Chỉ cần gõ từ khóa 'mang thai hộ' hoặc 'đẻ thuê', rất nhiều thông tin xoay quanh vấn đề này được 'bóc mẽ'.
Với các cô gái nhận mang thai hộ, họ chỉ nhận là công việc chứ không nghĩ sẽ vương vấn với đứa trẻ đã mang trong mình 9 tháng. "Em không có nhu cầu gặp con, sinh xong coi như là hết" - 1 cô quả quyết
Nhận mang thai hộ lấy tiền nuôi con
Tiếp tục lần theo những manh mối được bạn bè chia sẻ, chúng tôi lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm người hỗ trợ mình.
Chỉ cần từ khóa “mang thai hộ” hoặc “đẻ thuê”, rất nhiều thông tin xoay quanh vấn đề này được “bóc mẽ” hoặc chia sẻ hoặc link tới thông tin, những tâm sự của người có nhu cầu mang thai hộ và cả người đang tìm người giúp mình mang thai.
Hầu hết những tâm sự đó đều đặt nặng chữ “tiền” lên trên tất cả, nó giống như cái “chợ” để những người phụ nữ coi đó như công việc, cứ mặc nhiên hét giá. Rồi cảnh người mang thai và người nhờ mang thai thương lượng giá để đi tới tờ giấy giao dịch trước khi tiến hành các thủ tục... cho ra đời 1 đứa trẻ.
“Mình nhận mang thai hộ bạn nào có nhu cầu thì nhắn tin cho mình nhé. Mình ở miền Trung, chỉ nhận mang thai hộ ở miền Trung hoặc miền Bắc thôi. Mình chỉ mang thai hộ cho bạn nào đã có phôi của 2 vợ chồng, mình không cho trứng.
Mình nhận mang thai hộ vì mình đang trong hoàn cảnh cần tiền để lo cho con ăn học. Mình sinh đẻ khá dễ dàng nên thật sự muốn mang thai hộ.
Mình nói rõ là khi nhận mang thai hộ thì mình sẽ có trách nhiệm với việc mình làm, không tranh giành con của bạn, sống lành mạnh, biết chăm lo cho em bé trong bụng để sinh cho bạn em bé khỏe mạnh và xinh xắn.
Mình sức khỏe tốt, ngoại hình bình thường, mình đã có con, mình sinh thường và mình sẽ ở nhà bạn hoặc bạn thuê cho mình 1 phòng trọ để mình ở trong thời gian mang thai. Ăn, ở bên bạn lo cho mình. Mình chỉ nhận mang thai hộ 01 lần nên mình không muốn các bạn môi giới mang thai hộ, nhắn tin, gọi điện cho mình.
Sau gần 10 tháng mang bầu giúp bạn, sinh cho bạn em bé thì mình muốn nhận số tiền là 250 triệu đồng. Bạn nào thật sự có nhu cầu thì liên hệ với mình qua số điện thoại, các bạn nhắn tin cho mình nhé, mình ngại nghe điện thoại. Sau khi nói chuyện xong thì gọi điện thoại sẽ tốt hơn.
Cầu chúc những ai chưa được may mắn làm mẹ sẽ bất ngờ có tin vui...”.
Em bé đầu tiên sinh ra nhờ mang thai hộ tại Việt Nam |
Đó là tâm sự của một cô gái người Nghệ An, vì cần tiền nên muốn tìm “mối” mang thai hộ.
“Đánh liều” gọi điện cho người phụ nữ này theo số điện thoại đã được chia sẻ, giọng một người đàn ông đậm chất miền Trung vang lên trong máy khiến tôi giật mình.
Không hỏi thông tin tôi là ai, người đàn ông này cho số của “vợ” anh ta (người phụ nữ nhận mang thai hộ - PV) đang sở hữu.
Gọi tới số máy đó và nói rõ mục đích cuộc gọi của mình là nhờ mang thai hộ, chúng tôi nhận thấy sự “run rẩy” qua chất giọng người phụ nữ này.
“Em “giải nghệ” rồi. Sau khi đăng thông tin đó lên là em không làm nữa”, đó là thông tin chúng tôi nhận được từ cuộc gọi đó.
Tuy nhiên cô cũng thẽ thọt hỏi tôi xem, khi tôi gọi điện tới số máy mà chồng cô đang cầm, tôi có nói là nhờ mang thai hộ không.
Nắm rõ cái sự “sợ” lộ tung tích của cô, tôi trả lời “không”. Đáp lại chỉ là tiếng “vâng” đầy nuối tiếc.
“Công việc” mang thai hộ
Tiếp tục đi tìm những cô gái muốn mang thai hộ để kiếm tiền, tôi tìm được H. (25 tuổi, Lâm Đồng). H. kể, mình đã có con trai 3 tuổi, ngoại hình ưa nhìn, cao 1m56. H. nhận hiến trứng và mang thai hộ.
Mang thai hộ, các cô gái chỉ cần tiền và coi đó như công việc |
“Em chỉ nhận mang thai hộ cho những người ở trong nam vì quê quán em trong này và em cũng có con nhỏ rồi nên muốn quá trình mang thai vẫn có thể lo cho con", H. nói.
Cuộc trao đổi giữa tôi và H. kéo dài hơn 10 phút, H. không vòng vo hay né tránh. H. trả lời tôi chắc nịch:
"Điều kiện của em, em cũng chia sẻ hết rồi. Em chỉ giúp vợ chồng hiếm muộn hoặc cần con chứ không nhận những người đơn thân muốn có con vì trường hợp đó rắc rối.
Chị xem còn yêu cầu gì nữa không. Thực hiện ở đâu và khi nào thực hiện, em cũng muốn biết rõ.
Giá riêng tiền công mang thai là 100 triệu đồng, thêm nguyện vọng, hàng tháng, gia đình giúp cho em thêm 3 triệu đồng để nuôi con. Vì từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc công việc, em chỉ tập trung mang thai chứ có đi làm đâu được.
Nếu thức ăn, chỗ ở bên chị lo được càng tốt, em có thể ở chung với chị. Ở ngoài, em ở với gia đình em.
Em không phải dịch vụ, vấn đề đó mình có thể bàn bạc, nơi thực hiện là bệnh viện, cần có hợp đồng để mọi chuyện rõ ràng, về sau không bên nào “lật ngược” vấn đề và mọi chuyện cũng dễ giải quyết.
Em không có nhu cầu gặp con, sinh xong coi như là hết.
Nguyện vọng của gia đình là vậy em cũng làm vậy vì dù sao cũng là công việc. Em chỉ nhận là công việc chứ không nghĩ gì là vương vấn về sau vì em cũng nuôi một đứa con cũng khổ lắm rồi”, H. giãi bày.
Sau cuộc nói chuyện đó, H. không thấy tôi liên lạc lại nên chủ động dịp vào Sài Gòn chơi, H. gọi cho tôi để bố trí cuộc gặp riêng nhưng tôi từ chối vì muốn có thêm thời gian suy nghĩ.
Và phía sau câu chuyện “công việc”, “cần tiền” của những người phụ nữ này là tâm sự của không ít những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Nguồn: Nguoiduatin
Bình luận