Bi kịch thủ khoa đại học Trung Quốc: 9 năm thất nghiệp, trầm cảm đến tâm thần

Chân dungThứ Tư, 19/06/2024 08:16:00 +07:00
(VTC News) -

Xuất sắc trở thành thủ khoa đại học danh giá nhưng cuộc đời Lưu Kỳ lại xuống dốc, bị trầm cảm đến mức tâm thần.

Sinh ra và lớn lên ở ngôi làng miền núi tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Lưu Kỳ (SN 1984) luôn được coi là đứa trẻ đặc biệt với trí thông minh hơn người. Từ nhỏ anh ý thức được học là con đường duy nhất để thoát nghèo.

Thủ khoa đại học

Lưu Kỳ tự giác học tập, không bao giờ để cha mẹ phải nhắc. Từ khi đi học, anh luôn đứng đầu lớp. 

Thời điểm lên lớp 6, cha mẹ phải đi làm xa nên Lưu Kỳ ở một mình, vừa học vừa quán xuyến nhà cửa, một năm gia đình chỉ đoàn tụ đôi lần. 

Suốt quãng thời gian học trung học, Lưu Kỳ gần như không được cảm nhận tình thương của cha mẹ. Anh lủi thủi đi học rồi về nhà, sống cuộc sống đơn độc.

Lưu Kỳ có tuổi thơ thiếu tình thương. (Ảnh: Baidu)

Lưu Kỳ có tuổi thơ thiếu tình thương. (Ảnh: Baidu)

Lưu Kỳ luôn mang vẻ mặt buồn bã. Dù đạt điểm số cao và đứng nhất lớp, anh cũng không vui. Bạn học cùng lớp từng nói để thấy nụ cười của Lưu Kỳ còn khó hơn làm bài kiểm tra. 

Càng lớn, anh càng sống khép kín, ít giao lưu với người khác, ít bạn bè. Lưu Kỳ trưởng thành trong môi trường thiếu cả tình thương gia đình và tình cảm bạn bè.

Năm 2002, Lưu Kỳ bước vào kỳ thi đại học khốc liệt. Anh xuất sắc trở thành thủ khoa toàn tỉnh Hồ Nam với số điểm 654. 

Sau nhiều năm khổ luyện, Lưu Kỳ được nhiều người biết đến. Anh trở thành niềm tự hào của ngôi làng nghèo nơi miền núi.

Mắc bệnh tâm thần

Mọi người đều kỳ vọng Lưu Kỳ làm nên chuyện khi trở thành sinh việc đại học, nhưng những hành động lại khiến mọi người bất ngờ.

Với điểm số cao chót vót, anh hoàn toàn có thể ghi danh vào Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh - những ngôi trường top đầu Trung Quốc. Thế nhưng chàng trai gốc Hồ Nam lại theo học Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh.

Lưu Kỳ từng chia sẻ, đây không phải lựa chọn ban đầu, cha mẹ là người định hướng cho anh theo ngành đó vì họ tin rằng con trai giỏi khoa học và kỹ thuật, sẽ có lợi cho tương lai.

Tuy nhiên, suốt những năm tháng đại học, Lưu Kỳ lại trở thành sinh viên mờ nhạt. Anh không còn hào hứng với việc học như lúc còn nhỏ. Không ai còn biết hay để ý đến anh. Không thành tích, không giải thưởng, anh như người vô danh ở trường đại học.

Tốt nghiệp đại học, anh xin được việc làm và trở thành nhân viên cấp thấp của doanh nghiệp lớn. Dù thu nhập không cao nhưng công việc cũng giúp anh ổn định cuộc sống.

Rồi sau đó không lâu, Lưu Kỳ nghỉ làm vì công việc không được sự kỳ vọng của anh. Số tiền lương ít ỏi, vị trí công việc không có cơ hội thăng tiến đã thôi thúc anh đi tìm công việc mới.

Lưu Kỳ bắt đầu chuyến đi đến các thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải,... để tìm việc nhưng kết quả đều không được như ý. Không nơi nào nhận vào làm việc, tất cả đều nói anh thiếu kinh nghiệm. Lưu Kỳ ngày càng trở nên chán nản.

Sau những áp lực tại thành phố, Lưu Kỳ trở về quê để nghỉ ngơi một thời gian. Nhưng từ khi trở về, anh chỉ ở trong nhà, không làm việc, không gặp gỡ ai. Thời gian trôi qua nhanh chóng, chàng thủ khoa năm xưa thất nghiệp suốt 9 năm.

Lưu Kỳ tự nhốt mình trong phòng. (Ảnh: Baidu)

Lưu Kỳ tự nhốt mình trong phòng. (Ảnh: Baidu)

Lưu Kỳ bị rơi vào vòng lặp tự ti không muốn ra ngoài, không kiếm được việc làm, lại càng tự ti. Cha mẹ khuyên tìm công việc đơn giản để kiếm sống qua ngày nhưng anh không đồng ý. Cha mẹ xin cho một vị trí làm nhân viên bảo vệ, anh nhất quyết không làm vì thấy bẽ mặt.

Anh luôn mang tâm lý nặng nề "thủ khoa đại học phải làm công việc tương xứng". Sự kỳ vọng cố chấp khiến Lưu Kỳ nảy sinh mâu thuẫn với cha mẹ, tính khí ngày càng trở nên tồi tệ, có biểu hiện lạ không giống người hiền lành như trước kia.

Cha mẹ nghi Lưu Kỳ có bệnh nên ép đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ thông báo rằng Lưu Kỳ bị trầm cảm dẫn tới tâm thần phân liệt. Cha mẹ nỗ lực bù đắp tình cảm để cứu anh ra khỏi sự bế tắc. 

Sau những hàn gắn gia đình, tuy không thể trở lại thời kỳ xuất sắc nhưng anh đã dần lấy lại niềm tin, cởi mở với mọi người.

Anh tự học những kiến ​​​​thức điện tử và thực hiện một số phát minh nhỏ về màn hình điện tử. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của những người xưng quanh, Lưu Kỳ cố gắng hòa nhập với xã hội và quyết tâm làm lại cuộc đời.

Hiểu Lam(Nguồn: 163.com)
Bình luận
vtcnews.vn