• Zalo

Bí mật siêu tàu của Hải quân Việt Nam

Thời sựThứ Sáu, 21/12/2012 02:41:00 +07:00Google News

Đây là con tàu rất lạ, đặc biệt về hình dáng và chức năng, xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Một con tàu có trọng tải đến 2.200 tấn do Nhà máy Z189 đóng cho Hải quân VN vừa được đưa vào sử dụng. Nó được xem là sự kiện lịch sử, khi là một con tàu quân sự nhưng không phải là tàu chiến.

Một lãnh đạo của Quân chủng Hải quân đã ví von: “Con tàu ấy như tính cách dân tộc VN: yêu chuộng hòa bình”.

Hạ thủy tàu vận tải kiêm quân y Khánh Hòa HQ561.  

Đó là tàu Khánh Hòa HQ561, tàu vận tải tổng hợp kiêm quân y do Nhà máy đóng tàu Z189 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng) đóng mới lần đầu tiên tại VN.

“Đó là con tàu rất lạ, đặc biệt về hình dáng và chức năng, xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử VN: một con tàu quân sự nhưng lại không phải là tàu chiến, có chữ thập đỏ trước cabin và hai bên mạn. Vì là con tàu có chữ thập đỏ nên sự xuất hiện của nó là hiện thân của hòa bình, bác ái, vơi bớt đau thương, chết chóc.

Con tàu ấy còn như tính cách của dân tộc VN: hiền lành, yêu chuộng hòa bình”, một lãnh đạo của Quân chủng Hải quân VN đã rất phấn chấn khi nói về chiếc tàu đặc biệt ấy vừa được bàn giao cho Hải quân VN.


Bệnh viện trên biển đầu tiên

 Tình quân dân

Đặc biệt, tàu Khánh Hòa HQ561 có một buồng thiết bị giảm áp. Sự xuất hiện của căn buồng này không phải ngẫu nhiên.

Những lãnh đạo của Hải quân VN từng là những người gắn bó với sóng gió Trường Sa, với ngư dân ở Trường Sa. Họ đã từng chứng kiến, từng được nghe nên rất thấu hiểu và trăn trở trước câu chuyện đau lòng của rất nhiều ngư dân khi lặn xuống biển, ngoi lên mặt nước là bị tai biến, bị tàn phế hoặc chết do sự thay đổi đột ngột của áp suất.

Giữa Trường Sa mênh mông và xa xôi cách trở, tìm đâu ra thiết bị giảm áp để cứu lấy sinh mạng ngư dân đã kiên trung vượt sóng bám biển - hiện thân của những cột mốc sống giữa quần đảo đầy sóng gió, bão tố này. Thế nên thiết bị giảm áp là thiết bị quý nhất trên tàu, là hình ảnh của tình người và sự quan tâm sâu sắc, thực tế của hải quân với ngư dân của mình.
“Tàu Khánh Hòa HQ561 xuất phát từ cảng 189 vào những ngày trung tuần tháng 12, hiện đang ở quần đảo Trường Sa. Anh em trên tàu gọi điện thoại về suốt vì không bị đứt sóng do có vệ tinh VINASAT” - đại úy, chủ nhiệm công trình tàu Khánh Hòa HQ561 Đào Minh Thắng, kể. Như vậy, ngay sau khi được bàn giao cho Hải quân VN, tàu Khánh Hòa HQ561 đã đi vào hoạt động.

“Dù đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng việc khám chữa bệnh cho quân dân Trường Sa và ngư dân vẫn đòi hỏi phải có một bệnh viện di động với các trang thiết bị hiện đại, chữa được nhiều bệnh, xử lý kịp thời nhiều ca khó. Đó là lý do mà tàu Khánh Hòa HQ561 ra đời.

Đây là dự án quan trọng có ý nghĩa về quốc phòng, chính trị, kinh tế” - chủ nhiệm chính trị Nhà máy Z189 Trần Ngọc Tụ cho biết. Đây là chiếc tàu vận tải - quân y đầu tiên trong lịch sử của VN, do chính người VN đóng mới.

Tàu Khánh Hòa HQ561 được tạo nên từ hàng trăm tấn thép, tầm hoạt động trong vùng lãnh hải VN, cấp không hạn chế. Tàu đảm bảo lương thực thực phẩm liên tục trong nhiều tháng.

So với nhiều tàu chở quân và lương thực của hải quân, tàu Khánh Hòa HQ561 có tốc độ lớn hơn, tối đa 16 hải lý/giờ (gần 30km/giờ).


Ngoài nhiệm vụ chở quân, chuyển lương thực thực phẩm, nước ngọt cho lính đảo, nhà giàn DK1 và ngư dân, Khánh Hòa HQ561 còn có đầy đủ trang thiết bị khám chữa bệnh như một bệnh viện thu nhỏ.

Thế nên, Khánh Hòa HQ561 được coi là bệnh viện di động trên biển. Bệnh viện chính là boong chính của tàu, nằm ở vị trí trọng tâm tàu - nơi có biên độ lắc ít nhất.


Bệnh viện có phòng chụp X-quang, phòng mổ, phòng nội soi, siêu âm, phòng chẩn đoán, phòng khám bệnh răng hàm mặt, phòng hậu phẫu... với đầy đủ thiết bị, dụng cụ y tế để khám, chữa nhiều bệnh. Khu vực điều trị có camera. Phòng hồi sức cấp cứu có máy thở, các trang thiết bị chuyên dụng...

“Chúng tôi bố trí bàn mổ đúng trọng tâm của tàu để hạn chế tối đa sự tác động của sóng, giúp bác sĩ dễ mổ, mổ chính xác và làm bệnh nhân giảm bớt đau đớn.


Bác sĩ có thể mổ trực tiếp trên tàu với hệ thống vệ tinh VINASAT truyền hình trực tiếp kết nối với các bệnh viện lớn để tư vấn tại chỗ trong những ca phẫu thuật khó.

Có một vị tướng khi đến thăm tàu đã nói vui: chỉ còn thiếu khoa sản và thần kinh thôi” - kỹ sư Đào Minh Thắng kể. Ngoài kíp thuyền viên, tàu có riêng một kíp quân y 12 người, định kỳ đi khám chữa bệnh cho quân và dân trên đảo Trường Sa.

Hạ thủy tàu vận tải kiêm quân y Khánh Hòa HQ561. 

Dấu ấn trí tuệ Việt

Phụ trách con tàu đặc biệt lần đầu tiên có trong lịch sử quân sự VN này là một gương mặt rất trẻ, mới 35 tuổi: kỹ sư, đại úy Đào Minh Thắng. Tốt nghiệp khoa vỏ tàu ĐH Hàng hải, kỹ sư Thắng đã kinh qua 11 năm trong lĩnh vực đóng tàu với những dự án tầm cỡ ở Nhà máy Z189: chủ nhiệm đóng tàu chở quân HQ571, đóng tàu tuần tra đa năng trọng tải 2.200 tấn cho cảnh sát biển và hàng loạt tàu xuất khẩu cho Hà Lan.

Với dự án đóng tàu Khánh Hòa HQ561, đại úy Thắng vừa là chủ nhiệm công trình, chỉ đạo thiết kế công nghệ và giám sát thi công, người trực tiếp lựa chọn thiết bị vật tư, lập kế hoạch nhập khẩu, làm lịch mời chuyên gia nước ngoài sang vận hành máy...


Không có tàu quân y nào để tham khảo mẫu. Toàn bộ thiết kế công nghệ của tàu Khánh Hòa HQ561 đều do đội ngũ kỹ sư còn rất trẻ của Nhà máy Z189 đảm nhiệm. Nhóm có sáu người với bốn người phụ trách chính và hai gương mặt mới toanh. Người bị coi là “già” nhất sinh năm 1977, còn lại toàn thế hệ 8X.

“Chúng tôi đọc catalogue của máy, lên Google tìm kiếm thông tin, hình ảnh; được sự trợ giúp của tổ tư vấn của Quân chủng Hải quân (gồm bảy người ở Viện Y học hải quân, mỗi người một ngành). Trước khi thiết bị y tế về, họ tư vấn cho mình biết thiết bị này cần gì, lắp ở đâu trước.

Tôi còn đi khám bệnh ở một số bệnh viện xem các thiết bị gồm những cái gì, lắp đặt ở vị trí nào... để hình dung trước khi thiết kế. Cái gì không biết thì phải tìm người hỏi, như khi thiết kế buồng rửa phim, chúng tôi mời một người chuyên rửa phim bên hải quân qua tư vấn” - đại úy Thắng kể.


Khánh Hòa HQ561 được đóng từ tháng 6-2010. Tàu có hơn 50.000 chi tiết, riêng hệ thống dây điện tính ra dài đến... 42km, có thể kéo từ Hải Phòng đến Hải Dương. Để kịp thiết kế công nghệ cho hơn 200 công nhân làm, đội ngũ thiết kế sẵn sàng làm cả ban đêm và chủ nhật.

Cứ thiết kế xong block nào là đưa cho công nhân cắt, hàn, gia công... lắp ráp đến đấy. Mỗi kỹ sư phụ trách một phần. Chủ nhiệm công trình phụ trách thiết kế phần thân vỏ và nội thất, một người phụ trách phần cơ khí, một người phụ trách toàn bộ phần điện, người còn lại lo phần máy ống.


Nhưng phức tạp nhất là thiết kế phần ống bởi đây là phần chiếm khối lượng và không gian lớn trên tàu. Chỉ riêng phần ống đã nặng đến... 100 tấn, dày chi chít như mạng nhện. “Đường ống rất nhẹ mà nặng đến 100 tấn là biết nhiều đến mức nào.

Nếu không thiết kế bằng phần mềm không gian 3D thì phải ba năm mới xong” - kỹ sư Thắng cho hay. Anh cũng cho biết thêm: “Nhiều chi tiết nhà máy đã đầu tư hơn cả khi thiết kế. Chẳng hạn những chi tiết ở khu vực tiếp xúc nước biển lẽ ra chỉ hàn đoạn nhưng lại chuyển sang hàn liên tục để đảm bảo độ bền, đẹp hơn dù tốn thêm tiền, tốn thêm nhân công và vật tư.

Nhưng chúng tôi xác định đây là sản phẩm dành cho người VN đầu tiên trong nước. Chưa có đề xuất nào làm tốt hơn mà lãnh đạo bỏ qua. Khi đóng xong tàu Khánh Hòa HQ561, tôi cảm thấy rất phấn chấn và mãn nguyện vì người VN mình được dùng một sản phẩm là tâm huyết của chính người VN”.

 Hải quân VN luôn đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc

Khung bệnh viện của tàu Khánh Hòa HQ561. 

Đây là trao đổi của đại tá Hà Xuân Xứ - đại diện phía Nam của Bộ tư lệnh hải quân - với ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM, tại chuyến thăm và tặng quà nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân VN (22-12-1944 - 22-12-2012) và Ngày hội quốc phòng toàn dân, vào chiều 20-12. Đại tá Hà Xuân Xứ khẳng định Hải quân VN luôn ý thức được vai trò trong việc giữ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa...

Trong đó quan trọng không chỉ là khí tài mà còn là phương kế, cách đánh và quyết tâm đánh thắng trận đầu để giữ vững ý chí quyết thắng của quân chủng. Thay mặt lãnh đạo TP, ông Lê Hoàng Quân mong muốn hải quân sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang khác để luôn hoàn thành trọng trách giữ gìn sự bình yên của TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung.


Đoàn cũng đến thăm Bộ tư lệnh TP. Thiếu tướng Trương Văn Hai - tư lệnh Bộ tư lệnh TP - khẳng định Bộ tư lệnh TP sẽ phối hợp với các lực lượng của TP truy quét tội phạm, giữ gìn trị an cho nhân dân. Cùng ngày, đoàn đã đến thăm Quân đoàn 4 tại Bình Dương và thăm thiếu tướng Trần Mân - nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự TP. Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội TP do ông Huỳnh Thành Lập - trưởng đoàn - dẫn đầu đã tới thăm, chúc mừng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng TP, Bộ tư lệnh TP và Bộ tư lệnh Quân khu 7.

Theo Tuổi trẻ
Bình luận
vtcnews.vn