đặt ra nhiều hoài nghi.
Video: Cấm xe máy để tránh tắc đường, chuyên gia phân tích tính khả thi
Trả lời VTC News về vấn đề này, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang là vấn đề rất "nóng'', được toàn xã hội quan tâm.
Việc tổ chức cuộc thi để tìm ra các phương án tổ chức giao thông nhằm hạn chế ùn tắc là rất cần thiết. Tuy nhiên cuộc thi này cần phải được công khai, minh bạch.
Người dân muốn biết các nhà khoa học, chuyên gia có tìm ra được giải pháp nào mới, ý tưởng nào hay hay không.
TS Nghiêm Xuân Đạt
“Tôi cho rằng kết quả của cuộc thi này cần được công khai cho báo chí, người dân. Bởi nội dung của cuộc thi đang rất được quan tâm. Người dân muốn biết các nhà khoa học, chuyên gia có tìm ra được giải pháp nào mới, ý tưởng nào hay hay không.
Thứ 2, kinh phí tổ chức cuộc thi này là tiền ngân sách nhà nước, đơn vị cũng cần công khai, minh bạch cho người dân được biết'', ông Đạt cho biết.
Ngoài ra ông Đạt cho rằng, giải thưởng của cuộc thi này khá lớn nên sẽ thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham gia. Chính vì vậy sẽ có được những ý tưởng hay, mới lạ. Những ý tưởng này cần được công khai để các nhà khoa học, chuyên gia giao thông khác đóng góp ý kiến, hoàn thiện để đưa vào áp dụng.
Cũng theo ông Đạt, để những ý tưởng trong cuộc thi không nằm trên giấy cần phải có những công bố cơ bản, đưa ra chương trình hành động và mục tiêu cụ thể, giải pháp từ ý tưởng vào thực tế như thế nào.
Bên cạnh đó, các giải pháp này phải được đánh giá một cách khách quan và đa chiều trong các mối quan hệ giữa các nhà khoa học - nhà quản lý - cộng đồng dân cư thì mới có thể đi vào thực tế hiệu quả được, nếu không sẽ gặp phải những trở ngại và hậu quả rất lớn sau này.
Trước đó, vào tháng 1/2017, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tổ chức công bố cuộc thi tuyển ý tưởng liên quan đến Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030.
Hình thức là thi tuyển hạn chế, thông qua việc tuyển chọn năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm và uy tín.
Đối tượng thi là các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế có đủ năng lực theo quy định của pháp luật Việt Nam và được Ban tổ chức mời tham gia thi tuyển.
Nội dung các ý tưởng phải giải quyết được 12 vấn đề về tổ chức giao thông, chống ùn tắc giao thông cho Hà Nội, trong đó có tổ chức giao thông liên vùng, ứng dụng giao thông thông minh và các giải pháp quản lý phương tiện cá nhân nhằm làm giảm ùn tắc giao thông.
Bình luận