• Zalo

Bí mật chưa kể về "tập đoàn bố già" ở châu Á

Kinh tếThứ Hai, 26/03/2012 01:12:00 +07:00Google News

Sau cuộc điều tra dài bốn năm, Ủy ban chống tội phạm Úc tuyên bố đã có các bằng chứng hoạt động của mạng lưới rửa tiền, buôn bán ma túy.

Sau cuộc điều tra dài bốn năm, Ủy ban chống tội phạm Úc tuyên bố đã có các bằng chứng hoạt động của mạng lưới rửa tiền, buôn bán ma túy rất thế lực liên quan đến nhiều quan chức,cảnh sát cấp cao ở châu Á.

Tờ The Sydney Morning Herald cho biết nhà chức trách Úc đã thực hiện chiến dịch điều tra có tên “Điệp vụ Đại Vũ “(lấy theo tên của ông vua Trung Quốc chuyên trị thủy chống lũ) và phát hiện mạng lưới tội phạm có tên “Grandfather Syndicate”, tạm dịch là “Tập đoàn Bố già”.

Hải quan Úc phát hiện ma túy trong một con cá ở Brisbane  
Mạng lưới này được cho là đã xâm nhập sâu và cao trong các cơ quan thực thi pháp luật và giới lãnh đạo chính trị của nhiều quốc gia và lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Macau. Thậm chí các thành viên cấp cao của “Tập đoàn Bố già” còn đàng hoàng tham gia cả hội nghị Cảnh sát quốc tế (Interpol) ở New York.

Thông tin gây sốc này được đưa ra trong báo cáo điều tra do Úc gửi tới các nước liên quan và báo chí Úc được tiếp cận (dù không đầy đủ).

Để phục vụ điều tra, Chính phủ Úc đã cho phép cơ quan điều tra gửi khoảng 10,4 triệu USD tiền bị nghi ngờ dính líu tới ma túy vào một quỹ bị cho là liên quan tới rửa tiền và ma túy khác ở nước ngoài, nhằm truy ra tung tích của những kẻ cầm đầu các nhóm tội phạm. Sự kết hợp giữa cảnh sát liên bang Úc và Cơ quan chống rửa tiền Úc (Austrac) đã giúp họ câu được mẻ lưới lớn: tịch thu được lượng ma túy trị giá 780 triệu USD.

Tờ The Sydney Morning Herald dẫn thông tin từ báo cáo cho biết “Tập đoàn Bố già” đứng đằng sau “mặt hàng nhập khẩu” vào Úc hằng năm là ma túy trị giá đến hàng tỉ USD, và đây là “một mối đe dọa nghiêm trọng” đối với cộng đồng Úc.

Thông báo của cơ quan điều tra nhận định các nguồn tiền từ các nhóm tội phạm cho phép chúng tạo ra được mạng lưới xuyên chính phủ, sở hữu những doanh nghiệp và làm ăn một cách hợp pháp ở các nước khác nhau.

Để hỗ trợ hoạt động toàn cầu, “Tập đoàn Bố già” có ba thủ lĩnh đặt tại Đông Nam Á, ít nhất 22 thủ lĩnh khác ở khắp thế giới, hoạt động theo mô hình tập đoàn đa quốc gia cấp “hàng” theo quy luật cung cầu. Úc được coi là thị trường quan trọng do nhu cầu ma túy bất hợp pháp và người Úc sẵn sàng chi giá cao cho mặt hàng này.

Báo cáo khẳng định tập đoàn này đã đầu tư hàng tỉ USD vào loại hình kinh doanh cờ bạc cấp cao trên Internet, các khách sạn, nhà nghỉ, công ty xây dựng thương mại, đầu tư bất động sản ở Hong Kong và Việt Nam cùng các sòng bạc. Để hỗ trợ quá trình vận chuyển tiền nhanh chóng, “Tập đoàn Bố già” đã sử dụng các quan chức chính phủ, nhân viên ngân hàng.

Nhà chức trách Úc kết luận các thành viên của “Tập đoàn Bố già” đã tham gia mạng lưới vận chuyển ma túy vào Úc trong hơn mười năm qua. Trong số đó có đợt vận chuyển cho trùm tội phạm Sydney Duncan Lam Sak Cheung (đang thụ án tù) và đợt vận chuyển 105kg ma túy năm 2005 khiến trùm tội phạm châu Á Ly Vi Hung xộ khám.

Ngoài ra, “Điệp vụ Đại Vũ” cũng bắt giữ một lượng ectasy lớn trị giá 500 triệu USD vào năm 2007 và bốn đợt giao “hàng” tới Úc từ Canada năm 2008 với lượng ma túy lên tới nửa tấn.

Những chi tiết hé lộ trong “Điệp vụ Đại Vũ” đã chứng tỏ cảnh sát Úc đang gặp rất nhiều khó khăn khi đối phó với những tập đoàn tội phạm khổng lồ đang hoành hành ở đất nước này và vươn vòi bạch tuộc tới nhiều quốc gia khác. Kết quả của điệp vụ vượt xa hơn ý nghĩa của việc bắt giữ tội phạm hay tịch thu ma túy.

Thực tế, các điều tra viên ước tính 4-12 tỉ USD tiền liên quan tới ma túy đã được đưa từ Úc ra nước ngoài mỗi năm, cao hơn nhiều so với con số 390 triệu USD mà Viện tội phạm Úc công bố trước đó.
 
Vào hang cọp mới bắt được cọp
 
Một trong những thành viên tham gia điều tra là Patrick Vikingsson, chuyên gia tình báo với 20 năm kinh nghiệm, là một trong những nhà phân tích hàng đầu của Ủy ban tội phạm New South Wales trước khi gia nhập Ủy ban tội phạm Úc. Đầu năm 2007, Vikingsson đã tìm ra cách phân tích luồng tiền ra khỏi Úc để phát hiện những vụ nghi ngờ.
 
Chương trình ông thực hiện có tên gọi High Risk Funds Program (tạm dịch Chương trình nguồn tiền có nguy cơ cao) giúp cảnh sát tìm ra những kẻ tội phạm ẩn danh bằng cách phân tích đường đi của các luồng tiền và hiểu được tình hình kinh tế của các tổ chức tội phạm ở Úc.
 
Năm 2008, giám đốc Ủy ban tội phạm Úc Alastair Milroy đã tìm ra ai là người được hưởng lợi từ những nguồn tiền lớn đó bằng cách “vào hang cọp để bắt cọp”. Họ thành lập cơ quan “kiểm soát tiền rửa”, cung cấp dịch vụ giúp đưa tiền ra khỏi Úc mà không khiến lực lượng hành pháp chú ý.
 
Theo lý thuyết, những kẻ nghi ngờ tội phạm sẽ lập tức kéo tới “hũ mật” này, để sau đó cơ quan điều tra có thể mở rộng hoạt động hơn nhờ công nghệ theo dõi rất tinh vi của họ.

Theo TT


Bình luận
vtcnews.vn