• Zalo

Bi kịch 3 lính cứu hoả cùng một nhà tử nạn trong vụ nổ Beirut

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 08/08/2020 11:55:32 +07:00Google News

Ba lính cứu hỏa cùng nhà tử nạn trong thảm kịch nổ 2.750 tấn ammonium nitrate ở thủ đô Lebanon.

Tối 4/8, Charbel Karam, 32 tuổi, đang trực thì nhận được cuộc gọi từ cảng Beirut: Một nhà kho dường như bắt lửa.

Gia đình và đồng nghiệp đều đồng ý rằng Charbel Karam là một trong những lính cứu hoả dũng cảm nhất của sở cứu hoả đông Beirut. Lúc nhận được cuộc gọi, Karam đang trong ca làm cùng em rể Najib Hatti, 27 tuổi, và em họ của vợ, Charbel Hatti, 22 tuổi.

Khi cả 3 người lái xe hết tốc lực trên đường cao tốc ven biển đến cảng, Karam đã gọi video cho vợ là Karlen và hai con gái nhỏ.

"Xem này, bố đang trên đường tới cuộc cứu hộ! Chú của các con đang lái xe cứu hoả rất nhanh!", anh nói với các con.

Bi kịch 3 lính cứu hoả cùng một nhà tử nạn trong vụ nổ Beirut - 1

Từ trái sang: 3 lính cứu hoả Najib Hatti, Charbel Karam và Charbel Hatti. (Ảnh: Guardian)

Chưa đến nửa giờ sau đó, Karam, Najib và Hatti, cùng 7 đồng đội khác ở sở cứu hoả, có mặt tại trung tâm của một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất được ghi nhận. 3 ngày sau, chỉ một thành viên được xác nhận thiệt mạng, những người còn lại không rõ tung tích.

"Trái tim của gia đình tôi tan nát", Mayan Nassif, người thân của 3 lính cứu hoả, nói. "Ở đất nước này, chúng tôi trân trọng những người đã hy sinh khi chiến đấu với kẻ thù hay bảo vệ mảnh đất của chúng tôi. Nhưng họ đã ra đi vô nghĩa. Họ là những người hy sinh vì sự tham nhũng và hành vi phạm tội của chính quyền chúng tôi".

Nassif và gia đình sống ở Qartaba, một ngôi làng nằm trên núi Lebanon, vì thế nhà của họ không bị phá huỷ.

"Người em họ nghèo của tôi đã mất chồng, em trai và em họ của cô ấy", Nassif nói. "Chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào trong việc tìm kiếm người thân. Chúng tôi tự làm tất cả. Không quan chức nào liên hệ để giúp đỡ hay chia buồn".

Các đồng nghiệp ở sở cứu hoả cũng cảm nhận rõ ràng sự thiếu vắng 3 thành viên. "Chúng tôi giống như những người anh em", một đồng nghiệp thân thiết với Karam từ khi cả hai gia nhập đội cứu hoả năm 2008, nói. "Chúng tôi ăn cùng nhau, làm việc cùng nhau, có khi ngủ chung phòng 3 ngày. Tôi gặp cậu ấy còn nhiều hơn gia đình mình. Thật khó khăn để chấp nhận cậu ấy đã ra đi"

Khi thời gian trôi qua, hy vọng tìm thấy những lính cứu hoả mất tích cũng trở nên mong manh hơn. Truyền thông địa phương hôm 7/8 đưa tin một nhân viên cảng đã được cứu sống sau 19 giờ rơi xuống biển, nhưng những thành viên còn sống của sở cứu hoả bác bỏ.

"Họ chỉ đang nói dối chúng tôi, cho chúng tôi hy vọng giả tạo chừng nào còn có thể, vì họ không muốn nỗi buồn của chúng tôi biến thành giận dữ", đồng nghiệp của Karman nói.

Hiện vẫn chưa rõ chính xác những gì đã xảy ra khi các lính cứu hoả làm nhiệm vụ. Tổng thống Lebanon Michel Aoun tuyên bố tất cả những quan chức chịu trách nhiệm về vụ nổ sẽ bị đưa ra công lý, bất kể chức vụ của họ trong chính quyền. Tuy nhiên, chút niềm tin còn sót lại trong người dân Lebanon vào tầng lớp chính trị giờ đã tan biến.

Ông Aoun cho rằng có thể có "sự can thiệp của nước ngoài" trong thảm hoạ, nhưng nhiều người Lebanon xem đây là một cách để những nhà cầm quyền trốn tránh công lý.

Bi kịch 3 lính cứu hoả cùng một nhà tử nạn trong vụ nổ Beirut - 2

Ba lính cứu hỏa cố phá khóa cửa nhà kho số 12 ở cảng Beirut hôm 4/8, ít giây trước vụ nổ lớn. (Ảnh: Herald Sun)

Có một điều rõ ràng là hệ thống chính trị thời hậu nội chiến tồn tại hàng thập kỷ qua đã cản trở sự ứng phó của Lebanon với tình huống khẩn cấp. Hầu hết đống đổ nát mà vụ nổ gây ra do các nhóm tình nguyện dọn dẹp. 154 người đã được xác nhận thiệt mạng, 300.000 người mất nhà cửa và cuộc tìm kiếm 500 người mất tích vẫn đang diễn ra, dưới sự hỗ trợ của cả tình nguyện viên địa phương và các đội tìm kiếm cứu hộ nước ngoài.

Cú sốc giờ đã biến thành giận dữ. Người biểu tình ở quảng trường Martyrs của Beirut bị lực lượng an ninh dùng vũ lực và hơi cay để giải tán vào đêm 6/8. Một đoàn xe chở các binh sĩ trang bị chống bạo động đã được triển khai hôm qua trên đường phố để chuẩn bị ứng phó với các cuộc biểu tình sắp tới.

Tại sở cứu hoả đông Beirut, nơi cũng bị vụ nổ tàn phá, các thành viên được yêu cầu tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt khi trao đổi với truyền thông. Một thành viên cấp cao chỉ vào bức tường tưởng niệm của sở cứu hoả, trên đó vinh danh 18 người đã chết khi làm nhiệm vụ.

Hôm qua, bức ảnh của một người trong số họ đã biến mất do vụ nổ, một vệt máu kéo dài từ phòng điều hành lên cầu thang.

"Họ đã hứa cung cấp trang thiết bị mới cho chúng tôi từ năm 2015, sau khi chúng tôi mất hai thành viên vì thiếu bộ đàm và đèn thích hợp để dập lửa trong một bãi đỗ xe tầng hầm", ông nói. "Không có gì diễn ra cả. Họ luôn đưa ra cùng một cái cớ. Và bây giờ chúng tôi sẽ phải dựng một tấm bảng mới để tưởng nhớ 10 thành viên khác đã chết không lý do".

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn