• Zalo

Bi kịch mang tên 'sống thử' ở khu công nghiệp

Thời sựChủ Nhật, 05/10/2014 12:20:00 +07:00Google News

Họ là những nữ công nhân sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, dễ bị cuốn vào các cuộc tình chớp nhoáng.

Họ là những nữ công nhân sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, dễ bị cuốn vào các cuộc tình chớp nhoáng.

Trong quan hệ yêu đương, họ quá dễ dãi hoặc chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình nên có thể trở thành nạn nhân của nạn nạo phá thai, bị bạo lực cả tinh thần lẫn thể xác và có thể nhiễm HIV.

Mất việc vì mang thai

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các nữ công nhân tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội là những cô gái đều xuất thân ở các vùng quê nghèo. Công việc của họ thường kéo dài từ sáng tới chiều tối, nhiều người còn chấp nhận làm tăng ca để kiếm thêm thu nhập.

Cuộc sống của họ chỉ bó hẹp từ phòng trọ đến nhà máy nên rất thiếu thốn tình cảm. Họ dễ chấp nhận với các cuộc tình ong bướm để vơi bớt sự tẻ nhạt. Và, sẽ không có điều gì đáng chê trách nếu họ không quá dễ dãi trong chuyện yêu đương. Chính sự dễ dãi ấy đã nảy sinh ra những bi kịch trớ trêu.
Ngôi mộ được cho là nơi chôn cất thai nhi của công nhân 
Trên địa bàn khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), các dãy nhà trọ cho công nhân thuê mọc lên nhan nhản. Theo đó, chủ nhà trọ nào cấm công nhân dẫn bạn khác giới về phòng thì sẽ bị “tẩy chay”. Để giữ được khách, chủ nhà trọ đành làm ngơ với các quy định đã cam kết theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân của công ty Panasonic cho biết, phòng trọ nào có con trai ở cùng thì như y rằng, đó là trường hợp “góp gạo thổi cơm chung”. Việc công nhân nữ dẫn bạn trai về phòng sống thử, quan hệ tình dục đã trở thành chuyện bình thường của đời sống công nhân.

Tuy nhiên, điều bất bình thường là họ không chú ý đến các biện pháp bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc xảy ra.


Đó là trường hợp chị Vi Thị L. ở huyện Phổ Yên, Thái Nguyên bị sa thải vì mang bầu. Chị L. là một nữ công nhân rất chăm chỉ. Thời gian đầu, chị còn tích cóp được những đồng tiền lương ít ỏi gửi về quê cho mẹ. Tuy nhiên, từ khi chị yêu Quân (công nhân cơ khí trên địa bàn), hai người đã tính đến chuyện tương lai. Họ chuyển về “góp gạo thổi cơm chung” tại căn phòng nhỏ gần công ty L..

Cứ tưởng chuyện tình của họ sẽ nên vợ thành chồng, nhưng bỗng một hôm, Quân bị đuổi việc, phải sống bám vào người yêu. Số tiền lương L. kiếm được không thể đủ trang trải cuộc sống. L. trách móc người yêu suốt ngày chỉ ăn với ngủ mà chẳng chịu đi tìm việc làm. Họ bắt đầu to tiếng với nhau. L. đã bị Quân đánh đập nhiều lần.

Cuối cùng họ chia tay, Quân vào Bình Dương làm việc, còn L. ở lại với cái bụng bầu. Khi phát hiện cô mang bầu, công ty đã tạo ra cái cớ “không làm được việc” để kết thúc hợp đồng. Thấy cái thai đã 4 tháng tuổi, cô không nỡ bỏ đi. Cuối cùng cô đành phải bụng mang dạ chửa trở về quê.


Đáng buồn hơn, các nữ công nhân còn bị bạo hành về tinh thần, thể xác. Công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long còn nhắc đến trường hợp chị H. quê ở Bắc Giang bị đánh ghen bằng dao lam rất thương tâm. Hay trường hợp của chị N. đã từng làm tại công ty Panasonic. Chị N. có quen một anh lái xe.

Tuy nhiên, chị N. không hề hay biết người yêu mình mắc bệnh xã hội. Sau một thời gian sống chung cùng người yêu, chị N. đã bị lây nhiễm HIV. Trường hợp chị N. bị mắc căn bệnh thế kỷ đã báo động về vấn đề an toàn tình dục của các nữ công nhân.


Rộ chuyện “phá thai bằng thuốc”


Chị Mơ, công nhân của công ty HOYA cho rằng, nạn nạo phá thai chui tại đây rất nhức nhối. Tại khu vực này có hàng loạt các nhà nghỉ mọc lên chủ yếu là để phục vụ công nhân. Sau giờ tan ca, các đôi nam nữ từ các công ty lại dẫn nhau đến nơi “hò hẹn” chớp nhoáng, thậm chí có đôi còn mặc nguyên bộ đồ lao động đi vào nhà nghỉ để tâm sự.
Ông Trần Văn Thế, thôn Tây Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. 
Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện những điều bất thường ở các phòng khám tại địa phương này. Anh Nguyễn Minh Quân, công nhân công ty cơ khí Đông Anh cho rằng: “Chẳng ai lạ gì mấy phòng khám đó. Bình thường anh vào hỏi có dịch vụ phá thai không thì chẳng ai dại gì nhận.

 Tuy nhiên, khi dẫn theo một bạn nữ đi cùng thì họ sẽ “mở lời” ngay. Dịch vụ phá thai chui này đã diễn ra từ rất lâu rồi. Chi phí cho một lần phá thai cũng chỉ khoảng 200.000 – 500.000 đồng. Tuy nhiên, với dịch vụ giá rẻ như vậy thì chắc chắn sẽ không thể an toàn như các cơ sở uy tín”, anh Quân nói.


Sau nhiều ngày quan sát các phòng khám này, chúng tôi đã phát hiện nhiều cô gái là công nhân đến phòng khám. Có những cô gái khi bước vào phòng khám thì bước đi rất bình thường, nhưng khi bước ra thì có vẻ mệt mỏi và cần người yêu dìu đi. Để thâm nhập, chúng tôi giả là cặp tình nhân đi phá thai.

Khi chúng tôi đề xuất nguyện vọng muốn phá thai, người phụ nữ chừng 30 tuổi tự xưng là bác sỹ hỏi: “Cái thai trong bụng đã mấy tháng rồi, muốn phá bằng cách nào? Ở đây có phá thai bằng thuốc, chỉ cần uống đúng cách thì cái thai sẽ bị hủy và thải ra ngoài khi đi vệ sinh”. Vị bác sỹ khẳng định rằng, phá thai bằng cách này không đau mà lại nhanh gọn và giá rẻ, giá chỉ 400.000 đồng.


Thấy chúng tôi băn khoăn về thuốc, người này trấn an: “Đây là loại thuốc phá thai rất tốt lại an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của cô gái và không để lại di chứng sau này. Chúng tôi đã giúp cho hàng trăm cô gái phá thai an toàn theo cách này”.

Chúng tôi lấy cớ rằng, chưa tìm hiểu kỹ về thuốc này nên hẹn lần sau đến phá. Vị bác sỹ nói: “Chúng tôi đã giúp cho hàng trăm nữ công nhân khác có thấy việc gì đâu. Nếu không tin thì em cứ hỏi công nhân ở đây xem có phải phòng khám của chị uy tín không”.

Khi chúng tôi hỏi những công nhân ở đây thì đều nhận được những câu trả lời rằng, tất cả các phòng khám ở đây không phải là nơi được cấp phép về việc phá thai. Tuy nhiên, việc nạo phá thai này lại được thực hiện chui nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, nữ công nhân thì bị hạn chế về thời gian, đến các bệnh viện lớn thì thủ tục rất phức tạp và kinh phí lại rất lớn nên họ đành đến nhờ cậy các phòng khám phá thai chui này.


Theo ông Trần Văn Thế, thôn Tây Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh – Hà Nội), khu này có rất nhiều công nhân, trong số đó chủ yếu là nữ công nhân. Trước đây, nhiều trường hợp nạo phá thai xong còn vứt ra thùng rác, dân làng nhặt được đã đem ra nghĩa trang chôn tập thể tại một cái hố. Bây giờ thì “đất chật người đông”, nghĩa trang cũng không còn đất để chôn những thai nhi bỏ rơi. Hơn nữa, y học phát triển, các phòng khám đa khoa mọc lên nhan nhản nên việc phá thai cũng trở nên nhanh gọn.

“Hiện nay, đã có những công nhân không có điều kiện để nuôi con hoặc vì lý do nào đó mà họ đành phải bỏ rơi hoặc bán con. Nhiều người dân trong làng đã tình nguyện nuôi những đứa trẻ tội nghiệp này. Đó là các cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc thiếu con trai hai hay con gái. Họ coi đó là những đứa con trong gia đình và giữ kín về bố mẹ đẻ của chúng”, ông Thế nói.
Những con số báo động

Tiến sỹ Nguyễn Thị Vân Anh, Phó phòng Kế hoạch sở Y tế Hà Nội cho biết: “Theo kết quả khảo sát mới đây được thực hiện trên 1.000 nữ lao động của hơn 10 nhà máy trên địa bàn Hà Nội, hơn 13% phụ nữ từng nạo phá thai, trong số đó, trên 4% nạo phá thai hai lần trở lên. Tỷ lệ người dùng các biện pháp tránh thai chưa tới 50%”.

Theo ĐSPL

Bình luận
vtcnews.vn