• Zalo

Bí mật nỗi sợ đèn flash của huyền thoại Nelson Mandela

Thế giớiThứ Tư, 03/07/2013 07:01:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ít ai biết rằng chứng sợ đèn flash của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela lại có nguồn gốc từ những ngày ông bị giam trên đảo Robben.

(VTC News) - Ít ai biết rằng chứng sợ đèn flash của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela lại có nguồn gốc từ những ngày ông bị giam trên đảo Robben.

Cuộc đời cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã trải qua 3 lần bị buộc tội. Năm 1956, lần đầu tiên Nelson bị cáo buộc nhưng không thành công, tới năm 1962, ông bị kết án 5 năm với tội danh phá hoại đời sống người dân và cuối cùng bị xét xử một lần nữa vào năm 1964 với mức án chung thân.

nelson mandela
Cựu Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela 

Trong 27 năm sống sau song sắt, 18 năm đầu tiên Nelson bị nhốt ở nhà tù trên đảo Robben. Đây là một trong những địa danh khét tiếng nhất của Nam Phi nửa sau thế kỷ 20. Tuy nhiên, với Nelson, đây lại là nơi ông khẳng định tên tuổi và tôi rèn những tư tưởng cách mạng của ông.

Sống giữa bầy cá mập trắng khổng lồ

Nằm cách bờ biển Bloubergstrand, thành phố Cape Town của Nam Phi 9.6 km, đảo Robben nằm giữa vùng nước lạnh, nơi sinh sống của những con cá mập trắng khổng lồ. 

Đây là nơi Nelson đã bị giam giữ trong 18 năm đầu của quá trình 27 năm ngục tù của mình trước khi được thả tự do năm 1990.

Trong thế kỷ 19, Anh sử dụng Robben để xây dựng các nhà giam nhốt tù nhân chính trị phản nghịch Xhosa. Sau đó, hòn đảo hoang vu được chuyển sang làm nơi cách ly các bệnh nhân phong hay làm nhà thương điên.

nhà tù đảo robben
Một khoảng sân tù trên đảo Robben 

Thời kỳ đen tối nhất của hòn đảo bắt đầu từ những năm 1960, nó được sử dụng để nhốt các tù nhân chính trị tham gia phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, ở trung tâm hòn đảo là phòng giam của Nelson Mandela.

Trên hòn đảo này, Nelson và các bạn tù đã phải lao động khổ sai ở các mỏm đá vôi đầy nguy hiểm mà không có bất cứ thiết bị bảo vệ nào. Nhiều người trong số họ đã bị mù vĩnh viễn vì mắt bị bột đá bắn vào. 

Đến nay, hệ quả để lại của những tháng ngày ở đây là Nelson vẫn sợ ánh đèn flash của máy ảnh. Đó là hậu quả của những năm tháng làm việc liên tục dưới ánh nắng phản chiếu vào các phiến đá vôi trên đảo.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đưa tên tuổi Nelson trở nên phổ biến ở châu Phi cũng như thế giới về hình ảnh một nhà lãnh đạo da đen kiệt xuất của Nam Phi.

Trong cuốn tự truyện ‘Những bước dài đến tự do’, Nelson có viết: “Đây là đường nâu cho vào cháo của ông. Các bạn biết đó, đường trắng dành riêng cho những người da trắng”. 

Đó là một trong những điều đơn giản ở nhà tù đảo Robben để thấy được sự phân biệt đối xử của chính quyền lúc đó.

phòng giam nelson mandela
Phòng giam của Nelson khi ông bị giam ở đảo Robben 

Các tù nhân khác màu da được phân tách biệt nhau, những người da đen thường có những bữa ăn đạm bạc nhất. 

Tuy nhiên, các tù nhân chính trị như Nelson được một số đặc quyền so với các tội phạm thông thường cũng bị giam ở đây, ví dụ như được đọc sách. 

Nhưng tất cả những gì họ được đọc đều đã được kiểm duyệt, người thân hay các lá thư tay với bên ngoài 6 tháng 1 lần mới được đưa vào trong.

Thời gian biểu của Nelson khi ông sống trên đảo là ssng 5h30 dậy dọn phòng giam, 6h ăn sáng bằng cháo ngô và café ngô. 

Sau đó từ 7 – 11h đi lao động khổ sai ở các mỏ đá vôi trên đảo và ăn tối vào lúc 14h30 ngay tại công trường với thức ăn ít ỏi, cách 2 ngày mới được 1 miếng thịt cũ. 

Cuối ngày họ trở về phòng gian, dành chút thời gian ít ỏi khi còn sáng để đọc sách và đi ngủ lúc 18h.

Nhà tù hay trường đại học?

Không bằng lòng sống mòn mỏi trong ngục tù, Nelson đã tham gia khóa đào tạo mở rộng của Đại học London thông qua thư và đã nhận được bằng cử nhân luật. 

Thậm chí, Nelson còn được đề cử làm hiệu trưởng danh dự của trường trong cuộc bầu chọn năm 1981, tuy nhiên vị trí này cuối cùng được dành cho Công chúa Anne của Anh.

tranh vẽ của nelson mandela
Bức tranh màu sáp được Nelson vẽ lại trong thời gian bị giam trên đảo Robben 

Trong khối B của nhà tù, ô số 5 là điểm đặc biệt nhất của cả đảo, vì đó chính là nơi giam giữ Nelson. Căn phòng rộng 4 mét vuông, với 2 chiếc đĩa cạn và sâu, 1 chiếc thìa và chăn chiếu. Đó là tất cả những gì gắn bó với cựu Tổng thống Nam Phi trong 18 năm khi ông ở đây.

Khi bị đưa ra đảo Robben, Nelson đã kết bạn được với một cai ngục da trắng trung thành của chế độ bảo thủ có tên Christo Brand, khi đó mới 18 tuổi. 

Câu chuyện này đã được lưu truyền cho đến ngày nay và xây dựng nên một hình ảnh Nelson như người hòa giải vĩ đại nhất lịch sử.

Tháng 3/1982, Nelson được chuyển từ đảo Robben sang nhà tù Pollsmoor cùng với các lãnh đạo da đen khác của ANC. 

Đã có suy đoán, đây là những bước đi của chính quyền Nam Phi lúc đó nhằm xóa bỏ ảnh hưởng của các tù nhân chính trị lâu năm với những tù nhân da đen trẻ mới bị đưa ra đảo giam giữ.

Thậm chí, nhiều người đã từng gọi đảo Robben là ‘Đại học Mandela’, ám chỉ những gì ông đã để lại được cho các thế hệ tù nhân chính trị ở đây.

Âm mưu và thương thuyết

Trong khi ở tù, Nelson đã không ít lần trở thành mục tiêu của những âm mưu thâm độc nhằm loại ông khỏi cuộc chơi, đàn áp hoàn toàn những cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của ANC.

Trong cuốn hồi ký Inside BOSS xuất bản năm 1981 của mình, điệp viên Gordon Winter của Nam Phi đã kể lại việc ông có mặt trong kế hoạch giải cứu Nelson khỏi nhà tù đảo Robben của chính phủ vào năm 1969. 

Đây là âm mưu thâm độc của những nhà lãnh đạo khi đó để có thể kết tội tử hình Nelson khi ông bị bắt lại. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị các nhân viên tình báo Anh chặn đứng.

thăm nhà tù đảo robben
Ông Nelson và Tổng thống Mỹ Clinton đến thăm lại nơi đã từng giam giữ ông trên đảo Robben năm 1999 

Không dừng lại ở âm mưu thâm hiểm, chính quyền Nam Phi khi đó đã không ít lần thương thuyết với Nelson để trả tự do cho ông kèm theo những điều kiện có lợi cho họ.

Năm 1985, Tổng thống Botha đưa ra lời đề nghị trả tự do kèm điều kiện Nelson phải ‘từ bỏ các phương thức đấu tranh bạo lực’. 

Lời đề nghị này đã vấp phải sự phản đối của các Bộ trưởng vì họ thừa hiểu Nelson sẽ không bao giờ đổi hoạt động của ANC lấy tự do của mình.

Quả đúng như vậy, thông qua con gái Zindzi, Nelson tuyên bố: “Tự do của tôi có nghĩa lý gì khi tổ chức của nhân dân – ANC – vẫn bị cấm đoán. Chỉ có người tự do mới có quyền thương lượng, tù nhân như tôi không thể tham gia vào thỏa hiệp nào hết”.

chiến thắng bầu cử
Nelson nhảy trên sân khấu khi công bố chiến thắng của ông và ANC ngày 2/5/1994 ở Johannesburg 

Kể từ năm 1985, liên tục những cuộc gặp gỡ mang tính chất thăm dò của chính quyền Botha với Nelson được tiến hành. 

Kể cả khi ông đã được chuyển tới nhà tù Victor Verster năm 1988. Trong khi đó, ở Nam Phi và trên thế giới liên tục xuất hiện các phong trào đòi trả tự do cho ông.

Đến năm 1989, chính quyền Nam Phi có sự chuyển biến khi Botha đột quỵ và F.W. de Klerk lên nhận chức Tổng thống. Klerk chính là người quyết định trả tự do cho Nelson và dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đối với ANC năm 1990.

Giải Nhi(Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn