Sau hơn 1 tháng được bán ra chính thức, giá của iPhone X tại Việt Nam đã giảm sốc từ 68 triệu đồng xuống còn 25 triệu đồng. Tuy nhiên, sức nóng của iPhone X vẫn chưa hạ nhiệt, nhiều người cho rằng giá bán của “ táo” 10 vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng.
Và cũng trong cơn sốt iPhone X, nhiều người không khỏi tò mò về nhân vật đã đưa chiếc điện thoại "hot" này về Việt Nam đầu tiên. Nhân vật "bí ẩn" này là ai, tại sao người này đưa được iPhone 7 và cả iPhone X về Việt Nam đầu tiên? Và người này "thổi" giá iPhone X lên tới 68 triệu đồng như vậy có hợp lý hay không?
PV VTC News đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Minh Tuấn (SN 1981) - ông chủ chuỗi 6 cửa hàng bán lẻ ĐTDĐ Minh Tuấn Mobile và cũng là người đưa iPhone X, iPhone 7 về Việt Nam đầu tiên.
Rửa bát thuê, chạy xe ôm kiếm sống
Chúng tôi tìm đến cửa hàng bán lẻ ĐTDĐ Minh Tuấn Mobile (Quận 1, TP.HCM) vào một ngày cuối tuần. Bước vào cửa hàng, một nam nhân viên nhanh chóng chào hỏi và nhiệt tình tư vấn. Khi biết ý định của chúng tôi là tìm gặo ông chủ Minh Tuấn, cậu nhân viên mới cười hiền và từ tốn nói: "Em là Minh Tuấn đây".
Chưa hết bất ngờ vì một ông chủ của chuỗi 6 cửa hàng ĐTDĐ lại khiêm tốn và đơn giản đến thế, một số nhân viên tại cửa hàng đã cho biết thêm: "Ông chủ tụi em khác người lắm, chủ mà không giống chủ. Người ngoài vô cứ tưởng nhân viên thử việc không à".
Kể về cơ duyên đến với nghề kinh doanh ĐTDĐ, Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh rời Lâm Đồng và mang theo 2 triệu đồng xuống Sài Gòn nhập học trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn.
"Cầm 2 triệu đồng, tôi một thân một mình xuống Sài Gòn, sau khi đóng tiền nhập học và tiền phòng trọ thì tôi còn đúng 100 nghìn. Cầm 100 nghìn đồng trong tay mà tôi không biết nên xoay sở thế nào, ăn không dám ăn, uống không dám uống. Và rồi, tôi tất bật tìm việc làm thêm, số tiền 100 nghìn đồng coi như để dành phòng thân", Tuấn nhớ lại.
Hàng ngày, khi hết giờ học, Tuấn tìm đến quán ăn và rửa bát theo ca, sau đó chàng sinh viên lại mang theo đồ nghề ra vỉa hè vá xe với giá "tuỳ lòng".
"Hồi đó cực nhưng cũng vui lắm. Học xong là tôi đi rửa bát, rồi đến tối lại mang theo mấy đồ vá xe cũ xin được của bác gần trọ ra vỉa hè Quận 1 ngồi đó. Lâu lâu cũng có vài xe, giá thì tôi cứ bảo cô chú cho cháu bao nhiêu thì cháu cảm ơn, người Sài Gòn thì dễ thương, hầu hết họ cứ cho tôi nhiều hơn, nên mỗi đêm cũng được tầm 15 nghìn đồng, mà 15 nghìn đồng hồi đó giá trị lắm.
Sau đó, Tuấn chuyển qua nghề chạy xe ôm. Khi cậu bạn cùng phòng nghỉ học, không phải dùng xe máy thì Tuấn dò hỏi và mượn xe máy của cậu bạn để thử chạy xe ôm. Ngày đầu tiên mượn, Tuấn chạy và thu lời được 50 nghìn đồng.
Kể từ hôm đó, Tuấn quyết định qua cửa hàng cho thuê xe máy cũ và chính thức chuyển nghề làm xe ôm. Cứ 3h sáng, Tuấn lại có mặt tại Bến xe miền Đông đón khách, 6 giờ sáng lại về và lên giảng đường. Mỗi ngày 3 tiếng, Tuấn kiếm được 50 nghìn đồng và trả tiền thuê xe 20 nghìn đồng.
Từ nghề chạy xe ôm, Tuấn lo được tiền ăn học hằng tháng cho mình, lại còn mua được máy vi tính, mua lại cả chiếc xe máy mà anh vẫn thuê chạy hằng ngày.
Video: Giá của những chiếc iPhone X đầu tiên về Việt Nam
Ông chủ đưa iPhone X và iPhone 7 về Việt Nam đầu tiên
Tuấn cho biết, trước khi thi đại học, anh còn đắn đo nên thi ngành Quản trị kinh doanh hay ngành Điện – Điện tử. Thế rồi, anh nói: “Kinh doanh dường như đã có sẵn trong máu tôi”, và anh quyết định rẽ sang con đường kinh doanh.
"Cái thời tôi còn thuê xe để chạy xem ôm thì người chủ cho thuê xe mới bán cho tôi một chiếc điện thoại Siemens C25 với giá 400 nghìn đồng. Dùng vài hôm, một người bạn của tôi nói rằng rất thích chiếc điện thoại đó và đồng ý mua lại với giá 600 nghìn đồng. Lúc đó, không phải làm gì mà tự nhiên lời 200 nghìn đồng nên tôi cảm thấy rất háo hức.
Và cũng lần “kinh doanh” đầu tiên ấy đã khiến tôi hứng thú với thị trường ĐTDĐ. Sau một thời gian, tôi quyết định cầm chiếc xe máy đang là "cần câu cơm" lúc đó được 7 triệu đồng, cùng với 5 triệu đồng tiền tích góp từ trước đến giờ, tôi có trong tay 12 triệu đồng làm vốn.
Tôi mở một cửa hàng ĐTDĐ tại quê nhà Lâm Đồng để bắt đầu kinh doanh, hồi đó ĐTDĐ còn lạ lẫm với nhiều người nên tôi bán khá chạy", Tuấn nhớ lại quãng thời gian lập nghiệp.
Tiếp đó, năm 2004, Tuấn trở lại Sài Gòn và mở thêm một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ (Quận Bình Thạnh). Cũng năm đó, anh mở thêm một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám nhưng thất bại. Không dừng lại, một năm sau, vào tháng 10/2005, Tuấn mở thêm một cửa hàng cũng trên đường Điện Biên Phủ vào đúng sinh nhật lần thứ 25 của mình.
Ngoài bán điện thoại, anh còn nhận sửa chữa và dạy nghề. Mỗi khóa học của anh thường có khoảng 10 học trò, học trong vòng 3- 5 tháng. Cho đến nay, anh đã có đến trên 200 học trò, những người này cũng đã có cơ ngơi riêng của mình ở khắp nơi như: Sài Gòn, Hải Phòng, Bình Phước, Lâm Đồng, các tỉnh miền Tây…
Điều thú vị nhất... bố anh cũng là một học trò của anh.
Từ Lâm Đồng, ông đã xuống Sài Gòn học nghề sửa chữa điện thoại để phụ trách thay anh cửa hàng trên Lâm Đồng. Nhờ nhanh nhạy, chịu khó, biết hợp tác, cạnh tranh bình đẳng với các cửa hàng khác, 4 cửa hàng của anh ngày càng phát triển, học trò ngày càng đông.
"Biến cố lớn nhất từ lúc kinh doanh điện thoại tới giờ đối với tôi đó là năm 2007. Khi vừa phải trả tiền lãi ngân hàng, rồi tiền thuê mặt bằng, thế nên trong vòng một năm, việc kinh doanh hầu như không có lời. Đúng lúc khó khăn ấy, tôi lại không may bị trộm đột nhập của hàng và lấy hết tài sản gần 100 triệu đồng", Tuấn nhớ lại.
Lần đó, gần như mất trắng nhưng Tuấn không hề gục ngã, anh tự dặn mình: “Nếu mất hết thì mình còn có thể chạy xe ôm trả nợ”. Thất bại, Tuấn lại càng thêm yêu công việc và chịu khó.
Đến hiện tại, nỗ lực của anh như đang được minh chứng với chuỗi 6 cửa hàng khá thành công. Đáng nói hơn, khi anh chính là nhân vật "bí ẩn" đang được nhiều người "săn đón" vì 2 lần đưa được những chiếc iPhone siêu "hot" về Việt Nam đầu tiên.
Video: Có nên 'đốt' tiền vào iPhone X thời điểm này?
"Nếu nói thành công thì không phải, mà chỉ có thể gọi là nỗ lực có kết quả. Đối với tôi, 2 từ "thành công" nó lớn lắm, cố gắng chưa bao giờ là đủ để có thể gọi là thành công.
Hiện tại, tôi có 6 cửa hàng điện thoại, trong đó có 4 cửa hàng ở quận Bình Thạnh, 1 cửa hàng ở quận 1 và 1 cửa hàng tại quê nhà Lâm Đồng. Chừng đó chưa là đủ với tôi, với đam mê này tôi sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng của mình hơn nữa", ông chủ trẻ cho biết.
Nói về việc đưa 2 chiếc điện thoại iPhone X và iPhone 7 về Việt Nam đầu tiên, Tuấn cho biết đó cũng là một sự may mắn. Anh cũng như bao người khác, đều mong muốn đưa được chiếc điện thoại "hot" nhất về thị trường Việt nam và trao cho khách hàng.
Anh đã cho nhân viên qua tận Singapore trước nhiều ngày để tìm hiểu tình hình mở bán và sẵn sàng bỏ giá cao ngất ngưởng để mua được chiếc điện thoại đầu tiên.
"Khi về Việt Nam giá máy sẽ cao gấp 3 gấp 4 lần, đó là quy luật tất yếu. Khách hàng cũng hiểu điều đó nên rất vui vẻ. Họ vui vì là người đầu tiên trong nước sở hữa chiếc điện thoại đó và họ vui khi hiểu được giá trị mà người đưa về đã khó khăn như thế nào", anh Tuấn cho hay.
Bình luận