Khai mạc lúc 8h30 ngày 23/4, phiên tòa kéo dài đến hơn 14h. Diễn biến tại tòa cho thấy nhiều vấn đề mấu chốt chưa được làm rõ.
Hội đồng xét xử TAND tỉnh Đồng Tháp vẫn tuyên bố vợ chồng Nguyễn Xuân Ngọc - Nguyễn Trung Hòa phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mức án 26 năm tù.
Vợ vay tiền, chồng... sa lưới
Sau phần thủ tục, đại diện Viện kiểm sát (VKS) tỉnh Đồng Tháp đọc bản cáo trạng, quy kết: do làm ăn thua lỗ, đến tháng 5/2011, Nguyễn Xuân Ngọc (32 tuổi, ngụ xã An Bình A, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã nợ khoảng 500 triệu đồng. Thay vì dừng lại, bị cáo tiếp tục vay tiền của nhiều người để trả nợ, đóng lãi cho chủ nợ trước, tiêu xài.
Đến tháng 10/2012, Ngọc mất khả năng trả nợ nên bị tố cáo. Ngọc đã dùng thủ đoạn gian dối (sử dụng tiền vay sai mục đích), chiếm đoạt hơn 1,9 tỷ đồng của bốn người, trong đó nhiều nhất là Đặng Thị Diễm Trang (30 tuổi, ngụ phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, cháu kêu Ngọc bằng dì) với hơn 1,7 tỷ đồng.
Đối với Nguyễn Trung Hòa (35 tuổi) đã nhận 800 triệu đồng tiền vay từ chủ nợ về đưa cho Ngọc, sử dụng 590 triệu nên đã đồng phạm tội lừa đảo.
Ngọc kêu oan, cho rằng không có hành vi "lừa đảo" bởi khi vay tiền, bị cáo nói rõ với chủ nợ mục đích sử dụng (như tu bổ nhà hàng, nuôi hầm cá, hùn tiền nuôi cá, buôn bán mỹ phẩm...) và đóng lãi đầy đủ.
Cụ thể, đối với chủ nợ Diễm Trang: từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2012, Ngọc được Trang cho vay 36 lần với hơn 6 tỷ đồng, trong đó có 700 triệu (giúp cha Ngọc đáo hạn ngân hàng) đã tách ra thành vụ kiện dân sự.
Còn hơn 5,3 tỷ, Ngọc đã hoàn vốn 1,86 tỷ; đóng lãi 82 lần hơn 1,8 tỷ, trong đó nhiều lần trả lãi "khủng", như ngày 17/1/2012 nộp 110 triệu, ngày 6/2/2012 nộp 120 triệu, ngày 11/4/2012 nộp 100 triệu...
Làm ăn thua lỗ, Ngọc tìm cách để trả nợ, không có ý thức chiếm đoạt hay bỏ trốn. Bằng chứng là gia đình bị cáo đã nhiều lần đứng ra giải quyết, thỏa thuận giao đất cho Trang để cấn trừ nợ, nhưng chưa thống nhất với nhau thì chủ nợ tố cáo.
Luật sư phát biểu quan điểm tại tòa. |
Đáng chú ý, suốt quá trình vay tiền, Ngọc - Trang đã trao đổi qua lại bằng 2.364 tin nhắn, thể hiện rõ mục đích vay tiền, thỏa thuận lãi suất, cũng như tình cảm dì cháu mặn nồng (!).
Điển hình là hai tin ngày 10/10/2011: "Khi nào cần tiền thì dì cho con hay trước hai ba bữa vì dạo này đáo hạn ngân hàng nhiều..." (Trang là cán bộ ngân hàng), và "Thấy dì lo cho gia đình mà con thấy thương, thôi dì đừng có buồn biết đâu sau này dì sẽ giàu có hơn...".
Nguyễn Trung Hòa cũng một mực kêu oan: bị cáo ở TP HCM làm công trình với cha ruột là "thần đèn" Cẩm Lũy. Một số lần Hòa về nhà ở Hồng Ngự, Ngọc nhờ đi nhận giúp 500 triệu đồng tiền vay của chủ nợ mang về đưa toàn bộ cho Ngọc, bị cáo không giữ và sử dụng.
Ngọc khẳng định Hòa hoàn toàn không dính dáng đến việc vay mượn tiền của mình. Liên quan khoản tiền 590 triệu đồng, Ngọc xác định đã đưa cho chị ruột Nguyễn Xuân Uyên mượn, đến nay chưa hoàn lại. "Do chị tôi là con dâu của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, sợ bị ảnh hưởng uy tín, tôi mới nhờ anh Hòa đứng ra nhận giúp, không ngờ lại liên lụy, vào tù oan uổng", Ngọc nức nở.
Bị hại Trang xác định đã vay tiền từ ngân hàng và người khác cho Ngọc vay lại lãi suất cao để hưởng lợi. Sau khi Ngọc mất khả năng trả nợ, gia đình đã dàn xếp giải quyết, giao đất cấn nợ nhưng không thành. Trang không đồng ý khấu trừ hơn 1,8 tỷ đồng tiền lãi đã nhận của Ngọc vào vốn gốc như cáo trạng xác định, nên yêu cầu tòa buộc Ngọc trả lại 3,57 tỷ đồng.
Chưa "xét" đã "xử"
Bào chữa cho hai bị cáo Ngọc - Hòa, luật sư (LS) đưa ra nhiều tài liệu chứng cứ chứng minh đây là vụ tranh chấp dân sự. Bị cáo Ngọc không có ý thức gian dối khi vay tiền, các chủ nợ đều biết rõ bị cáo sử dụng tiền vay đúng mục đích. Hơn nữa tại tòa, bị hại Trang tiếp tục tranh chấp khoản tiền lãi đã nhận của Ngọc nên càng khẳng định việc vay - mượn là quan hệ dân sự.
Một trong bốn bị hại là Bùi Thị Ngọc Mai yêu cầu hội đồng xét xử (HĐXX) không giải quyết hình sự đối với khoản tiền mà Ngọc nợ, để hai bên tự thương lượng giải quyết dân sự.
Một chứng cứ quan trọng mà LS đưa ra là tập tài liệu với 2.364 tin nhắn thể hiện ý chí mà hai bên thỏa thuận khi vay tiền, nhưng VKS không đề cập khi tranh luận; HĐXX cũng không đả động. Kỳ lạ hơn, ngay tại phiên xử, bị cáo Ngọc đã nộp chứng cứ mới (bộ đĩa ghi âm cho rằng quá trình tố tụng không khách quan), tòa lập biên bản tiếp nhận, nhưng cũng không xem xét.
Video: Mánh khóe lừa bán vé máy bay giả
Về tố tụng, LS cũng chỉ ra nhiều vi phạm, rõ nhất là vụ án có hai kết luận điều tra cùng tồn tại, một quy kết Ngọc chiếm đoạt hơn 3,8 tỷ đồng và một hạ xuống còn hơn 1,9 tỷ (!).
Vụ án có nhân chứng Nguyễn Xuân Uyên, lời khai của bà này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả xét xử nhưng lại vắng mặt. HĐXX quyết định cho phiên tòa tiếp diễn, nhưng lại "quên" công bố lời khai của nhân chứng Uyên.
Trong khi hàng loạt vấn đề mà LS đưa ra chưa được xem xét, làm rõ thì HĐXX do thẩm phán Trần Văn Ngọc ngồi ghế chủ tọa, tuyên phạt Ngọc 14 năm tù, Hòa 12 năm tù (VKS đề nghị từ 7 - 9 năm) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc hai bị cáo liên đới trả lại tiền đã chiếm đoạt.
Càng khó tin hơn, quá trình tố tụng và tại phiên tòa, anh Nguyễn Chánh Nghĩa (em bị cáo Ngọc) xác định còn nợ và đồng ý hoàn trả cho Ngọc 400 triệu đồng, nhưng thẩm phán chủ tọa tuyên buộc Nghĩa chỉ trả 400.000 đồng (!).
Trao đổi với phóng viên vào sáng 28/4, Nguyễn Xuân Ngọc cho biết đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Qua các tài liệu chứng cứ cũng như theo dõi phiên tòa, chúng tôi nhận thấy kháng cáo kêu oan của Ngọc - Hòa là có căn cứ.
Chưa hết, vụ án còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chính cáo trạng của VKS tỉnh Đồng Tháp xác định lãi suất mà Ngọc phải trả cho chủ nợ Diễm Trang cao nhất lên đến 12% một tháng, lộ rõ hành vi cho vay lãi nặng nhưng HĐXX phớt lờ.
Theo Công an TP.HCM
Bình luận