Sáng 20/9, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)
Góp ý cho dự thảo luật, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết từ thực tế đi làm các thủ tục hành chính, ông đề xuất cần phải nghiên cứu kỹ điều 19 trong dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Năm 2010, ông Bộ trực tiếp đi làm giấy cấp chứng nhận quyền sử dụng đất tại Phòng Tài nguyên và Môi trường Cầu Giấy (Hà Nội).
“Khi tôi đến đấy đã mang đầy đủ giấy tờ. Trong giấy hẹn đã nêu là tôi đã đầy đủ thủ tục và hẹn sau đó lấy giấy chứng nhận. Nhưng theo giấy hẹn, tôi đến 6 lần vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến khi tôi phát cáu lên thì họ mới buộc phải trả tôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Bộ nhớ lại.
Vị đại biểu này cũng đặt câu hỏi: “Vậy thiệt hại do các cơ quan hành chính, do các cán bộ công chức gây ra từ việc chậm trả kết quả hành chính cho công dân thì ai chịu trách nhiệm”.
Ông Bộ cho rằng, rõ ràng công dân chịu nhiều thiệt hại và cũng cần được bồi thường.
Vì vậy, Luật này chưa đề cập đến vấn đề đó. Khi các cơ quan đã phân công cho từng nhân viên, ai phải giải quyết cho công dân thì phải quy định trách nhiệm của các cán bộ công chức cho từng vụ việc đó.
“Trong thủ tục đã quy định bao nhiêu ngày đều phải trả kết quả cho công dân thì lý do gì anh lại ngâm 5 lần, 7 lượt như vậy?”, ông Bộ băn khoăn đặt câu hỏi.
Việc này, việc bổ sung thêm quy định vào Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) sẽ mở ra việc dân sẽ được kiện đòi bồi thường. Từ đó, cán bộ công chức phải thực hiện nghiêm túc các thủ tục hành chính.
Video: Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội khóa XIII
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng quy định như trong dự thảo Luật còn bó hẹp.
Bà Phóng cho biết rất băn khoăn với nội dung “bồi hoàn” trong dự thảo luật.
“Các đồng chí không giải thích từ bồi hoàn như thế nào?Trong trường hợp này là bồi hoàn của người có lỗi với cơ quan, tổ chức. Việc bồi hoàn có tính bắt buộc rất cao, chứ không phải không làm thì không sao”, bà Phóng nói.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nói rõ khái niệm bồi hoàn là gì, ai bồi hoàn cho ai, bao giờ xong, nếu không thực hiện thì thế nào.
“Ghi như thế này thì chỉ như đang động viên thôi. Nếu như người bị thiệt hại không được bồi hoàn đúng giá trị thì phải thế nào?”, bà Phóng nói thêm.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng cầm làm rõ khái niệm phục hồi danh dự trong dự thảo luật.
“Nội hàm phục hồi danh dự là gì. Ai là người có thẩm quyền công bố phục hồi danh dự cho người bị hại. Liệu chỉ là một lời xin lỗi thì có phải là phục hồi danh dự không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn đặt câu hỏi.
Bà Phóng cho rằng, việc bồi thường phải đảm bảo theo nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu.
Bình luận